Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang

Sáng 16/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, chính thức khai mạc với sự tham dự của 342 đại biểu đại diện cho trên 59.590 đảng viên toàn tỉnh. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ ông Trương Hòa Bình tới dự và chỉ đạo đại hội.

Thu nhập bình quân đầu người 2.504 USD

Theo báo cáo đánh giá, nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng Đảng bộ, dân, quân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu thực hiện hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội X đề ra. Tỉnh có bước phát triển khá nhanh và toàn diện trên các lĩnh vực.

Ông Nguyễn Thanh Nghị - Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang phát biểu khai mạc Đại hội.

Ông Nguyễn Thanh Nghị - Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang phát biểu khai mạc Đại hội.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; khai thác, phát huy tốt hơn các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển; quy mô nền kinh tế tăng khá nhanh, đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long về thu ngân sách. Kết cấu hạ tầng giao thông, điện, viễn thông,... được quan tâm đầu tư và ngày càng phát triển. Diện mạo đô thị, nông thôn và các hải đảo có nhiều khởi sắc. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; chất lượng giáo dục đạt mức khá trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và trên mức bình quân chung của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; an sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; chủ quyền, biên giới quốc gia, biển, đảo được giữ vững. Công tác đối ngoại được mở rộng, hiệu quả nâng lên.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 7,22%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng mạnh (năm 2015 đạt 47.076 tỷ đồng, năm 2020 đạt 71.755 tỷ đồng), thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.630 USD năm 2015, lên 2.504 USD năm 2020 (gấp 1,45 lần so với năm 2015). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông-lâm-thủy sản từ 40,39% xuống còn 31,54%; tỷ trọng công nghiệp-xây dựng từ 18,11% tăng lên 20,06%; dịch vụ từ 41,5% tăng lên 48,4%.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ ông Trương Hòa Bình đến dự và chỉ đạo Đại hội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ ông Trương Hòa Bình đến dự và chỉ đạo Đại hội.

Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, lượng khách tăng rất nhanh qua các năm, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh. Doanh thu du lịch đạt hơn 22.918 tỷ đồng. Nổi bật là chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao; cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch tiếp tục được đầu tư phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách; nguồn nhân lực phục vụ du lịch cơ bản đáp ứng yêu cầu; liên kết du lịch với các địa phương khác trong nước và quốc tế được mở rộng (hiện nay Sân bay Quốc tế Phú Quốc có kết nối đường bay với 13 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới). Du lịch biển có bước phát triển khá mạnh, tổng lượng khách du lịch đạt trên 28,2 triệu lượt khách. Đời sống của nhân dân ven biển và trên các đảo từng bước được cải thiện. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững.

Đảo Phú Quốc chiếm 50% số thu ngân sách tỉnh

Công tác phát triển nguồn nhân lực được quan tâm chỉ đạo. Ban hành nhiều chính sách thu hút lao động chất lượng cao, có trình độ đại học, sau đại học, chuyên môn sâu ở các lĩnh vực quan trọng, mũi nhọn của tỉnh. Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ đạt chuẩn và nâng cao trình độ các mặt để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trên từng lĩnh vực công tác (đến nay cán bộ cấp cơ sở đạt chuẩn 94,25%, cấp huyện 97,98%, cấp tỉnh 98,72%). Trình độ dân trí từng bước được nâng cao, số người có trình độ từ đại học trở lên, chiếm 2,17% dân số.

Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được chú trọng và đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đúng và trước hạn ngày càng tăng lên. Đội ngũ cán bộ, công chức từng bước nâng lên trình độ, năng lực, trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân, góp phần cải thiện một bước môi trường đầu tư, tạo thuận lợi hơn cho tổ chức và người dân.

Quang cảnh Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI.

Quang cảnh Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI.

Tranh thủ mọi nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Ưu tiên bố trí ngân sách địa phương, tranh thủ hỗ trợ của Trung ương và huy động các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển hệ thống giao thông của tỉnh. Nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm, kết nối với các địa phương trong tỉnh được đầu tư xây dựng. Nhờ vậy, hạ tầng giao thông có bước phát triển khá, từng bước kết nối với hệ thống giao thông quốc gia. Giao thông cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội không ngừng phát triển.

Phát triển huyện đảo Phú Quốc trở thành động lực phát triển của tỉnh đã được những kết quả quan trọng. Nhiều dự án du lịch quy mô lớn và dự án hạ tầng quan trọng như sân bay, đường, cảng, điện lưới quốc gia,... được đầu tư và đưa vào sử dụng có hiệu quả. Huyện Phú Quốc đã được công nhận đô thị loại II; tích cực chuẩn bị các điều kiện để xây dựng thành phố Phú Quốc. Phú Quốc hiện phát triển rất nhanh theo quy hoạch (giai đoạn 2015-2019 Phú Quốc đóng góp cho ngân sách tỉnh 17.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% số thu ngân sách tỉnh), thực sự trở thành động lực góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.

Vẫn còn một số hạn chế, yếu kém:

Phát biểu khai mạc đại hội, ông Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, thừa nhận vẫn cón một số hạn chế, yếu kém, đó là: Kinh tế-xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực chuyển biến chưa nhiều. Tình hình an ninh biên giới, biển-đảo, an ninh nông thôn, an ninh thông tin, tội phạm, tệ nạn xã hội, tranh chấp khiếu kiện trong nhân dân từng lúc còn diễn biến phức tạp. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị còn một số mặt hạn chế: Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng và một bộ phận cán bộ, đảng viên có mặt nâng lên chậm. Hoạt động của chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trên một số mặt hiệu quả chưa cao…

Những hạn chế, yếu kém trên là do: Về khách quan, là tỉnh ở xa các trung tâm kinh tế-văn hóa lớn của đất nước, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, một số cơ chế, chính sách còn bất cập, nhu cầu đầu tư lớn trong khi nguồn lực bố trí chưa đáp ứng yêu cầu; ảnh hưởng của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, giá cả từng lúc biến động bất lợi... Một số chỉ tiêu đề ra do chưa lường hết khó khăn nên trong quá trình triển khai thực hiện còn hạn chế không như mong muốn.

Về nguyên nhân chủ quan: Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên có mặt còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc, có nơi chưa đồng bộ, chưa nhịp nhàng, thiếu chặt chẽ. Công tác dự báo tình hình từng lúc chưa thật chính xác, kịp thời; trong chỉ đạo chưa mạnh dạn đề ra các cơ chế, chính sách, giải pháp có tính sáng tạo, đột phá. Cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh có mặt còn hạn chế; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; tinh thần trách nhiệm, hiệu quả làm việc của một bộ phận cán bộ đảng viên chưa cao, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của Đảng bộ.

Hồng Lĩnh - Nhật Huy

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/pho-thu-tuong-thuong-truc-truong-hoa-binh-chi-dao-dai-hoi-dang-bo-tinh-kien-giang-1736108.tpo