Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: 'Lưu ý, đề phòng trường hợp chạy dự án'
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình lưu ý, đề phòng trường hợp 'chạy dự án' rồi tìm cách bán lại dự án; không năng lực tài chính, công nghệ nên tìm cách chuyển đổi...
Ngày 26-11, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, chủ trì cuộc họp trực tuyến với các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông và 8 địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Tây Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh về kết quả triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính 10 tháng năm 2024.
"Thu thì không thu được nhưng hành hạ nhau về thủ tục"
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu phản ánh về việc gia hạn tiến độ thực hiện dự án đầu tư trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của những dự án có sử dụng đất.
Ông Minh cho biết theo Luật Đầu tư mới, những dự án có sử dụng đất mà chậm tiến độ sử dụng đất ghi trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ được gia hạn, nhưng không quá 24 tháng kể từ ngày Luật có hiệu lực.
Điều này gây ra rất nhiều vướng mắc cho những dự án sử dụng đất. Có những dự án sử dụng đất là dự án bất động sản, việc chậm triển khai, chậm hoàn thành khá phổ biến do nhiều nguyên nhân khách quan.
Địa phương chưa giải quyết vấn đề giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, kéo theo tất cả những thủ tục khác, giấy phép xây dựng cũng không có. Có những dự án nhà đầu tư chấp nhận đóng thêm tiền sử dụng đất để được triển khai tiếp nhưng cũng không được, dự án vẫn “nằm chờ”, cũng không thể thu hồi vì dự án đã triển khai.
Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ vướng mắc nhất hiện nay là việc phối hợp trong nội bộ, giữa các sở, ngành với nhau và giữa các sở, ngành với quận huyện.
Ông Trần Sỹ Thanh cho biết thành phố đang tập trung giải quyết, mong muốn thời gian tới thực hiện Nghị quyết 18 về sắp xếp tổ chức bộ máy giải quyết công việc được tốt hơn.
“Việc của một sở phải xin ý kiến tất cả các sở, việc của một bộ phải xin ý kiến tất cả các bộ mà nhiều khi những sở, bộ đó không liên quan cũng xin ý kiến. Một bộ hồ sơ của một dự án rất nhiều, vẫn phải sao y gửi… Giả sử ta thiết kế bộ máy mà một bộ, ngành xin ý kiến tối đa 2,3 bộ thôi, còn lại đưa ra họp bàn, đưa ra biểu quyết”- ông Thanh nói và cho rằng cách làm như hiện nay “rất lâu”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ rõ 3 mảng chủ trương đầu tư, đất đai, quy hoạch với 3 hệ thống luật pháp không biết cái nào là tiền đề, cái nào trước, cái nào sau, cái nào quyết định cái nào…
Về vướng mắc cụ thể theo phản ánh của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, ông Thanh bình luận: “Thu thì không thu được nhưng hành hạ nhau về thủ tục”, có những dự án 5,10 năm không triển khai được do những vướng mắc này.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, Hà Nội đang thành lập tổ công tác rà soát lại những vấn đề này để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Chủ trương đầu tư rất nhiều nội dung, nội dung nào là cốt tử thì phải theo Luật Đầu tư, còn những nội dung khác nên linh hoạt.
Ông đề nghị Phó Thủ tướng tập trung chỉ đạo các bộ, ngành để rà soát 3 “đầu vào” rất quan trọng trên đối với dự án đầu tư, đồng bộ hóa, đơn giản hóa thủ tục cho các nhà đầu tư.
“Lỗi anh nào, anh đó phải chịu, không bắt anh khác chịu"
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đánh giá các địa phương, bộ, ngành đều quan tâm chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính thuộc phạm vi trách nhiệm của mình và đạt được kết quả quan trọng về nhiều mặt.
Những vướng mắc, phản ánh của các hiệp hội đã được các bộ, ngành tập trung giải quyết và xúc tiến tham mưu, ban hành nhiều nghị định, thông tư để tháo gỡ.
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh bên cạnh kết quả đã đạt được thì tồn tại, hạn chế còn nhiều. Các bộ, ngành, địa phương đều đồng ý với những tồn tại đã được chỉ ra trong báo cáo tổng hợp của Tổ công tác và cam kết khẩn trương khắc phục.
Ông Nguyễn Hòa Bình lưu ý các cơ quan, đơn vị bám sát kế hoạch cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong việc giải quyết các yêu cầu của người dân, nâng cao chất lượng điều hành của nền hành chính.
Liên quan đến vấn đề thủ tục đầu tư, Phó Thủ tướng Thường trực nhắc lại nguyên lý “lỗi anh nào, anh đó phải chịu, không bắt anh khác chịu; chính quyền chậm ban hành văn bản, bắt doanh nghiệp trừ vào thời hạn là làm khổ doanh nghiệp”.
“Thời hạn đầu tư trong vòng 24 tháng là phải triển khai, nhưng riêng giấy phép đã mất 1,5-2 năm rồi. Lỗi của nền hành chính nhưng lại trừ đi thời hiệu của doanh nghiệp. Đó là phản ánh, cũng là yêu cầu chính đáng, chúng ta lắng nghe để giải quyết”- Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hòa Bình cũng lưu ý đề phòng trường hợp “chạy dự án” rồi tìm cách bán lại dự án; không năng lực tài chính, công nghệ nên tìm cách chuyển đổi. Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh quan điểm “phải tìm cách phân biệt được những anh đi làm dự án nhưng không đầu tư, đi tìm kiếm để sang tên với những người có thiện chí đầu tư thật nhưng do nền hành chính mà họ phải chịu sự chậm trễ”.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề cập đến mong muốn xây dựng một nền hành chính thông thoáng, quản trị đất nước tốt, phục vụ Nhân dân tốt, thông thoáng cởi mở với doanh nghiệp. Ông Bình cho rằng chúng ta đề ra hệ thống pháp luật, xây dựng bộ máy tinh gọn, giảm tầng nấc, đơn giản các thủ tục, nhưng xét cho cùng quyết định chất lượng nền hành chính là ở cán bộ thực thi công vụ.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường giáo dục cho cán bộ thực thi và tuyển chọn những người có tâm, có năng lực, có hiểu biết và có tinh thần trách nhiệm.
“Tinh gọn bộ máy xong mà con người không được nâng lên thì không thể có một nền hành chính tốt. Bộ máy có tinh gọn, có tổ chức khoa học, sắp vào đây những con người cần mẫn, trách nhiệm, hiểu biết, chuyên nghiệp, tận tâm, tận lực thì bộ máy khoa học ấy mới phát huy được, chúng ta phải làm đồng bộ cả câu chuyện đó”- ông Nguyễn Hòa Bình nói và lưu ý cùng với việc quan tâm đến thủ tục, chúng ta phải quan tâm giáo dục, đào tạo cán bộ thực thi công vụ thì mới có nền hành chính tốt.