Phó Thủ tướng Thường trực tham dự chương trình 'Huyền thoại Đồng Lộc'

Tối 26/7, tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự và phát biểu tại chương trình 'Huyền thoại Đồng Lộc'.

Chương trình do báo Nhân Dân và tỉnh Hà Tĩnh tổ chức nhân kỷ niệm 73 Ngày Thương binh- Liệt sĩ và 52 năm Chiến thắng Đồng Lộc (1968 - 2020), tưởng nhớ 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.

Phát biểu tại chương trình, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh đúng vào dịp này 52 năm trước, tại Ngã ba Đồng Lộc lịch sử, 10 cô gái thanh niên xung phong Tiểu đội 4 (thuộc Đại đội 2, Tổng đội TNXP 55 tỉnh Hà Tĩnh) đã ngã xuống trong một trận bom khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai trong số họ lập gia đình.

Sự hy sinh anh dũng của các nữ thanh niên xung phong đã trở thành biểu tượng cống hiến to lớn của hàng triệu thanh niên vì nước quên thân, không tiếc tuổi xuân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ đó, địa danh lịch sử Ngã ba Đồng Lộc trở thành bất tử.

Phó Thủ tướng và đoàn công tác dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ thanh niên xung phong tại Khu di tích ngã ba Đồng Lộc

Phó Thủ tướng và đoàn công tác dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ thanh niên xung phong tại Khu di tích ngã ba Đồng Lộc

“Ngã ba Đồng Lộc cùng 10 cô gái thanh niên xung phong đã trở thành huyền thoại trong lòng người, là khúc tráng ca bất tử của tuổi trẻ trong cuộc chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước.

52 năm đã trôi qua, những hình ảnh chiến tranh ngày càng lùi xa nhưng sự hy sinh anh dũng của 10 liệt nữ cùng lực lượng thanh niên xung phong và hàng nghìn chiến sĩ quân đội, công an, cán bộ giao thông.... mãi mãi trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Chúng ta không bao giờ quên bao xương máu mới làm nên Tổ quốc”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay cũng là năm thứ 3 cả nước thực hiện Chỉ thị số 14 - CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.

Với những mục tiêu cụ thể đặt ra trong Chỉ thị 14, thời gian qua việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân đã được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân cả nước quan tâm triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại chương trình. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại chương trình. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay cả nước có gần 1,4 triệu người có công được hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được quy định đầy đủ, kịp thời và hầu hết các mặt trong đời sống xã hội.

Hằng năm, ngân sách Nhà nước còn dành hàng chục nghìn tỷ đồng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; trong dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, Chủ tịch nước cũng dành hàng trăm tỷ đồng tặng quà các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách ưu đãi cho người có công vẫn còn những hạn chế nhất định. Vẫn còn những trường hợp người có công với cách mạng chưa được xác nhận, liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, chưa xác định được danh tính; một số nghĩa trang, công trình ghi công liệt sĩ xuống cấp chưa được kịp thời tu bổ, tôn tạo. Việc huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng còn hạn chế, khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; tình trạng trục lợi chính sách người có công vẫn còn xảy ra, gây bức xúc trong xã hội...

Để thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2020 tất cả các gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú mà Chỉ thị 14 đã đặt ra, thể hiện nhất quan chủ trương công tác chăm sóc người có công với cách mạng của Đảng, Nhà nước, ngày càng nâng cao hơn nữa đời sống người có công..., thời gian tới cần tăng cường hơn nữa vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công...

Đây là nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước nhưng cũng là trách nhiệm, là đạo lý của mỗi người dân Việt Nam để tiếp tục thắp sáng ngọn lửa tri ân đối với người có công với cách mạng.

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực cảm ơn các tổ chức, cơ quan, tập thể, cá nhân đã có nhiều hoạt động thiết thực, đóng góp, ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần để cùng chung tay với Đảng, Nhà nước trong hoạt động tri ân những người có công với nước, những người đã cống hiến cho Tổ quốc và vì hạnh phúc của nhân dân.

“Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng quang vinh, dân tộc ta - một dân tộc có nền văn hiến lâu đời, giàu đạo lý, có trí tuệ, bản lĩnh, truyền thống kiên cường, bất khuất, cần cù, thông minh, sáng tạo, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, đã từng làm nên những chiến công hiển hách- nhất định sẽ lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Theo VGP

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/pho-thu-tuong-thuong-truc-tham-du-chuong-trinh-huyen-thoai-dong-loc-661245.html