Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát, sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1.11.2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3.9.2014 về kinh doanh xăng dầu; báo cáo Chính phủ trong tháng 10 năm 2022.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 326/TB-VPCP ngày 12.10.2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình quản lý và điều hành xăng dầu cho thị trường trong nước.
Trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn và thường xuyên như hiện nay, các Bộ: Công Thương, Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã tích cực vào cuộc, chủ động triển khai thực hiện công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành giá xăng dầu và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, góp phần vào việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam như: TP.HCM, Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…. Theo báo cáo của Bộ Công Thương có khoảng hơn 200 cửa hàng đóng cửa, đã gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.
Bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia
Trước tình trạng trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thẩm quyền quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu:
Chủ động bám sát tình hình thực tiễn, diễn biến thị trường, khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu.
Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1.11.2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3.9.2014 về kinh doanh xăng dầu; báo cáo Chính phủ trong tháng 10 năm 2022.
Chí Kiên
TP.HCM: Tình hình cung ứng xăng dầu bớt căng thẳng
Tại cuộc họp báo của Sở Công Thương TPHCMvào chiều 12.10, cơ quan nhà nước khẳng định các doanh nghiệp đầu mối đang tăng lượng lớn nguồn hàng để đảm bảo cung ứng 10 ngày tới.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, đến 12 giờ trưa nay, nhu cầu tiêu thụ xăng của người dân đã giảm, tình trạng đổ xô đi mua không còn. “Với 137 cửa hàng xăng hôm qua tạm hết hàng, nay đã phục hồi gần 68%”, ông Vũ nói.
TP.HCM hiện có 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu; 60 thương nhân phân phối; 1 thương nhân làm tổng đại lý; 29 đại lý bán lẻ; 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Đến nay, theo Giám đốc Sở Công Thương, chỉ có 3 cửa hàng chính thức xin tạm ngưng bán. Đồng thời, hơn 10 cửa hàng đã có văn bản xin rút ngắn thời gian kinh doanh từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày, tuy nhiên cơ quan quản lý chưa chấp thuận bằng văn bản.
“Sở Công Thương lấy làm tiếc về những bất tiện và khó khăn mà người dân TP.HCM đã phải gánh chịu những ngày qua”, ông Vũ nói.
Sửa đổi một số quy định trong điều hành và kinh doanh xăng dầu
Chiều 12.10, Bộ Công thương đã chính thức trả lời nhiều nội dung thuộc thẩm quyền, chức năng của Bộ mà báo chí, doanh nghiệp, người dân quan tâm tại cuộc họp báo thường kỳ quý III.2022.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk... Tuy nhiên, hiện tượng này không phải phổ biến, chỉ một số cửa hàng đóng cửa tại một số địa bàn trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động trên cả nước.
Về công tác bảo đảm nguồn cung xăng dầu: Hai nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn trong ba tháng cuối năm dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3, chiếm 80% tổng nhu cầu (hiện hai nhà máy đều đang vận hành ở công suất tối đa, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong quý IV.2022). Lượng còn lại sẽ nhập khẩu để bảo đảm cung ứng cho thị trường.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ cuối 2021 đến nay, tình hình thế giới biến động phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung về năng lượng, trong đó có xăng dầu. Nhưng có thể khẳng định đến giờ phút này chúng ta đã cố gắng cơ bản đáp ứng được nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân.
Liên quan đến vấn đề bình ổn giá xăng, Bộ Công Thương cho rằng việc kiểm soát giá các hàng hóa khác nói chung trên thị trường thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính, đề nghị xin ý kiến thêm của Bộ Tài chính. Theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp triển khai Chương trình bình ổn thị trường để bảo đảm nguồn cung hàng hóa với giá hợp lý cho thị trường, nhất là trong những giai đoạn lễ, Tết (nhu cầu tăng cao).
Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ.
Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan, rà soát, đánh giá và nếu cần thiết sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định về thời gian điều hành giá cũng như một số quy định khác trong Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP cho phù hợp với thực tế...