Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Nhiều cơ chế, chính sách y tế bộc lộ bất cập, hạn chế
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng nhiều cơ chế, chính sách ngành y tế bộc lộ không ít bất cập, hạn chế, tồn tại như: Đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, xã hội hóa trong cơ sở y tế công lập
Ngày 9-2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với Bộ Y tế bàn biện pháp tháo gỡ những vấn đề nóng của ngành y tế hiện nay.
Tại cuộc họp, đại diện một số bệnh viện, sở y tế địa phương, bộ, ngành nêu thực trạng; khó khăn, vướng mắc; giải pháp đang thực hiện và kiến nghị cụ thể trong công tác quản lý, mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; tự chủ bệnh viện; cơ chế tài chính để bảo đảm công tác khám, chữa bệnh…
Về các vấn đề trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng những vấn đề đặt ra tại cuộc họp là rất cấp thiết, liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người dân, "cả vi mô trước mắt, lẫn vĩ mô dài hạn".
"Nhiều cơ chế, chính sách trước đây đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế, tồn tại sau khi "cơn bão" COVID-19 đi qua. Đơn cử, mô hình tự chủ bệnh viện vốn là điểm sáng cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không còn phù hợp. Công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, xã hội hóa trong cơ sở y tế công lập… nảy sinh những vấn đề không lường trước được" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành y tế làm rõ nguyên nhân tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, thuốc, trang thiết bị vật tư, y tế, giải ngân vốn đầu tư công… từ đó xác định những vấn đề cần giải quyết cấp bách hoặc xử lý một cách căn cơ, bài bản.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận xét thực tế có nhiều vướng mắc về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế là do thiếu hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, minh bạch, mang tính chuyên môn, nghiệp vụ của ngành, chưa phù hợp với quy luật thị trường, trong khi đây là trách nhiệm của Bộ Y tế.
Vì vậy, Bộ Y tế tập hợp ý kiến của các địa phương, cơ sở y tế nhằm đưa hết các vấn đề vướng mắc vào những nghị định, thông tư đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung; nghiên cứu, đề xuất phương án "một luật sửa nhiều luật" hoặc "một nghị định sửa nhiều nghị định" đối với những vấn đề cấp bách, cần tháo gỡ ngay thay vì "ngồi chờ sửa toàn diện".
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đang chủ trì xây dựng những luật có liên quan đến lĩnh vực y tế, đồng thời, sớm đề xuất, chủ động xây dựng nghị định, văn bản hướng dẫn thực hiện luật phù hợp với chuyên môn, đặc thù của ngành y tế.
Luật Khám chữa bệnh sẽ có hiệu lực vào ngày 1-1-2024, Bộ Y tế cần sớm báo cáo với Chính phủ về kế hoạch xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện như nghị định, thông tư.
Đáng chú ý, về tự chủ bệnh viện công lập, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tổng kết, đánh giá toàn diện các mô hình đã có, cả thành công, hiệu quả cũng như bài học kinh nghiệm rút ra, làm cơ sở để tiếp tục triển khai chủ trương này cùng với thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và các chính sách khuyến khích xã hội hóa y tế, hợp tác công - tư…
"Tự chủ bệnh viện phải bảo đảm công bằng, bình đẳng của người bệnh khi sử dụng dịch y tế được bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám chữa bệnh theo yêu cầu; bảo đảm chế độ, chính sách, thu nhập của y bác sĩ; phù hợp với quy luật thị trường. Bộ Y tế cần thúc đẩy tự chủ bệnh viện mức độ cao tại những đô thị, địa bàn có điều kiện về kinh tế để dành nguồn lực cho các bệnh viện vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn" - Phó Thủ tướng nói.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về hướng tháo gỡ khó khăn cho dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức một cách "khả thi, linh hoạt" chứ không chỉ "làm theo đúng quy trình, hết trách nhiệm"; xây dựng tiêu chí chặt chẽ, cải cách thủ tục để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…
Phó Thủ tướng yêu cầu những vấn đề của ngành y tế rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Y tế là lĩnh vực đặc biệt nên cơ chế, chính sách phải đặc biệt. Tất cả bộ, ngành phải vào cuộc cùng Bộ Y tế khắc phục khó khăn, vướng mắc, trong đó có những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, nhân viên y tế, bảo đảm thực hiện tốt nhất công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.