Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Không đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết ô nhiễm các lưu vực sông
'Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có tính liên hợp, liên quan đến hệ thống sông nhánh. Vì vậy, cần có cơ chế chỉ đạo, quyết định thống nhất, không đùn đẩy trách nhiệm' - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Tình trạng ô nhiễm đáng báo động
Theo báo cáo của Bộ TN&MT cho biết, tổng lượng nước xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải năm 2022 khoảng 439.000 m3/ngày đêm. Trong đó, nước thải sinh hoạt khoảng 317.300 m3/ngày đêm, hầu hết chưa qua xử lý. Nước thải từ các khu công nghiệp khoảng 71.155 m3/ngày đêm đều được thu gom, xử lý tập trung. Nước thải từ các cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ bên khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở chăn nuôi hầu hết đều xả trực tiếp ra hệ thống Bắc Hưng Hải.
Trong giai đoạn 2018-2022, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã kiểm tra 835 cơ sở xả nước thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải, xử phạt 427 cơ sở với tổng số tiền khoảng 25,7 tỷ đồng.
Từ năm 2022 đến nay, lực lượng công an đã tổ chức 6 đợt cao điểm kiểm tra, xử lý 562 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên hệ thống Bắc Hưng Hải với tổng số tiền 19,2 tỷ đồng; lập danh sách 405 điểm xả nước thải chính với lưu lượng 5 m3/ngày đêm trở lên; lập hồ sơ quản lý, theo dõi 61 cơ sở có nguồn nước thải lớn hoặc gây ô nhiễm môi trường.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính, trực tiếp gây ra ô nhiễm hệ thống Bắc Hưng Hải là nước thải sinh hoạt tại khu đô thị, khu dân cư tập trung và dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải, phần lớn đang xả trực tiếp ra môi trường. 86% nước thải cụm công nghiệp không có hệ thống xử lý. Hầu hết nước thải làng nghề, nước thải chăn nuôi hộ gia đình không có hệ thống thu gom xử lý.
Hệ thống Bắc Hưng Hải tiếp tục xảy ra hiện tượng bồi lắng lòng chảy, lấn chiếm lòng sông, bờ sông, vứt rác, xả rác, chất thải xuống sông vẫn tái diễn, gây nên ách tắc dòng chảy, nước tồn đọng, không lưu thông. Những tháng mùa khô trong năm, nguồn nước bổ cập cho hệ thống Bắc Hưng Hải thiếu, do mực nước sông Hồng tại cống Xuân Quan xuống thấp hơn mức thiết kế nên hệ thống Bắc Hưng Hải hoàn toàn chỉ là kênh dẫn lưu chuyển nước thải từ hoạt động dân sinh và công nghiệp trong vùng xả ra, làm cho ô nhiễm nguồn nước trầm trọng hơn…
Trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại Bắc Hưng Hải, cách đây 3 năm, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan để triển khai nhiều giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm.
Phải có biện pháp mang tính tổng thể
Phát biểu tại buổi làm việc với các Bộ, ngành, đại diện ba tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, doanh nghiệp về kết quả xử lý ô nhiễm tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải chiều ngày 25/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh hệ thống Bắc Hưng Hải là công trình thủy lợi rất quan trọng, phục vụ đa mục tiêu đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dân sinh tại 4 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương), nhưng nhiều năm qua đã trở thành "kênh nước thải", bị ô nhiễm trầm trọng.
"Quá trình khắc phục ô nhiễm môi trường ở hệ thống Bắc Hưng Hải có thể coi là mô hình thí điểm để có phương án giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường hết sức nhức nhối của các đoạn sông, dòng sông chảy qua các đô thị, thành phố lớn. Ô nhiễm nguồn nước đã đến ranh giới đỏ. Các địa phương, doanh nghiệp, người dân phải thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để xử lý triệt để nước thải sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quá trình khắc phục ô nhiễm trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cho thấy luật pháp, cơ chế, chính sách đã đầy đủ nhưng cần nhìn nhận lại vai trò, trách nhiệm, quyền hạn, hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật của các cấp, các ngành.
"Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có tính liên hợp, liên quan đến hệ thống sông nhánh, vì vậy, cần có cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, quyết định thống nhất, không đùn đẩy trách nhiệm. Bộ TN&MT là đầu mối chịu trách nhiệm chủ trì, điều phối. Các biện pháp, giải pháp tiếp cận phải mang tính tổng thể, không giới hạn trong một địa phương", Phó Thủ tướng nói.
Cần sự vào cuộc của nhiều Bộ, ngành
Trên phạm vi cả nước, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT phối hợp Bộ TN&MT xem xét, tính toán điều chỉnh, lồng ghép, tích hợp đưa hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung vào trong các quy hoạch chung của tỉnh, thành phố, làm căn cứ để bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư.
Bộ Xây dựng tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ văn bản chỉ đạo việc điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, nông thôn để bổ sung, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung.
Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất cơ chế hợp tác công-tư trong xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung; xác định mức giá dịch vụ xử lý nước thải theo lộ trình tính đúng, tính đủ để bảo đảm lợi nhuận phù hợp cho doanh nghiệp bằng ngân sách nhà nước và nguồn thu phí xử lý nước thải phù hợp với khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp.
Bộ TN&MT, NN&PTNT, Xây dựng rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng nước thải sau khi xử lý tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh làm căn cứ để tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát… yêu cầu tổ chức, cá nhân tuân thủ theo đúng pháp luật bảo vệ môi trường và xác định trách nhiệm khi có vi phạm.
Các địa phương khẩn trương đầu tư, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng hoặc không đấu nối vào hệ thống chung. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường nguồn nước. "Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Tài chính để có chính sách hỗ trợ hoạt động xử lý nước thải của các làng nghề", Phó Thủ tướng lưu ý.
Trước thực trạng ô nhiễm nguồn nước hết sức phức tạp, trong khi công tác quản lý còn lỏng lẻ, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành phải siết lại hoạt động quản lý theo đúng thẩm quyền, quy định của Luật Bảo vệ môi trường.