Phó Thủ tướng: TP.HCM phải có giải pháp mạnh để sớm chấm dứt dịch bệnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TP.HCM phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn, dứt khoát hơn, triệt để và hiệu lực hơn để sớm chấm dứt dịch bệnh, quyết không để dây dưa, kéo dài.
Chiều 6-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM về tình hình dịch trên địa bàn.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chủ trì điểm cầu Thành ủy TP.HCM.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định một tháng qua, TP.HCM đã rất nỗ lực và quyết tâm để bảo vệ cuộc sống của nhân dân.
“Nhân dân TP.HCM đang trải qua những ngày tháng rất khó khăn, chịu nhiều sự bất tiện, nhiều người bị ảnh hưởng đến đời sống, nhất là người nghèo nhưng vẫn đồng sức đồng lòng, có nhiều việc làm, hành động đáng quý” – ông Đam nói và cho rằng đây là việc phải tiếp tục phát huy.
Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng cũng đánh giá thực tế, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp. Dịch bệnh tại TP đang lây lan đến các địa phương khác.
Cho nên, ông Đam cho rằng TP.HCM phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn, dứt khoát hơn, triệt để và hiệu lực hơn để sớm chấm dứt dịch bệnh, quyết không để dây dưa, kéo dài.
“Phải tiếp tục siết chặt tay nhau, chấp nhận vất vả hơn, thiệt thòi hơn thời gian ngắn để sớm quay trở lại cuộc sống bình thường. Tinh thần là TP.HCM vì cả nước, cùng cả nước thì lúc này cả nước chia sẻ cùng TP” - ông Đam nói.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị TP.HCM phải tổ chức thực hiện thật nghiêm các giải pháp đã đề ra và thống nhất với nhau ở mức cao hơn hiện nay để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, khống chế hoàn toàn các ổ dịch. “Phấn đấu không để tình trạng giãn cách xã hội kéo dài như hiện nay” - ông Đam nói.
Chính vì thế, ông đề nghị TP.HCM cần chuẩn bị khẩn trương, chu đáo thực hiện tất cả quy định cần thiết nhằm hạn chế người đi lại, tụ tập trong TP; yêu cầu người dân không ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết.
Đáng chú ý, ông Vũ Đức Đam đề nghị TP tiếp tục làm việc với các địa phương khác, khẩn trương thống nhất phương án để kiểm soát người lao động trong khu công nghiệp, sản xuất, kinh doanh ở tỉnh này nhưng lại sống và làm việc ở tỉnh khác. Ông nhấn mạnh không vì địa giới hành chính liền sát nhau mà gây ra khó khăn.
Ông cũng chỉ đạo TP.HCM tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát người vận chuyển, phương tiện vận tải ra, vào TP làm sao để không gây ách tắc hàng hóa, đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh ở mức cao nhất có thể.
“Tuyệt đối không để tiếp diễn việc tập trung đông người, không tuân thủ giữ khoảng cách như thời gian qua. Không để một số khu vực có nguy cơ lây nhiễm rất cao mà vẫn để xảy ra tình trạng này” – ông Đam nói.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng cho biết trong ngày 6-7, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 sẽ có điện gửi tất cả các tỉnh, thành phố để có quy định đồng nhất trên tinh thần người ra, vào vùng dịch về địa bàn phải khai báo y tế, tự cách ly ở nhà tối thiểu bảy ngày.
Cán bộ y tế cơ sở phải điều tra dịch tễ và có biện pháp xét nghiệm, tùy vào kết quả điều tra dịch tễ từ đó chỉ đạo phương án cách ly tiếp theo. Cách làm này cũng là để người dân cân nhắc chỉ khi có công việc thật sự cần thiết mới đến TP.
Liên quan đến gói hỗ trợ cho người cho người lao động gặp khó khăn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh và đề nghị TP.HCM tiếp tục có giải pháp đảm bảo đời sống, sinh hoạt của nhân dân. “Tuyệt đối không để người dân thiếu đói” – ông Đam nói.
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết từ 6 giờ sáng 5-7 đến 6 giờ sáng 6-7, TP.HCM ghi nhận 461 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Trong số này có 106 người được phát hiện qua công tác khám sàng lọc tại viện, 73 người đang được điều tra dịch tễ, những ca còn lại nằm trong khu cách ly, phong tỏa.
Theo ông Bỉnh, đặc điểm của đợt dịch lần này có nguy cơ lây lan cao tại các khu chợ, nhà trọ, khu công nghiệp tập trung đông lao động. Xu hướng của dịch bệnh hiện nay là số ca mắc COVID-19 phát hiện qua khám sàn lọc trong cộng đồng ngày càng tăng. Đã phát hiện hơn 900 ca qua khám sàng lọc.
Qua điều tra truy vết, những trường hợp này thường cư ngụ tại khu nhà trọ của công nhân, người buôn bán tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối trên địa bàn.
Cũng theo ông Bỉnh, thời gian qua, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP đã thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, đặc biệt là Chỉ thị 10 của UBND TP.
Các chợ đầu mối không đảm bảo an toàn phòng chống dịch như chợ Bình Điền, Hóc Môn đã được tạm ngừng hoạt động.