Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự mít tinh hưởng ứng 'Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người'

Sáng 30-7, tại tỉnh Nghệ An, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng 'Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30-7' năm 2020. Dự lễ, có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP); Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an; Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Đặng Minh Khôi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Cao Huy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đại biểu các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Nghệ An và tổ chức quốc tế.

Các đại biểu chung tay phòng, chống mua bán người. Ảnh: Anh Bách

Các đại biểu chung tay phòng, chống mua bán người. Ảnh: Anh Bách

Với chủ đề “Cam kết hết mình, chung lưng cùng tuyến đầu xóa bỏ nạn mua bán người”, Ngày phòng chống mua bán người (30-7) năm nay truyền đi thông điệp cam kết phòng, chống mua bán người là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, cần sự chung tay của mỗi cá nhân và cộng đồng, chung tay hành động, giải quyết tận gốc vấn đề, ngăn chặn và loại trừ tội phạm mua bán người.

Báo cáo do Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nêu rõ, 6 tháng đầu năm 2020, trên cả nước phát hiện 60 vụ mua bán người, liên quan đến 85 đối tượng, lừa bán 90 nạn nhân (giảm 31,5% số vụ, tăng 40% số đối tượng và giảm 39,7% số nạn nhân so với cùng kỳ 2019), nạn nhân đa số là phụ nữ và trẻ em.

Thủ đoạn phạm tội là tổ chức xuất cảnh trái phép để lao động thời vụ, sau đó lừa bán để cưỡng bức lao động hoặc ép bán dâm, bán làm vợ, thậm chí bán nội tạng. Việc lợi dụng phụ nữ, trẻ em ở các vùng nông thôn, miền núi, biên giới, người dân tộc thiểu số có trình độ hạn chế, hoàn cảnh kinh tế khó khăn lừa bán qua biên giới xảy ra nhiều.

Một số vụ án, đối tượng phạm tội lại chính là nạn nhân bị lừa bán, có cả những vụ việc ra nước ngoài để bán con sau khi sinh, đưa người ra nước ngoài trái phép cũng đang diễn ra phức tạp.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền phòng chống nạn buôn người cũng có những chuyển biến cơ bản, góp phần nâng cao nhận thức và hành động trong toàn xã hội về phòng, chống mua bán người, làm giảm nguy cơ tội phạm liên quan đến mua bán người, thúc đẩy di cư an toàn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh tính chất nghiêm trọng và diễn biến tinh vi, phức tạp của tội phạm mua bán người thời gian gần đây.

Đồng chí kêu gọi các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước chung tay hành động vì một xã hội không có tội phạm mua bán người, một xã hội an toàn, lành mạnh, phát triển, bình đẳng, hạnh phúc.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, Trung ương, cấp ủy chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em cần trang bị kỹ năng phòng vệ trước các thủ đoạn tinh vi của tội phạm; tích cực tố giác tội phạm; đề nghị các cơ quan đoàn thể phát huy tính sáng tạo, đổi mới phương thức tuyên truyền, bắt kịp sự phát triển của công nghệ thông tin, xây dựng thông điệp phù hợp với các nhóm đối tượng để phát huy hiệu quả và lan tỏa công tác tuyển truyền.

Đồng thời, các Bộ ngành Trung ương, cấp ủy chính quyền địa phương tập trung thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo toàn diện đời sống nhân dân, tạo công ăn việc làm ổn định, giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân ngày càng tốt hơn.

Song song với tuyên truyền, phát triển kinh tế, các cấp, ngành cần chú trọng hỗ trợ các gia đình khó khăn có nguy cơ là nạn nhân của mua bán người, thông qua đào tào nghề, tạo việc làm tại chỗ, hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Các cấp, ngành cần tiếp tục phát động Phong trào "Toàn dân chống mua bán người" theo chỉ đạo của Chính phủ, huy động sức mạnh của các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội, kết hợp các biện pháp quản lý hành chính tuần tra, kiểm soát nhằm sớm phát hiện các đối tượng có biểu hiện liên quan đến mua bán người.

Các cấp, ngành cần tăng cường công tác tuần tra, xử lý vi phạm việc chấp hành công tác quản lý Nhà nước trong các ngành nghề đầu tư kinh doanh, để chủ động phát hiện, ngăn chặn các hoạt động liên quan đến mua bán người, nhất là tại các địa bàn biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An diễu hành tại buổi lễ. Ảnh: Anh Bách

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An diễu hành tại buổi lễ. Ảnh: Anh Bách

Các cơ quan bảo vệ pháp luật Trung ương phối hợp chặt chẽ với địa phương xây dựng thế trận phòng, chống mua bán người, tập trung lực lượng, sử dụng các biện pháp đồng bộ nhằm đấu tranh quyết liệt với tội phạm mua bán người, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố xét xử các vụ án mua bán người; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các cơ quan tư pháp các nước, quốc gia để hợp tác toàn diện để phòng ngừa, điều tra toàn diện, xử lý nghiêm các đường dây mua bán người, kịp thời giải cứu các nạn nhân bị mua bán.

Người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác để tự phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi phạm tội mua bán người; chủ động trang bị kiến thức về thủ đoạn tội phạm, kỹ năng di cư an toàn, chỉ di cư khi có đủ thông tin. Đặc biệt, đối với phụ nữ, trẻ em gái cần cẩn trọng khi làm quen, tiếp xúc, quan hệ các đối tượng qua mạng xã hội.

Các gia đình có con em ở độ tuổi vị thành niên cần chú ý quản lý việc sử dụng điện thoại thông minh, internet, phối hợp chặt chẽ với nhà trường để quản lý, giáo dục con em mình.

Sau buổi lễ là hoạt động diễu hành, cổ động, tuyên truyền phòng, chống mua bán người quanh một số trục đường chính của thành phố Vinh.

Anh Bách

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/pho-thu-tuong-truong-hoa-binh-du-mit-tinh-huong-ung-quotngay-toan-dan-phong-chong-mua-ban-nguoiquot-post431450.html