Phó Thủ tướng: Phải đưa ra các khuyến cáo, dự báo sớm nhất về bão số 3

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Tổng cục Khí tượng thủy văn theo dõi sát sao công tác dự báo tình hình, mức độ vượt lên so với dự báo để đưa thông tin chính xác nhất có thể tại các vùng ven biển, vùng đất liền.

Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo ứng phó bão số 3

Sáng nay, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp tại Tổng cục Khí tượng thủy văn để nghe công tác dự báo, ứng phó bão số 3.

Cuộc họp được kết nối với Trạm khí tượng hải văn Bạch Long Vĩ; Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ninh; Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và Trung du Bắc Bộ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng cục Khí tượng thủy văn theo dõi sát sao công tác dự báo tình hình, mức độ vượt lên so với dự báo để đưa thông tin chính xác nhất có thể tại các vùng ven biển, vùng đất liền.

Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng cục Khí tượng thủy văn theo dõi sát sao công tác dự báo tình hình, mức độ vượt lên so với dự báo để đưa thông tin chính xác nhất có thể tại các vùng ven biển, vùng đất liền.

Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng cục Khí tượng thủy văn thông tin ngắn gọn, chính xác và đánh giá tình hình hiện nay khi cơn bão này chính thức đổ bộ; dự báo thời điểm tác động trực tiếp đến các vùng ven biển và đất liền (từ 11h tới 17h, ngày 7/9); đưa ra các khuyến cáo, dự báo tình huống cụ thể ở các địa phương và vùng đất liền, từ đó đưa ra phương hướng xử lý khẩn trương, kịp thời.

Phó Thủ tướng đề nghị Tổng cục Khí tượng thủy văn theo dõi sát sao công tác dự báo tình hình, mức độ vượt lên so với dự báo để đưa thông tin chính xác nhất có thể tại các vùng ven biển, vùng đất liền.

"Công tác dự báo phải theo sát diễn biến, cập nhật liên tục, nhất là từng thời điểm khi hoàn lưu bão vào, bão đổ bộ, hoàn lưu sau bão, để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành nhanh chóng, kịp thời, để người dân nắm được tình hình để chủ động phòng tránh theo hướng dẫn của lực lượng chức năng", Phó Thủ tướng nói.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng cho rằng, đến thời điểm hiện tại, công tác dự báo đã nhận định rất kịp thời, rất sát về phạm vi ảnh hưởng, cường độ, tính phức tạp và liên tục cập nhật diễn biến của cơn bão; đồng thời cần lưu ý dự báo hoàn lưu sau bão để ứng phó.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác dự báo bão số 3 tại Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác dự báo bão số 3 tại Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Phó Thủ tướng yêu cầu các đài khí tượng thủy văn địa phương, cơ quan khí tượng thủy văn khu vực, đặc biệt là các đài quan trắc cụ thể, tập trung dự báo sớm, "một vài tiếng, thậm chí ba mươi phút đều rất có ý nghĩa" trong phòng, chống bão; duy trì cường độ làm việc, cung cấp thông tin kịp thời hơn, cập nhật hơn và đầy đủ hơn, nhất là vào những thời điểm cơn bão tác động trực tiếp vào bờ.

Với lượng mưa lớn do bão số 3 gây ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị dự báo thủy văn, hải văn phải cung cấp thông tin dự báo hằng giờ và nhanh hơn nữa, đi cùng với dự báo bão.

Bộ TN&MT phải kiểm tra công tác vận hành của các hồ điều tiết bằng hệ thống van thuộc quản lý của Cục Quản lý tài nguyên nước, bảo đảm an toàn, phòng ngừa lũ chồng lũ.

Nhấn mạnh, cường độ bão số 3 rất mạnh, đã bắt đầu ảnh hưởng lớn đến các thông tin liên lạc, công tác dự báo tại các đảo ven bờ, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, có các biện pháp duy trì thông tin liên lạc, điều hành thông suốt.

Ngay sau khi làm việc tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Phó Thủ tướng và đoàn công tác di chuyển đến Bộ Chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 3 đặt tại TP. Hải Phòng.

Nhiều địa phương cấm biển, sơ tán gần 50 nghìn người

Sáng 7/9, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có báo cáo nhanh về công tác phòng chống bão số 3. Theo báo cáo nhanh của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tính đến 6h30 ngày 7/9, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người; toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi tránh trú.

Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh - Nghệ An và Quảng Bình đã ban hành lệnh cấm biển: Quảng Ninh, Hải Phòng từ 11h00 ngày 6/9; Thái Bình, Nghệ An từ 05h00 ngày 6/9; Nam Định từ 06h00/06/9; Ninh Bình từ 15h00 ngày 5/9; Thanh Hóa từ 12h00 ngày 6/9; Quảng Bình từ 18h00 ngày 6/9.

Khu vực ven biển, trên biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh hiện có 52.176 ha, 19.343 lồng, bè và 3.906 chòi canh nuôi thủy sản. Nguy cơ rất cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 13-14, giật cấp 17. Các địa phương đã triển khai gia cố lồng bè, khu nuôi thủy sản và di dời toàn bộ lao động đến nơi tránh trú an toàn.

Co quan chức năng các địa phương đã sơ tán 48.160 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn (Quảng Ninh: 3.460 người; Hải Phòng: 18.762 người; Thái Bình: 21.510 người; Nam Định: 1.734 người; Ninh Bình: 2.685 người).

Các tuyến đê biển hiện được thiết kế chống chịu với bão cấp 9-10, triều trung bình 5%; nguy cơ cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 12-13, giật cấp 16. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 6505/BNN-ĐĐ ngày 04/9/2024 chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn đê điều, các địa phương đã chủ động phương án ứng phó với bão.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện còn 458.000ha lúa mùa khu vực đồng bằng sông Hồng đang trỗ, chín sáp, phân hóa đòng; nguy cơ bị ảnh hưởng nếu bị ngập úng kéo dài.

Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, mưa dông, lốc chiều ngày 6/9 đã làm 1 người chết (Bà Lê Thị Tình, sinh năm 1983, hộ khẩu thường trú tại xã Hải Vân, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa), 6 người bị thương; 229 cây xanh bị gãy, đổ và 1 xe máy, 2 ô tô bị hư hỏng. Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã thăm hỏi gia đình người bị nạn, huy động lực lượng khắc phục hậu quả.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định và Bắc Bộ chủ động triển khai ứng phó với bão theo các Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo và triển khai ứng phó với bão; cử đoàn công tác trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, rà soát; triển khai các biện pháp ứng phó theo công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phân công cán bộ chủ chốt theo dõi địa bàn.

Tổ chức sơ tán, di dời người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn. 15 tỉnh, thành phố đã chủ động cho học sinh nghỉ học từ ngày 6-7/9 để phòng, tránh bão số 3. Chỉ đạo ngành thủy sản, chính quyền địa phương phối hợp với bộ đội biên phòng tổ chức thông tin, kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/pho-thu-tuong-phai-dua-ra-cac-khuyen-cao-du-bao-som-nhat-ve-bao-so-3-169240907101130395.htm