Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp xúc với lãnh đạo các nước và tổ chức
Ngày 23/3, trong khuôn khổ Hội nghị Nước Liên hợp quốc năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tiếp tục có các cuộc gặp với Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon, Tổng Giám đốc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) Qu Dongyu, Giám đốc điều hành Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) Natalia Kanem, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Slovenia Tanja Fajon, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi sinh thái Pháp Christophe Béchu và Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry.
Trong cuộc gặp Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị hai nước xem xét đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực thích ứng biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước trong thời gian tới.
Trao đổi với Tổng Giám đốc FAO Qu Dongyu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao vai trò của FAO trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, ứng phó với khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu; đề nghị FAO hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực quản lý tài nguyên, đặc biệt là đất nông nghiệp, nguồn nước xuyên biên giới và nguồn nước nội địa.
Tổng Giám đốc FAO Qu Dongyu ghi nhận tích cực các đề nghị của Phó Thủ tướng và khẳng định FAO sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ cho ngành nông nghiệp Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam tham gia các dự án 3 bên, hợp tác Nam - Nam về lương thực, nông nghiệp.
Trong cuộc gặp với Giám đốc điều hành UNFPA Natalia Kanem, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị UNFPA tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng, triển khai các chính sách an sinh - xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm tới các đối tượng dễ bị tổn thương, không để ai bị bỏ lại phía sau; xây dựng bộ chỉ số đánh giá về dân số, sức khỏe sinh sản, thanh thiếu niên và bình đẳng giới hài hòa với các chuẩn mực quốc tế.
Về phần mình, Giám đốc điều hành UNFPA Natalia Kanem khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện hiệu quả Chương trình Quốc gia hợp tác Việt Nam - UNFPA giai đoạn 2022-2026, cũng như nghiên cứu, xây dựng và triển khai các chính sách liên quan đến Luật Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, ứng phó với vấn đề già hóa dân số.
Tại cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi sinh thái Pháp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị hai bên tăng cường hợp tác kỹ thuật và công nghệ về bảo vệ tài nguyên nước, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong thực hiện các cam kết về giảm phát thải.
Bộ trưởng Pháp Christophe Béchu khẳng định Pháp luôn coi Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên tại khu vực, cảm ơn Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ đa phương, nhất là Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an; nhấn mạnh cần thiết phải hợp tác đẩy mạnh triển khai Tuyên bố về đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam.
Trong cuôc gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Slovenia, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà hoan nghênh những nỗ lực hợp tác của Việt Nam và Slovenia trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước; đề nghị hai nước tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này trong tương lai.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tanja Fajon khẳng định Slovenia coi trọng thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trong đó có quản lý nước và ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc.
Trong khi đó, trao đổi với Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định Việt Nam coi biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng là những lĩnh vực hợp tác ưu tiên hàng đầu giữa hai nước; đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Mỹ và cá nhân ông John Kerry trong việc thúc đẩy nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu; cảm ơn và mong muốn Chính phủ Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai các cam kết tại Hội nghị COP26 và triển khai hiệu quả Tuyên bố về đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Đặc phái viên John Kerry cho rằng quan hệ hai nước phát triển hết sức tốt đẹp; khẳng định Mỹ mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực. Đánh giá cao cam kết của Việt Nam, ông Kerry đồng thời bày tỏ mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện có hiệu quả các cam kết tại COP26, cũng như tiến trình chuyển đổi năng lượng và xây dựng nền kinh tế phát thải thấp tại Việt Nam.
* Trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam liên quan tới Hội nghị nước Liên hợp quốc năm 2023, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho rằng vấn đề quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.
Là một nước ở hạ nguồn sông Mekong, đối với Việt Nam đây cũng là vấn đề rất quan trọng, liên quan trực tiếp tới cuộc sống của hàng chục triệu người dân. Chính vì vậy, Việt Nam đã tham gia tích cực trong các khuôn khổ hợp tác cả song phương lẫn đa phương, điển hình là Ủy hội Sông Mekong hay trong khuôn khổ Liên hợp quốc.
Theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, tại Hội nghị Nước Liên hợp quốc năm 2023, Việt Nam đã giới thiệu được các nỗ lực, thành tựu của đất nước trong việc quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước, cũng như bảo đảm người dân có thể tiếp cận nguồn nước trong mọi hoàn cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Việt Nam cũng đã chủ động đưa ra các đề xuất hết sức quan trọng tại Hội nghị này, như đề xuất xây dựng một khuôn khổ pháp lý toàn cầu đối với việc quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước, thiết lập các cơ chế của Liên hợp quốc về nước, hay xây dựng các chuẩn mực đạo đức trong sử dụng nguồn nước để mọi người dân đều có thể tận hưởng.
* Cùng ngày 23/3, với tư cách diễn giả chính tại Phiên đối thoại về hợp tác nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tham dự Hội nghị Liên hợp quốc Rà soát toàn diện giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu của thập kỷ hành động “Nước vì sự phát triển bền vững” giai đoạn 2018-2022.
Phát biểu tại phiên đối thoại, Phó Thủ tướng chia sẻ quan điểm về quản lý tài nguyên nước tổng thể, tổng hợp, công bằng; nhấn mạnh đây là chủ đề có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh yêu cầu cấp bách về tăng cường hợp tác trong quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, các lưu vực sông.
Phó Thủ tướng cho biết 60% lượng nước của Việt Nam được sản sinh từ các dòng sông xuyên biên giới. Việt Nam cũng tham gia mô hình hợp tác Ủy hội sông Mekong, được nhiều quốc gia quan tâm. Trên phạm vi thế giới hiện có hơn 40% dân số toàn cầu đang sinh sống tại các lưu vực sông, hồ xuyên biên giới.
Phó Thủ tướng đã chia sẻ một số giải pháp tiếp cận tổng thể, tổng hợp, công bằng trong hợp tác quản lý tài nguyên nước. Đồng thời đề nghị tăng cường khuôn khổ pháp lý toàn cầu và khu vực về quản lý và sử dụng nguồn nước xuyên biên giới; áp dụng cách tiếp cận quản lý tổng hợp, thuận theo tự nhiên, coi nguồn nước xuyên biên giới là một thực thể thống nhất trong xây dựng và thực hiện quy hoạch, chương trình, dự án; tăng cường cơ chế tham vấn công khai, công bằng giữa các nước; đồng thời, nhấn mạnh việc hợp tác khai thác, sử dụng nước cần tính toán đảm bảo sinh kế, các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống và hệ sinh thái gắn với nước xuyên biên giới.
Phó Thủ tướng cũng đề xuất thành lập các cơ quan, tổ chức thuộc Liên hợp quốc để điều phối, hỗ trợ về khoa học, công nghệ và tài chính, hình thành cơ sở dữ liệu toàn cầu về nước xuyên biên giới và các lưu vực sông và hệ thống quan trắc, thiết lập tiêu chuẩn đạo đức trong ứng xử với nước xuyên biên giới.
Chia sẻ những áp lực ngày càng lớn liên quan đến tài nguyên nước mà Việt Nam đang phải đối mặt, đặc biệt dưới tác động của biến đổi khí hậu, cùng với nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngày càng tăng ở các quốc gia thượng nguồn, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa với các tổ chức, các đối tác quốc tế, nhất là các quốc gia trong Ủy hội sông Mekong quốc tế, các quốc gia tham gia cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về nước xuyên biên giới./.