PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ TRƯƠNG HÒA BÌNH TRẢ LỜI CHẤT VẤN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG ĐBQH ĐỀ CẬP TẠI NGHỊ TRƯỜNG

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sáng 10/11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan đến việc sản xuất phân bón của công ty Thuận Phong; Tạo mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long;...

Thực hiện Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 10/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận liên quan đến việc sản xuất phân bón của công ty Thuận Phong. Theo đó, đây là một vụ việc mà trước đây Phó Thủ tướng đã có ý kiến phát biểu trước Quốc hội, trách nhiệm trước hết là thuộc về các cơ quan tư pháp thực hiện theo các quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan đến việc sản xuất phân bón của công ty Thuận Phong.

Ngày 14/6/2019, Bộ Công an có văn bản số 465 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội về điều tra, xử lý việc sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong, nội dung chính là nêu do các Bộ liên quan chưa có văn bản trả lời yêu cầu giám định nên việc xử lý phải chờ theo quy định của pháp luật. Sau đó, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực đã chỉ đạo Bộ Công an chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về quyết định của mình. Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc các ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, khẩn trương có văn bản gửi cơ quan cảnh sát điều tra về kết luận giám định các vấn đề có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực đã có nhiều cuộc họp với các cơ quan có trách nhiệm liên quan. Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực đã chỉ đạo các cơ quan đánh giá kết quả sản xuất của công ty Thuận Phong, có phải là hàng giả hay không, đây là quá trình chưa chuyển sang giai đoạn tố tụng mà xem xét hành chính. Với trách nhiệm của mình, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ ngành đánh giá, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan điều tra. Sau đó, đã chuyển cơ quan điều tra để thực hiện theo quy định của pháp luật, trong đó có việc yêu cầu giám định. Ngày 20/11/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành văn bản 3721 kèm theo kết quả giám định. Ngày 3/4/2020, theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ giám định bổ sung, sau đó Bộ đã ban hành văn bản 3310 kèm theo kết quả giám định bổ sung.

Trước đó, ngày 15/4/2020, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã nhận được kết luận giám định của Bộ Công Thương. Hiện vụ việc đang thuộc trách nhiệm xử lý của các cơ quan tố tụng. Việc còn lại, Bộ Công an chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra phối hợp với các cơ quan xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật, bảo đảm không oan sai, không bỏ lọt tội phạm và chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ về quyết định của mình.

Đưa chỉ tiêu lực lượng lao động qua đào tạo có chứng chỉ là tiêu chí bắt buộc

Trả lời chất vấn của đại biểu Mai Hồng Hải – Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng, về việc tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dù tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60% nhưng tỷ lệ có chứng chỉ còn thấp. Để khắc phục vấn đề này, chúng ta cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, tay nghề cao để tăng năng suất la động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Thời gian tới, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội chú trọng phát triển lượng lao động qua đào tạo phù hợp với thông lệ quốc tế, đưa chỉ tiêu lực lượng lao động qua đào tạo có chứng chỉ là tiêu chí bắt buộc, phấn đấu mỗi năm tăng 4%, và đến năm 2025 đạt tỷ lệ 40% đến 45%, tương đương mặt bằng chung các nước phát triển. Trong hoạt động đào tạo nghề cần tăng cường chuyển đổi số, đào tạo trực tuyến, bồi dưỡng thường xuyên, trang bị cho người lao động kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, ngoại ngữ…

Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cũng cần làm tốt công tác dự báo cung-cầu về thị trường lao động, sắp xếp lại quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng và trả lương người lao động có chứng chỉ đào tạo, đào tạo lại những lao động trong doanh nghiệp chưa có chứng chỉ…

Tạo mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Thị Yến Linh- Đoàn Đại biểu tỉnh Cà Mau, về giải pháp đột phá hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, qua các tính toán, kế hoạch mục tiêu đến năm 2025, Đồng bằng sông Cửu Long có ít nhất 300 km đường cao tốc là hoàn toàn khả thi, đã bố trí đủ vốn thực hiện. Chính phủ đặt mục tiêu thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào năm 2025. Ngoài các tuyến cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải đang tập trung vào 4 trục giao thông dọc, 4 trục ngang, tạo nên mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Về đề nghị của đại biểu Rơ Chăm Long – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, về dự án đầu tư tuyến cao tốc Gia Lai-Kon Tum-Bình Định, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết trong điều kiện ngân sách khó khăn, giao thông trong vùng còn khó khăn nên cần nâng cấp các tuyến quốc lộ kết nối Tây Nguyên với vùng ven biển với 3 dự án Quốc lộ 19, 24, 25, khi có điều kiện chúng ta sẽ làm cao tốc.

Xem xét ban hành các quy chuẩn về không khí với các tiêu chuẩn cao nhất của châu Âu

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời câu hỏi về vấn đề ô nhiễm không khí tại các đô thị. Theo đó, trong tháng 7/2020, chỉ số chất lượng không khí ở một số thành phố ở mức xấu, nhưng các chỉ số chung về ô nhiễm không khí đối với các thành phố là ở mức bình thường, trừ chỉ số về bụi.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời về vấn đề ô nhiễm không khí tại các đô thị.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí, hiện các cơ quan, địa phương đang triển khai. Trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi cũng đã có đề cập nội dung này. Bộ cũng xem xét ban hành các quy chuẩn về không khí, với các tiêu chuẩn cao nhất của châu Âu. Chúng ta cũng xây dựng nhiều trạm quan trắc không khí. Bộ trưởng khẳng định, khi Luật Bảo vệ môi trường mới được thông qua thì rất nhiều nội dung sẽ được thay đổi, xử lý.

Trả lời câu hỏi về thất thoát, lãng phí thông qua đấu thầu, đấu giá đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: Bộ Tài chính nhận thấy vấn đề này đã xảy ra thời gian qua, như định giá đất không sát giá thị trường, giao đất cho nhà đầu tư khi đất chưa sạch và sau khi đền bù thì giá cả thay đổi. Qua thanh tra kiểm tra còn nhiều trường hợp cần xử lý, liên quan tới việc sau cổ phần hóa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Những vụ việc này sẽ được tiếp tục được Bộ Tài chính xử lý trong thời gian tới. Ngoài ra, các Bộ, cơ quan sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định, đặc biệt là quy định về đấu thầu, đấu giá đất cũng như là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước./.

Bích Lan-Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=49759