Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Thúc đẩy sản xuất, giữ đà tăng trưởng kinh tế

Chiều 30/5, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Về tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy; Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Mai Sơn, Phan Thế Tuấn.

Đề xuất nhiều giải pháp gỡ khó về phòng, chống dịch; tiêu thụ nông sản

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Mở đầu buổi làm việc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những ngày qua, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ tập trung cao chỉ đạo Bắc Giang với các nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt nhằm đẩy lùi dịch bệnh. Phó Thủ tướng cũng chia sẻ với Bắc Giang vì đang phải đối mặt với hàng nghìn ca bệnh Covid-19 rất căng thẳng, vất vả. Vì vậy, tại buổi làm việc này, Phó Thủ tướng muốn nghe, bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất, đẩy lùi dịch bệnh; giữ được đà tăng trưởng kinh tế và đây là nhiệm vụ rất quan trọng, hướng đến mục tiêu phòng, chống dịch không để ảnh hưởng đến sản xuất.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ngọc báo cáo tình hình hoạt động, công tác phòng, chống dịch tại DN trong KCN.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ngọc báo cáo tình hình hoạt động, công tác phòng, chống dịch tại DN trong KCN.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Nguyễn Xuân Ngọc cho biết, trong KCN có 395 doanh nghiệp (DN) hoạt động với 163 nghìn công nhân. Mỗi năm giá trị sản xuất của DN trong KCN đạt hơn 300 nghìn tỷ đồng, đóng góp hơn 3 nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo về phòng, chống dịch của tỉnh, các DN trong KCN ngừng hoạt động. Hiện tỉnh cho phép 10 DN hoạt động trở lại với khoảng 4 nghìn công nhân. Đơn vị đang tiếp tục thẩm định, đánh giá các DN đủ điều kiện cho hoạt động trở lại. Dự kiến ngày 31/5 sẽ có thêm một số DN nữa đi vào hoạt động.

Giám đốc Sở Công Thương Trần Quang Tấn nêu, Bắc Giang hiện có 30/45 cụm công nghiệp đang hoạt động với 45 nghìn lao động. 127/242 DN trong cụm công nghiệp ngừng hoạt động. Ước tính khoảng 20 nghìn công nhân nghỉ làm. Do ảnh hưởng của dịch, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 giảm mạnh, giảm 40,9% so với tháng 4 và giảm 33,3 % so với cùng kỳ năm 2020. Hoạt động thương mại vẫn bảo đảm. Tỉnh đã xây dựng kịch bản cung ứng hàng hóa thiết yếu trong tình hình dịch Covid-19 nên đời sống người dân ổn định. Riêng về vải thiều, đến ngày 29/5, tổng sản lượng vải tiêu thụ đạt khoảng gần 14.500 tấn (tiêu thụ trong nước 9.993 tấn; xuất khẩu 4.395 tấn), giá bán bình quân 22.000-32.000đ đồng/kg; giá bán vải thiều loại 1 đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP từ 30.000-35.000 đồng/kg.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Dương Thanh Tùng cho biết, sản phẩm nông sản của tỉnh hiện đáp ứng nhu cầu tại chỗ. Các địa phương đều có giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ, thu hoạch nông sản.

Giám đốc Sở Y tế Từ Quốc Hiệu thông tin, tổng số trường hợp F0 cộng dồn đến nay là 2.172 trường hợp; F1 là 15.863 trường hợp; F2 là 65.850 trường hợp. Trong số các trường hợp dương tính, chủ yếu là công nhân làm việc trong các KCN. Ngành đang nỗ lực phối hợp với các lực lượng điều trị, lấy mẫu, xét nghiệm các đối tượng phải theo dõi y tế.

Đồng chí Lê Ánh Dương đề xuất Chính phủ tháo gỡ một số khó khăn cho tỉnh.

Đồng chí Lê Ánh Dương đề xuất Chính phủ tháo gỡ một số khó khăn cho tỉnh.

Tại đây, đồng chí Lê Ánh Dương cho rằng, đợt dịch này rất nặng, tỉnh đã chủ động phương án “4 tại chỗ” và các kịch bản ứng phó. Vì vậy đã xây dựng các cơ sở thu dung, đón tiếp, điều trị kịp thời bệnh nhân F0. Toàn tỉnh có hơn 3.600 giường điều trị bệnh nhân Covid-19, hiện sử dụng hơn 2 nghìn giường. Việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 được phân loại theo các mức: Cơ sở thu dung, điều trị cho bệnh nhân không có triệu chứng; khu điều trị bệnh nhân có triệu chứng và điều trị cho bệnh nhân nặng.

Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh đang thiếu trang thiết bị y tế và thiếu nhân lực. Việc mua trang thiết bị nếu theo quy định chỉ định thầu cũng phải mất ít nhất gần một tháng. Vì thế, tỉnh đề nghị Chính phủ có thể cấp trang thiết bị cho tỉnh từ nguồn dự trữ quốc gia hoặc cho phép tỉnh mượn thiết bị từ các địa phương khác. Tỉnh cũng đang huy động nguồn lực, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân. Cùng đó, năng lực điều trị cho bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng hạn chế.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thông tin, hai ngày nay tỉnh đang tầm soát dịch ngoài cộng đồng nhưng rất mừng là không phát sinh ca dương tính nào mới. Với tình hình hiện nay, dự báo, số ca F0 sẽ tăng song không tăng nhiều như trước. Đề nghị với Phó Thủ tướng, đồng chí đề nghị tỉnh cần 400 người đi lấy mẫu, 100 sinh viên về lĩnh vực công nghệ thông tin để nhập liệu.

Về tiêm vắc xin, Bắc Giang được Chính phủ ưu tiên phân bổ với 150 nghìn liều, tỉnh đã xây dựng kế hoạch sử dụng hết số vắc xin này trong một tuần. Hiện tỉnh cần 200 điều dưỡng viên, kỹ thuật viên để hỗ trợ công tác tiêm phòng.

Về cho DN hoạt động trở lại, tỉnh có hướng dẫn những vấn đề liên quan như: Đưa đón công nhân; khu cách ly riêng; biện pháp bảo đảm an toàn; tổ an toàn Covid-19 tại các DN… Sau khi đánh giá DN, tỉnh phân các mức, trong đó 35 DN rất ít nguy cơ lây nhiễm; tiếp theo 151 DN được đánh giá ít nguy cơ được hướng dẫn hoạt động trở lại; những DN nguy cơ, nguy cơ cao sẽ không được hoạt động cho đến khi bảo đảm các điều kiện an toàn.

Về vải thiều, tỉnh xây dựng vùng sản xuất an toàn dịch Covid-19; đã xét nghiệm cho toàn bộ lái xe, chủ hàng, thu hái được xét nghiệm Covid-19; mong Chính phủ gỡ khó khăn về lưu thông nội địa trong tiêu thụ vải thiều.

Dập dịch để bảo vệ, khôi phục sản xuất

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT thông tin về tình hình tiêu thụ nông sản.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT thông tin về tình hình tiêu thụ nông sản.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh thông tin, hiện Bộ đang thực hiện giải pháp hỗ trợ các địa phương tiêu thụ nông sản trong đó có Bắc Giang. Bộ chỉ đạo cán bộ kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu tăng giờ làm để vải thiều thông quan nhanh nhất.

Trước đề nghị của Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhất trí sẽ hỗ trợ lực lượng y tế cho tỉnh. Về tiêm vắc-xin cần xây dựng kế hoạch chi tiết, hiện chưa gom được công nhân về một mối. Ưu tiên tiêm cho công nhân đang làm việc tại DN hoạt động trở lại.

Đồng chí Phó Thủ tướng kết luận hội nghị.

Đồng chí Phó Thủ tướng kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Văn Thành đánh giá cao giải pháp ứng phó của Bắc Giang, tỉnh có nhiều cách làm sáng tạo, nhất là khoanh vùng trong KCN. Các ca dương tính, F1, F2 quản lý kịp thời. Đồng chí biểu dương lực lượng y tế, công an, quân đội dồn lực cho Bắc Giang rất lớn. Tuy dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, những kết quả đạt được như vậy là nỗ lực rất lớn.

Phó Thủ tướng đánh giá thiệt hại sản xuất khi dịch bệnh xảy ra rất lớn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống người dân. Do vậy cần khẩn trương dập dịch sớm, phục hồi sản xuất sớm. Trước hết cần tập trung dập dịch bảo vệ sản xuất. Tiêm vắc xin để duy trì, việc tiêm vắc xin toàn dân cần đòi hỏi dài hơi.

DN trở lại sản xuất phải có phương án giãn cách, bảo đảm khoảng cách và tiêm vắc xin cho công nhân. Mau chóng đưa lực lượng công nhân đi vào sản xuất, để làm được thì công tác khoanh vùng, xét nghiệm, truy vết, điều trị cần tiến hành nhanh chóng. Những kiến nghị của tỉnh cần tổng hợp lại, trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ chỉ đạo bảo đảm hàng hóa lưu thông bình thường, khôi phục sản xuất.

Vật tư y tế, các vật tư y tế rất khó khăn. Đề nghị Bộ Y tế phối hợp với bộ, ngành liên quan ban hành báo giá vật tư y tế trong trường hợp chống dịch như hiện nay, tạo thuận lợi cho mua sắm trang thiết bị. “Thiếu một máy, có thể gây chết người; thiếu bộ xét nghiệm có thể bỏ sót ổ dịch”-Phó Thủ tướng lưu ý.

Đồng chí Dương Văn Thái phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Dương Văn Thái phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Dương Văn Thái cảm ơn những ngày qua Bắc Giang luôn được quan tâm, ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành các địa phương nên không đơn độc.

Tình hình nhân dân, tư tưởng đảng viên, người dân rất yên tâm, vững tâm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch Covid-19. Minh chứng là trên địa bàn không có tình trạng găm hàng, tích trữ, sốt giá, không khan hiếm hàng hóa.

Tỉnh cũng tập trung công tác bảo đảm hậu cần, nhất là công nhân, người dân trong vùng phong tỏa. 60 nghìn công nhân ở 61 tỉnh, TP tập trung tại huyện Việt Yên và 3 xã của huyện Yên Dũng cũng được hỗ trợ kịp thời. Điều này thể hiện sự cố gắng rất lớn của Bắc Giang trong việc bảo đảm ổn định đời sống người dân.

Những khó khăn, vướng mắc của tỉnh đều được Chính phủ quan tâm tháo gỡ. Đồng chí mong muốn tới đây, các bộ, ngành T.Ư sẽ phối hợp để tháo gỡ vướng mắc Bắc Giang đang gặp phải. Bắc Giang xin hứa quyết tâm triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp; theo tinh thần quyết tâm hơn, thần tốc hơn, hiệu quả hơn để trong thời tới sẽ dập dịch, thúc đẩy phát triển KT-XH, đóng góp chung sự phát triển của cả nước.

Tin, ảnh Trịnh Lan-Thế Đại

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/360184/pho-thu-tuong-le-van-thanh-thuc-day-san-xuat-giu-da-tang-truong-kinh-te.html