Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khảo sát tình hình kinh tế-xã hội tại Bắc Kạn
Sáng 30/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác đã khảo sát Khu công nghiệp Thanh Bình; điểm đầu tuyến đường thành phố Bắc Kạn-Ba Bể kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang); nghe báo về tiến độ lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể.
Khu công nghiệp Thanh Bình (huyện Chợ Mới) giai đoạn 1 được xây dựng theo tiêu chí tập trung đa ngành, có lợi thế về giao thông với tuyến đường cao tốc nối Thái Nguyên với Chợ Mới. Hiện nay, tại Khu công nghiệp có 14 doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó 10 dự án đã hoạt động, có sản phẩm; 2 dự án đang xây dựng nhà máy; 2 dự án mới được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Các sản phẩm chính được đầu tư sản xuất tại Khu công nghiệp, gồm: Gỗ ván dán, thực phẩm chế biến từ mơ, gừng, kiệu, rau cải, bột đá thạch anh, chiết nạp gas, đồ gỗ dùng một lần (dao, thìa, dĩa gỗ). Tổng doanh thu năm 2022 là hơn 1.054 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt gần 38,27 triệu USD, tổng số lao động là hơn 1.000 người, nộp ngân sách hơn 30 tỷ đồng.
Thủ tục triển khai giai đoạn 2 của Khu công nghiệp Thanh Bình cơ bản hoàn thành, địa phương sẽ mời gọi, lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực theo hướng xã hội hóa.
* Dự án tuyến đường thành phố Bắc Kạn-hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang, tỉnh Tuyên Quang có điểm đầu từ Km 0 giao với QL.3B (Km 144+324) tại thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn. Điểm cuối tuyến giao với QL.279 tại Km 78+000/QL279 (đầu cầu Đà Vị), thuộc phận xã Đà Vị, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Tổng chiều dài toàn tuyến hơn 76,2 km, tổng mức đầu tư hơn 3.837 tỷ đồng. Trong đó riêng đoạn tuyến từ thành phố Bắc Kạn-hồ Ba Bể dài 39 km.
Hiện nay, dự án này đang gặp một số khó khăn về việc cân đối ngân sách địa phương để thực hiện toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng; việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng; về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án...
Mục tiêu của Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể (đến năm 2030) là phát huy giá trị nổi bật của hồ, kết nối liên vùng hình thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và du lịch địa phương. Tầm nhìn đến năm 2050 là trở thành khu bảo tồn, dự trữ sinh quyển độc đáo của quốc gia, một trong những khu du lịch sinh thái hấp dẫn của Việt Nam. Giữ gìn những giá trị nổi bật để tạo thành hạt nhân của di sản thế giới, công viên địa chất toàn cầu trong tương lai.
Định hướng chủ chốt đối với di tích quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể là phát triển du lịch theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc với hồ Ba Bể là trung tâm. Phía Bắc dành cho tham quan cảnh thác, hang động, nghỉ cộng đồng, nghỉ sinh thái…; phía Đông dành cho trung tâm điều hành, dịch vụ, đón tiếp, khách sạn nghỉ dưỡng…; phía Nam dành cho du lịch nghỉ cộng đồng, bảo tồn và phát triển văn hóa, nghỉ dưỡng sinh thái và dịch vụ cao cấp…; phía Tây dành cho bảo tồn dân cư, văn hóa kết hợp du lịch cộng đồng, khám phá trải nghiệm và tham quan…
Phó Thủ tướng lưu ý, việc phát triển du lịch phải tận dụng lợi thế của hồ, bằng những sản phẩm du lịch đặc sắc, đi cùng mục tiêu bảo tồn, bền vững, sắp xếp lại khu dân cư. Người dân chính là chủ thể phát triển văn hóa, tham gia làm du lịch, gắn với văn hóa, đời sống lao động sản xuất hằng ngày.
* Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thăm và dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử Thanh niên xung phong Nà Tu, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp đây là nơi Tổng đội thanh niên xung phong đóng quân thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông vận tải phục vụ kháng chiến.
Ngày 28/3/1951 trong một chuyến đi công tác Bác Hồ đã đến Nà Tu để thăm hỏi sức khỏe, động viên thanh niên và nhân dân ở đây. Bác nhắc nhở Ban Chỉ huy công trường, cán bộ phải tổ chức lao động thật khoa học, đoàn kết yêu thương lẫn nhau. Trước khi ra về Bác đă đọc tặng lực lượng thanh niên xung phong 4 câu thơ:
"Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên".