Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra
Sau khi thị sát tại bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Trung ương đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu và huyện Tam Đường.
Ngày 26/6, ngay sau khi trực tiếp thị sát tại bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, điểm sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh tỉnh Lai Châu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Trung ương đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu và huyện Tam Đường.
Tại buổi làm việc, thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ chia sẻ những khó khăn, mất mát của chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt thiên tai vừa qua.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị chết, mất tích.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay mới là đầu mùa mưa lũ, thời gian tới, thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường; để nhanh chóng khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra, các bộ, ngành Trung ương phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Lai Châu và các địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 2 và các lực lượng đóng chân trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ theo đề nghị của địa phương.
Các bộ: Bộ Giao thông Vận tải, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo thông tuyến nhanh nhất; bảo đảm cơ số thuốc dự phòng, tổ chức khám chữa bệnh và tập trung cứu chữa miễn phí đối với những người bị thương; đảm bảo an toàn cho học sinh, nhất là học sinh đang thi tốt nghiệp; đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi, khôi phục sản xuất nông nghiệp; vận hành an toàn các hồ đập thủy điện...
Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành việc điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét các vùng miền núi, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc, lập bản đồ cảnh báo thiên tai làm cơ sở cho việc rà soát quy hoạch bố trí, sắp xếp lại dân cư, hạn chế thiệt hại do thiên tai.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền tỉnh Lai Châu tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người mất tích.
Các địa phương, lực lượng chức năng di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để đảm bảo an toàn tính mạng; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người bị nạn; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị thiệt mạng; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói.
Các lực lượng chức năng, các địa phương bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị sạt lở, ngập sâu, không để thiệt hại đáng tiếc về người; huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường sau lũ.
Các lực lượng tại địa phương phải chủ động khắc phục hậu quả, tập trung khôi phục công trình hạ tầng hư hỏng, đặc biệt là các trạm y tế, bệnh viện, trường học, công trình giao thông, thủy lợi, điện để bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho người dân.
Theo thống kê mới nhất của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, tính đến 9h sáng 26/6, mưa lũ tại Lai Châu đã khiến 12 người thiệt mạng, 11 người mất tích và 8 người bị thương; 244 nhà ở của dân bị đất đá trôi sạt lở gây hư hỏng một phần; trên 600 ha lúa, ngô, hoa màu khác bị ngập úng, vùi lấp hoặc lũ cuốn trôi… 68 công trình thủy lợi, nước sinh hoạt; 45 trạm biến áp bị ảnh hưởng gây mất điện tại 10 xã.
Thiệt hại ước tính khoảng 270 tỷ đồng.
Ngoài ra, hệ thống cầu cống, đường giao thông bị hư hỏng nặng, các tuyến quốc lộ chính mặc dù đã được thông tạm, song việc thông xe cũng chỉ tạm thời theo thời điểm nhất định. Các tuyến tỉnh lộ, liên xã, nhiều tuyến hư hỏng nặng vẫn đang được khắc phục…/.