Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu lập các đoàn thanh tra liên ngành về chống IUU trong quý 1-2025

Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành trong quý 1-2025 về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi không xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm IUU...

Ngày 14-1, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tổ chức phiên họp thứ 12 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Cơ bản khắc phục được các nội dung theo khuyến nghị của EC

Tại phiên họp, báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy đến nay chúng ta đã cơ bản khắc phục được các nội dung theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) tại đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10-2023.

Số lượng tàu cá đã đăng ký được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VN-Fishbase) đạt 98,9%. Toàn bộ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn cho đội tàu từ 15m trở lên đã đạt 90,3%, nhưng tính toàn bộ đội tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên thì mới chỉ đạt 76,5%.

Số lượng tàu cá không đủ điều kiện đi khai thác (chưa cấp phép, chưa lắp đặt VMS...), tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU đã được lập danh sách, cập nhật trên hệ thống giám sát tàu cá và giao cho lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở theo dõi quản lý, cập nhật thường xuyên vị trí neo đậu.

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Bộ NN&PTNT cho biết hiện cả nước còn 888 tàu cá "3 không”. Tuy nhiên, số tàu này, theo báo cáo của địa phương, là tàu đã hư hỏng, không còn khả năng hoạt động, một số tàu không còn tồn tại tại địa phương.

Đối với việc giám sát sản lượng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước, Bộ NN&PTNT đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử để tổ chức triển khai thực hiện hệ thống thống nhất, đồng bộ tại tất cả các cảng cá trong cả nước. Công tác kiểm tra, kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài được thực hiện đầy đủ theo quy định quốc tế và khuyến nghị của EC.

Theo thông tin tại cuộc họp, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số tồn tại cần tập trung giải quyết thời gian tới. Theo đó, kết quả xác minh, xử lý các hành vi vi phạm ngắt kết nối VMS, vượt ranh giới cho phép trên biển, vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn còn rất thấp so với các vụ việc được phát hiện.

Cụ thể trong năm 2024, chúng ta mới xử phạt 2/847 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển; 838/32.511 lượt tàu ngắt kết nối VMS (từ 6 giờ đến dưới 10 ngày và từ 10 ngày trở lên).

Tại phiên họp, lãnh đạo các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Quảng Ngãi, Phú Yên đã báo cáo về công tác quản lý tàu cá, xử lý tình trạng giấy phép khai thác hết hạn, vi phạm mất kết nối VMS, các tàu cá khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.

Trung tướng Đỗ Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết với việc xử lý quyết liệt của các lực lượng trong thời gian qua, một số chủ tàu đã thay đổi phương thức khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, như không xâm nhập sâu, thời gian khai thác ngắn.

Trung tướng Đỗ Trọng Bình đề nghị tập trung tăng cường xử phạt tình trạng mất kết nối VMS, rõ quy trình xác minh, xử lý, chứ không thể để tỷ lệ 2-3% như hiện nay.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh nếu không thay đổi cách làm thì không chuyển biến, từ cách thức báo cáo, xây dựng cơ sở dữ liệu quản trị nghề cá quốc gia liền mạch giữa các vùng khai thác (bờ, lộng, khơi); hỗ trợ cho các cảng cá tư nhân đầu tư để đủ điều kiện cho tàu cá xuất, nhập bến thuận lợi theo quy định…

Phó Thủ tướng yêu cầu lập đoàn thanh tra ngay trong quý 1

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu trong quý I-2025, Bộ NN&PTNT phải hoàn thành kết nối đồng bộ, thống nhất, liên thông từ Trung ương đến địa phương Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase), Hệ thống giám sát tàu cá (VMS), Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT).

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: VGP

Đồng thời, ban hành quy trình, quy chế quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu về quản lý nghề cá và trách nhiệm của các bên như cơ quan quản lý, lực lượng chấp pháp, các cảng cá, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, ngư dân… nhằm phân định quản lý tàu cá theo lãnh thổ, "tàu cá vi phạm ở đâu, xử lý ở đó".

Quá trình xây dựng, cập nhật, kết nối các cơ sở dữ liệu về quản lý nghề cá cần tích hợp định danh tàu cá, thuyền trưởng, công dân tham gia hoạt động khai thác thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gắn với bổ sung nhiệm vụ, trách nhiệm của lực lượng công an cơ sở.

Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành trong quý 1-2025 đối với việc thực hiện quản lý, cập nhật dữ liệu về tàu cá tại địa phương; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi không xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm IUU; việc tuân thủ IUU của các cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu hải sản.

Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để nhận diện, thống kê đầy đủ, chính xác, sát thực tế về các hành vi vi phạm IUU.

Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm khắc những hành vi liên quan đến an ninh, quốc phòng, xâm phạm lãnh thổ quốc gia, mang tính chất cố ý; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi không xử lý kịp thời hoặc bỏ sót hành vi vi phạm; cũng như các cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT cần rà soát và bổ sung điều kiện để các cảng cá tư nhân thực hiện cung cấp một số dịch vụ hành chính như cập nhật dữ liệu hành trình, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cho tàu cá xuất, nhập bến…

"Chúng ta cần tăng cường các công cụ quản lý nghề cá trên biển bằng quy hoạch, mùa đánh bắt, phương pháp đánh bắt ở từng vùng ngư trường…", Phó Thủ tướng nói.

Ông cũng yêu cầu các bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao và các lực lượng chấp pháp trên biển tích cực hợp tác với các lực lượng, cơ quan quốc tế giải quyết các vụ việc theo đúng pháp luật.

Số liệu tại cuộc họp cho thấy các địa phương đã khởi tố 39 vụ hình sự và đưa ra xét xử công khai 10 vụ về các tội: tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, hợp thức hóa hồ sơ; liên quan hành vi tháo, gửi thiết bị VMS...

Tổng số tiền xử phạt hành vi vi phạm chống IUU trong năm 2024 là gần 100 tỉ đồng, năm 2023 là hơn 89 tỉ đồng.

Đối với hoạt động ngăn chặn, xử lý tàu cá khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, từ tháng 8-2024 đến nay, các lực lượng chức năng ghi nhận 10 vụ việc ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý đăng ký tại Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-yeu-cau-lap-cac-doan-thanh-tra-lien-nganh-ve-chong-iuu-trong-quy-1-2025-post830091.html