Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phát triển bền vững đã trở thành xu thế chung, không thể đảo ngược

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, phát triển bền vững đã trở thành xu thế chung, không thể đảo ngược. Chính phủ Việt Nam đã lồng ghép các chỉ tiêu phát triển bền vững vào tất cả chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.

Theo đó, phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2021) vào ngày 9/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, phát triển bền vững đã trở thành xu thế chung, không thể đảo ngược. Chính phủ Việt Nam đã lồng ghép các chỉ tiêu phát triển bền vững vào tất cả chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.

Cũng theo Phó Thủ tướng, Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững được tổng kết hàng năm để đánh giá những tiêu chí, công việc đã làm được, cũng như các thách thức đặt ra.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam hoàn thành 2 mục tiêu trong 17 mục tiêu phát triển bền vững là về giáo dục, tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm. Còn các chỉ tiêu khác đang trong quá trình thực hiện, trong đó chỉ tiêu về hạ tầng, tài nguyên đất liền, tài nguyên biển còn khoảng cách rất lớn.

Từ sự khởi xướng về mô hình kinh tế tuần hoàn, nhiều dự án rất cụ thể, các doanh nghiệp phát triển bền vững đã hình thành nhiều hoạt động quy mô lớn trong xã hội, thậm chí trở thành phong trào. Tuy nhiên, không chỉ Chính phủ, doanh nghiệp, mà cộng đồng và từng người dân có vai trò quan trọng không kém trong thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, cùng với đó là quyết tâm đẩy mạnh hợp tác công-tư với là nòng cốt là cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng chia sẻ, trong đại dịch, ở Việt Nam cũng như các nước cho thấy, từng người, từng doanh nghiệp có tiết kiệm, có tích lũy, trên phạm vi thế giới là tiết kiệm các nguồn lực, nguồn tài nguyên hữu hạn, thì sẽ thích ứng được với tương lai.

Quang cảnh diễn đàn.

Theo Phó Thủ tướng, những lúc khó khăn nhất trong đại dịch cần có tinh thần lạc quan, nhìn vào khía cạnh tích cực của vấn đề bên cạnh nghiêm khắc nhìn nhận những nguyên nhân. Ví dụ như trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều nước trên thế giới đã làm giảm ô nhiễm không khí. Đại dịch cũng thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, tự nhiên hơn. Ngược lại, tình hình biến chuyển tốt cũng không thể quên rằng trong tương lai có thể xuất hiện nhiều đại dịch khác, thậm chí xảy ra cùng lúc với nhiều yếu tố an ninh phi truyền thống, thiên tai do biến đổi khí hậu. Do đó, phải cùng nhau thực hiện những việc dù là nhỏ nhất, thay đổi thói quen ngay từ ban đầu vì sự phát triển bền vững.

“Trong đại dịch vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp đóng góp quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh ở Việt Nam. Những doanh nghiệp theo đuổi triết lý phát triển bền vững đã đứng vững, giúp được cộng đồng, người lao động. Tất cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó 97% có quy mô vừa và nhỏ, cần cùng nhau xây dựng cồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững. Đừng coi đây chỉ là ‘sân chơi’ của các doanh nghiệp lớn, mà là của tất cả các doanh nghiệp và tất cả mọi người”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

VCSF 2021 diễn ra trong bối cảnh các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là đại dịch COVID-19 đang lan rộng và tác động nặng nề tới tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Sức khỏe, sự an toàn của người dân bị đe dọa. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN bị đình trệ, đứt gãy. Biến đổi khí hậu, thiên tai làm suy giảm sinh kế của người dân...

Vượt lên trên những thách thức, những doanh nghiệp có sự cam kết mạnh mẽ, bền bỉ, kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển bền vững trong nhiều năm qua đã thể hiện sự chông chịu, khả năng thích ứng và tự tạo ra được “kháng thể” trước đại dịch, duy trì ổn định hoạt động và tăng trưởng trong kinh doanh, đóng góp tích cực trong việc thực hiện mục tiêu kép; thể hiện khả năng chống chịu, thích ứng và cạnh tranh tốt trước những thách thức toàn cầu.

Gia Phát

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-phat-trien-ben-vung-da-tro-thanh-xu-the-chung-khong-the-dao-nguoc-post171294.html