Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên

Ngày 5/10, tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã diễn ra Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2019.

Tham dự lễ khai mạc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương và địa phương; đại diện một số trường đại học và các trường phổ thông trên cả nước.

Phát biểu tại Ngày hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việc thực hiện Đề án thúc đẩy học sinh, sinh viên khởi nghiệp có mục đích chính không phải tạo ra nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp mà nhằm trang bị kiến thức cho học sinh, sinh viên về khởi nghiệp, kết nối các trường học, các viện nghiên cứu, các vùng thông qua nhiều công cụ; đồng thời, khơi dậy, rèn luyện tinh thần khởi nghiệp trong các trường học.

Phó Thủ tướng chia sẻ: Việt Nam đang đổi mới giáo dục và đào tạo, trong đó một vấn đề phải đổi mới căn bản là phương pháp dạy và học. Trước đây, cả ở phổ thông và đại học, chúng ta chỉ chú ý đến vấn đề truyền thụ kiến thức một chiều thì bây giờ cần đặt sáng tạo lên trên, khơi dậy sáng tạo đầu tiên là ở giáo viên, để hình thành lớp người biết sáng tạo, dám nghĩ khác, làm khác.

Vì vậy, Chính phủ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số bộ, ngành liên quan quyết tâm thực hiện Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Đến nay, Đề án đã đạt được những kết quả bước đầu. Phó Thủ tướng mong muốn, tinh thần đổi mới sáng tạo sẽ tiếp tục phát huy trong tất cả các trường đại học và toàn hệ thống giáo dục.

Để phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên tiếp tục được lan tỏa và phát huy hiệu quả hơn nữa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến chỉ đạo tất cả các trường đại học có ít nhất một không gian làm việc sáng tạo.

Cách đây vài năm, chỉ một vài trường đại học lớn thành lập trung tâm sáng tạo, đến nay đã có 70 trung tâm này trong các trường đại học, nhưng trường nghề thì chưa có. Hệ thống trung tâm này sẽ đóng vai trò kết nối các trường thúc đẩy khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, tất cả các trường, các giảng viên, giáo viên cùng nhau chia sẻ học liệu trên môi trường mạng, không giữ của riêng mình mà lan tỏa rộng rãi để sinh viên có thể tiếp cận các nguồn học liệu quý giá. Các thầy cô giáo ở các trường cũng dựa vào nguồn học liệu đó, cùng nhau phát triển.

Phó Thủ tưởng cho rằng chúng ta đã kết nối được các trường đại học với nhau, giữa các trường với các doanh nghiệp, kết nối giữa các bộ, ngành để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để sự kết nối này hiệu quả hơn.

Bây giờ, Việt Nam có nền tảng là Đề án hệ tri thức Việt số hóa. Do vậy, chúng ta cùng cần nhau kết nối để tạo ra được sức mạnh lớn, bởi sự chăm chỉ, quyết tâm là chưa đủ, mà thời đại hiện nay cần sáng tạo và kết nối để mang lại hiệu quả chung tốt hơn.

Chia sẻ về việc thực hiện Đề án 1665, tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Qua hai năm thực hiện Đề án 1665, các nhà trường đã có sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và có sự lan tỏa sâu rộng trong học sinh, sinh viên.

Ngành giáo dục đã xây dựng tiêu chí các nhà trường, đơn vị khởi nghiệp, đặc biệt là xây dựng tài liệu, kỹ năng về khởi nghiệp. Qua thực tiễn hoạt động, nhiều trường đã kết nối được với các doanh nghiệp và xây dựng được không gian khởi nghiệp, khuyến khích, hỗ trợ thầy cô và học sinh, sinh viên cùng tham gia vào quá trình khởi nghiệp.

Nhờ đó, số lượng dự án để huy động khởi nghiệp ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao. Nếu năm trước có khoảng gần 200 dự án khởi nghiệp tham dự cuộc thi SV- STARTUP 2019 thì năm nay đã có hơn 300 dự án gửi dự thi. Chất lượng của các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tốt hơn và được các doanh nghiệp đánh giá cao.

Bộ trưởng chia sẻ: Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chú trọng xây dựng tài liệu kỹ năng để nhân rộng kinh nghiệm trong khởi nghiệp của sinh viên. Cách tiếp cận không nhấn mạnh vào lý thuyết mà từ thực tiễn khởi nghiệp của các doanh nghiệp trẻ đã thành công.

Đồng thời, Bộ sẽ chỉ đạo để xây dựng và nhân rộng nhiều tài liệu số, tham gia đóng góp vào Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, để nhiều người được chia sẻ, đóng góp và tham khảo từ chương trình này. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ kết hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai Đề án Trung tâm khởi nghiệp quốc gia.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc sâu hơn với Bộ Thông tin và Truyền thông để có định hướng ưu tiên khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Cuộc cách mạng 4.0 là cơ hội và lợi thế rất tốt cho các nhà trường – nơi có rất nhiều người trẻ và rất năng động, có thế mạnh phát triển về công nghệ. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để tháo gỡ khó khăn cho các trường về cơ chế sử dụng ngân sách tạo quỹ hỗ trợ khởi nghiệp.

Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2019 diễn ra nhiều hoạt động như: trưng bày các không gian ý tưởng khởi nghiệp với khoảng 80 dự án; các hoạt động giao lưu, kết nối đầu tư giữa các doanh nghiệp và các dự án ý tưởng; một số diễn đàn, hội thảo về khởi nghiệp sáng tạo. Đặc biệt, điểm nhấn của Ngày hội là chung kết cuộc thi SV - STARTUP 2019. Trong đó, có 68 dự án xuất sắc nhất được lọt vào cuộc thi chung kết.

Ngày hội năm nay cũng nhận được sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp, các quỹ đầu tư quan tâm tham gia hỗ trợ các dự án khởi nghiệp như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên Legend; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á; Ngân hàng Cổ phần Bưu Điện Liên Việt…

Việt Hà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-du-ngay-hoi-khoi-nghiep-quoc-gia-cua-hoc-sinh-sinh-vien-20191005154854025.htm