Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Công nhân đi làm trở lại ở Bắc Giang phải tiêm vắc xin

Chiều 30/5, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm việc với tỉnh Bắc Giang về công tác phòng chống dịch. Theo Phó Thủ tướng, tỉnh Bắc Giang cần sớm dập dịch, khôi phục sản xuất và công nhân phải được tiêm vắc xin khi đi làm trở lại.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm việc tại Bắc Giang

Tại buổi làm việc, theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, từ ngày 7/5 đến sáng ngày 30/5, tỉnh Bắc Giang xuất hiện 3 ổ dịch COVID -19, với tổng số trường hợp F0 cộng dồn là 2.172 trường hợp, F1 là 15.863 trường hợp, F2 là 65.850 trường hợp.

Trong số các trường hợp dương tính, chủ yếu là công nhân làm việc trong các khu công nghiệp (chiếm trên 93% số ca nhiễm). Ngoài ra, có một số trường hợp F0 không phải là công nhân trong các khu công nghiệp do lây từ công nhân sang người nhà, người có tiếp xúc gần, cán bộ y tế làm nhiệm vụ tại các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân (chiếm trên 6% số ca mắc). Các ca bệnh mới phát hiện đều ở các khu vực đã được phong tỏa, cách ly y tế.

Hiện nay, có 10 đơn vị đang tiến hành xét nghiệm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang với năng lực thực tế xét nghiệm đạt 20.800 mẫu/ngày. Công suất lấy mẫu xét nghiệm khoảng 20.000-22.000 mẫu/ngày. Đến nay, toàn tỉnh đã lấy được 716.773 mẫu, không còn mẫu tồn trong ngày. Đặc biệt, từ ngày 28-29/5, các địa phương trong tỉnh đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tầm soát ngoài cộng đồng với 45.500 mẫu, trong đó đã có 36.750 mẫu có kết quả, không phát hiện trường hợp nào dương tính.

Ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, dịch đợt nặng, Bắc Giang chủ động 4 tại chỗ, nếu không chủ động thì không đủ cơ sở cho hơn 2000 bệnh nhân điều trị. Tỉnh có phương án sử dụng 8 bệnh viện tỉnh và 10 trung tâm y tế gấp rút hoàn thiện và đón bệnh nhân. Hiện, tỉnh còn khoảng 1000 giường điều trị bệnh nhân mắc COVID - 19. Tỉnh Bắc Giang có 150 giường điều trị bệnh nhân nặng

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang chủ động được công suất khu cách ly, mới sử dụng khoảng 2/3 số chỗ. Các khu cách ly cơ bản đi vào hoạt động nề nếp và làm tốt phòng lây chéo. Bộ Thông tin và Truyền thông đã hỗ trợ tỉnh Bắc Giang lắp camera khu cách ly, bệnh viện và khu dân cư phong tỏa để quản lý. Thời gian tới, có ngày hàng nghìn người hết thời hạn ở cách ly tập trung trở về nhà.

Nhân viên y tế lẫy mẫu cho người dân Bắc Giang

Nhân viên y tế lẫy mẫu cho người dân Bắc Giang

Ông Dương dự báo, thời gian tới, F0 vẫn tăng, nhưng không tăng nhiều, số lượng xuống dần. Tuy nhiên, khối lượng cần lấy mẫu lớn hơn. Từ tuần tới, dự kiến, mỗi ngày, tỉnh Bắc Giang lấy 30.000 mẫu nên thiếu nhân lực đi lấy mẫu. Hiện, có hơn 600 người đi lấy mẫu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, thiếu khoảng 400 người lấy mẫu và cần 100 sinh viên công nghệ thông tin hỗ trợ.

Về tiêm vắc xin, tỉnh Bắc Giang được Bộ Y tế cấp 150.00 liều, trong đó khoảng 102.000 liều tiêm cho công nhân. Tỉnh Bắc Giang quyết tâm tiêm trong vòng 1 tuần, đề nghị Bộ Y tế bổ sung 200 điều dưỡng về tiêm vắc xin.

Ông Dương cho biết, dịch COVID – 19 bùng phát khiến tỉnh Bắc Giang mất 2000 tỷ giá trị sản xuất công nghiệp/ngày. Để khôi phục sản xuất tỉnh Bắc Giang và chuyên gia của Bộ Y tế tiến hành kiểm tra, đánh giá độ an toàn của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Theo đó, có 35 doanh nghiệp rất ít nguy cơ lây nhiễm (khoảng 14.000 công nhân), và 151 doanh nghiệp ít nguy cơ. Đối với các doanh nghiệp này, tỉnh Bắc Giang tiếp tục hướng dẫn hoàn thiện phòng chống dịch để đi vào hoạt động trở lại. Lộ trình, có 35 doanh nghiệp đi vào hoạt động 1 – 2 ngày tới, tiêm phòng hết toàn bộ công nhân. 151 doanh nghiệp, với khoảng 5 vạn công nhân, mỗi tuần có 1 số doạnh nghiệp. Dự kiến, hết tháng 6, có khoảng 186/310 doanh nghiệp đi vào hoạt động.

“Quay lại sản xuất với tinh thần thận trọng, nhưng phải nhanh. Mô hình mới trong phòng chống dịch ở khu công nghiệp là tỉnh Bắc Giang đưa cán bộ y tế vào trong doanh nghiệp để cùng lo phòng chống dịch, sống chung với dịch”, ông Dương nói.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm việc tại Bắc Giang

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm việc tại Bắc Giang

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đối với đề xuất của tỉnh Bắc Giang, Bộ Y tế sẽ tăng cường khu chăm sóc đặc biệt, điều động nhân lực, trang thiết bị vật từ từ các bệnh viện ở các tỉnh về cho Bắc Giang mượn. Bộ Y tế đã đề nghị Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng hỗ trợ nhân lực và các bác sỹ ở Thái Bình, Yên Bái về Bắc Giang để điều trị bệnh nhân mắc COVID - 19.

“Tỉnh Bắc Giang có thể nhờ Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ 100 sinh viên công nghệ hỗ trợ xử lý số liệu lấy mẫu và xét nghiệm. Bộ Y tế có thể điều 500 sinh viên y tế đến tiêm vắc xin cho tỉnh Bắc Giang”, ông Sơn cho hay.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lên Văn Thành cho rằng, dịch có ảnh hưởng lớn đến soản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Bắc Giang tuyết đối không được chủ quan, cần dâp dịch sớm, phục hồi sản xuất lớn. Doanh nghiệp khi vào sản xuất phải tiêm vắc xin cho tất cả công nhân.

“Bộ Y tế tăng thêm người để đảm công nhân quay lại sản xuất phải tiêm vắc xin. Tỉnh Bắc Giang rà soát lại các điều kiện đảm bảo để đưa công ty vào hoạt động, có phương án sắp xếp sản xuất, điều kiện ăn ở, giãn cách. Các bộ ngành, địa phương có cách nào đó để hàng hóa của Bắc Giang và Bắc Ninh được lưu thông bình thường, không bị đứt gãy sản xuất”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Nguyễn Thắng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/pho-thu-tuong-le-van-thanh-cong-nhan-di-lam-tro-lai-o-bac-giang-phai-tiem-vac-xin-post1341443.tpo