Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu nghiên cứu dư địa chính sách thuế, phí đối với mặt hàng xăng dầu
Chiều 24/8, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, nghe báo cáo về kết quả công tác điều hành giá 8 tháng, đánh giá những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc, qua đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong công tác điều hành giá 4 tháng còn lại của năm 2022.
Theo Bộ Tài Chính, mặc dù giá nhiều hàng hóa tăng nhưng nhìn chung mặt bằng giá vẫn được kiểm soát tốt. Ước tính chỉ số CPI tăng 0,006 % so với tháng trước và 8 tháng tăng khoảng 2,6% so với cùng kỳ.
Đóng góp vào chỉ số CPI ổn định của tháng 8 là việc giảm giá xăng dâu 5 kỳ liên tiếp do sử dụng hài hòa các công cụ bình ổn, chính sách thuế,… Hiện, nguồn cung xăng dầu khá căng thẳng, giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng, gây sức ép lên phiên điều hành giá vào đúng kỳ nghỉ 2/9 sắp tới.
Ông TRẦN HUY ĐÔNG, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương: “Hiện ngoài thì thị trường nguồn cung giá tăng, hiện nay, giá thế giới đang tăng, chiết khấu 0 đồng, gây sức ép lên điều hành giá sắp tới. Nếu điều chỉnh sớm vào 1/9 – lại rơi vào kỳ nghỉ lễ. Nếu điều hành sớm lại trái với thông lệ. Ban chỉ đạo đang muốn giữ nguyên giá trước kỳ nghỉ lễ, bình ổn thị trường, bình ổn giá.”
Ông TẠ ANH TUẤN, Thứ trưởng Bộ Tài Chính: “Đề nghị Ban Chỉ đạo điều hành giá tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát giá các mặt hàng Nhà nước quản lý đặc biệt là xăng dầu. Do đây là yếu tố đầu vào sản xuất của hầu hết tất cả các ngành kinh tế và tác động đến CPI khá lớn.”
Tuy nhiên, trong 4 tháng cuối năm, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp khó lường, đặc biệt là giá xăng dầu thế giới, Phó thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành liên quan không chủ quan lơ là, có giải pháp kịp thời trong mọi tình huống để đảm bảo nguồn cung và giá cả của mặt hàng xương sống này.”
Phó Thủ tướng LÊ MINH KHÁI: “Tôi đề nghị nghiên cứu dư địa còn lại chính sách thuế phí đặc biệt là liên quan đến xăng dầu để có giải pháp kịp thời trong tình huống tăng cao ảnh hưởng lớn.”
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Tài chính cập nhật 2 kịch bản điều hành giá. Theo đó, với kịch bản thứ nhất, nếu giá xăng dầu bình quân năm 2022 tăng 40% so với năm 2021 kéo theo ảnh hưởng của các mặt hàng khác thì dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng khoảng 3,37%. Với kịch bản 2: Nếu giá xăng dầu bình quân năm 2022 tăng 45% và cùng với việc tăng giá của các mặt hàng khác, dự báo CPI bình quân năm 2022 so năm 2021 tăng khoảng 3,87%.
Thực hiện : Nguyễn Duyên Minh Công