Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Việc di dời người dân ở vùng sạt lở là cấp thiết

Ngày 11/8, tại huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu), Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương đi khảo sát thực tế và làm việc với tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau về tình hình sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông.

Tham dự buổi làm việc với đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh ngày càng nghiêm trọng, trong khi đó nguồn lực của tỉnh còn khó khăn. Tính từ đầu năm 2024 đến nay tỉnh đã xảy ra sạt lở, thiệt hại nhiều tỷ đồng. Đặc biệt, trong đó có 5 dự án tại khu vực sạt lở xung yếu, cấp bách và phòng chống triều cường, bảo vệ sản xuất..., với tổng chiều dài gần 80 km. Tỉnh Bạc Liêu đang rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương để sớm tiến hành đầu tư xây dựng, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản và bảo vệ đời sống của nhân dân trong khu vực.

“Về lâu dài, Chính phủ hỗ trợ tỉnh hơn 3.400 tỷ đồng để thực hiện 5 dự án cấp bách trên, đề nghị Chính phủ và Bộ, ngành TW có giải pháp căn cơ để phòng, chống sạt lở”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kiến nghị.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 77 khu vực sạt lở bờ sông, 6 khu vực sạt lở bờ biển, tổng chiều dài sạt lở gần 600 km. Bạc Liêu đã xác định có 50 danh mục dự án, công trình cần đầu tư đến năm 2030, với tổng nguồn kinh phí dự kiến là 28.000 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu báo cáo với đoàn công tác tại buổi làm việc.

Ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu báo cáo với đoàn công tác tại buổi làm việc.

Theo ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Hiện nay, sạt lở ven biển trên địa bàn tỉnh cần xử lý ngay có chiều dài hơn 21,5km, nhu cầu vốn trên 1.000 tỷ đồng. Sạt lở ven sông dài 5,7km, với nhu cầu vốn 684 tỷ đồng; sụt lún trên 700 điểm, với chiều dài hơn 16km, nhu cầu vốn 17,5 tỷ đồng.

Đồng quan điểm với ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, ông Đỗ Thành Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói: “Việc phòng, chống sạt lở cần phải có giải pháp căn cơ chứ không nên theo kiểu đầu tư “giật gấu vá vai”, khi xảy ra mới làm".

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: “Tình hình sạt lở càng ngày nghiêm trọng hơn, không giảm đi. Bộ NN&PTNT đang làm Đề án phòng, chống sạt lở, sụt lún, xâm nhập mặn lấy ý kiến các địa phương. Trong đó, đưa ra các giải pháp kể cả về công trình, phi công trình, vốn, cơ chế chính sách… Quan điểm của Bộ là giải quyết dứt điểm sạt lở bờ biển Tây, gồm có Kiên Giang và Cà Mau. Hiện bờ biển Đông sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn ở Bạc Liêu và Cà Mau”.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, việc làm kè để phòng, chống sạt lở ở bờ biển Đông kinh phí khá lớn. Làm 1km kè cứng cả trăm tỷ đồng, còn kè mềm cũng khoảng 60 tỷ đồng, cao gấp đôi đầu tư so với bờ biển Tây”. Do đó, Bộ Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu đưa những giải pháp kỹ thuật vào công trình để giảm nguồn lực đầu tư xuống.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu kết luận tại buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu kết luận tại buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ khó khăn với các địa phương đang đối mặt với những thiên tai như sạt lở, sụt lún… “Khu vực ĐBSCL được đánh giá là khu vực nhạy cảm, dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Do đó, chúng ta phải tính tổng thể, căn cơ, bền vững, lâu dài, đồng bộ cả Trung ương và địa phương. Việc đầu tư phải “ra tấm, ra món”, làm cắt khúc rất lãng phí”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu phải dự báo tình hình sạt lở càng sớm càng tốt, chính xác sẽ có giá trị. Việc này không tốn nhiều tiền nhưng nếu làm không tốt sẽ rất thiệt hại, kể cả sinh mạng của người dân…

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc di dời người dân ở vùng sạt lở, nguy cơ sạt lở là cấp thiết, bên cạnh công tác di dời là chăm lo sinh kế. Việc đầu tư kinh phí, làm đúng nguyên tắc, trong đó xếp thứ tự ưu tiên theo dự án nào cấp bách nhất làm trước.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khảo sát, kiểm tra tình hình sạt lở đê Biển Đông (thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu).

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khảo sát, kiểm tra tình hình sạt lở đê Biển Đông (thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu).

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác kiểm tra đoạn sạt lở tại Công ty TNHH MTV thủy sản Trường Phúc (trên sông Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu).

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác kiểm tra đoạn sạt lở tại Công ty TNHH MTV thủy sản Trường Phúc (trên sông Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu).

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang (bên trái) và ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khảo sát sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau).

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang (bên trái) và ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khảo sát sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau).

Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đi khảo sát khu vực sạt lở đê biển tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu); khu vực sạt lở bờ sông tại thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) và đê biển khu vực giáp ranh giữa tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.

Trọng Nghĩa

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/pho-thu-tuong-tran-luu-quang-viec-di-doi-nguoi-dan-o-vung-sat-lo-la-cap-thiet-post521517.html