Phó thủ tướng yêu cầu trình phương án xử lý dứt điểm Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam

Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam là dự án khó xử lý nhất trong số 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành Công Thương.

Ngày 26.3, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương đã khảo sát hiện trường và làm việc với Bộ Công Thương, Tổng công ty Giấy Việt Nam, UBND tỉnh Long An và các bộ ngành, cơ quan liên quan về phương án xử lý Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện tại, dự án này đã thể hiện là không khả thi do không còn vùng nguyên liệu (hiện khu vực không còn trồng đay – nguyên liệu để sản xuất của nhà máy). Giải pháp điều chỉnh tính năng sản xuất để phù hợp với các nguyên liệu khác cũng không khả thi, sản phẩm làm ra (chủ yếu là giấy in báo) cũng khó tiêu thụ. Mặt khác, Tổng công ty Giấy gặp khó khăn trong xử lý các vấn đề liên quan đến tài chính của dự án, bị các chủ nợ khởi kiện,…

Để xử lý dự án, Bộ Công Thương cho biết, đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai phương án bán đấu giá tài sản, nhưng những năm qua, phương án này không triển khai được do không có nhà đầu tư nào tham gia qua 3 lần tổ chức đấu giá (do giá khởi điểm được định giá không phù hợp với thị trường, một số nội dung liên quan tới chủ nợ cũng có vướng mắc.

Báo cáo cũng cho biết, tỉnh Long An đề xuất phương án chuyển đổi mục đích sử dụng quyền sử dụng đất dự án để xây dựng Khu đô thị sinh thái gắn với công nghệ cao. Bộ Công Thương cũng đề xuất phương án 3 là dừng thực hiện và bán thanh lý tài sản trên đất của dự án. Bộ cũng đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo ban hành cơ chế đặc thù để xử lý những tồn tại của dự án này.

Đại diện Tổng công ty Giấy Việt Nam khẳng định, về mặt kỹ thuật, Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam không thể khắc phục được vì dây truyền sản xuất bột giấy từ cây đay là "đặc thù". Trên thế giới chỉ duy nhất Việt Nam có. Công nghệ này từ phòng "thí nghiệm đi thẳng ra thực tế", không phù hợp nên không hoạt động được. Phương án "bơm thêm tiền" dự tính 1.000 tỉ để cải tạo công năng sản xuất bột giấy từ cây keo và bạch đàn cũng không khả thi do sản phẩm giấy hóa nhiệt cơ, chủ yếu được sử dụng để in báo (nhu cầu thị trường thấp), thời gian bảo quản không dài nên cũng khó xuất khẩu…

Phía UBND tỉnh Long An cho rằng, đến nay, việc xử lý tồn tại của dự án chưa thành công bởi vẫn chưa có giải pháp khả thi. Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út nhấn mạnh: "Đến thời điểm hiện tại, tính khả thi để triển khai dự án đã không còn. Chúng ta đã tạm dừng dự án từ 2014 để xử lý nhưng chưa giải quyết được. Chính vì vậy, tỉnh Long An đề nghị Ban Chỉ đạo báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chấm dứt dự án để xử lý theo quy định của pháp luật".

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh rằng, "về thực tiễn các yếu tố bảo đảm cho dự án hoạt động đều không còn. Việc cơ quan có thẩm quyền đã chỉ đạo dừng dự án từ 2014 để tránh thiệt hại thêm là chính xác. Tuy nhiên, tiến độ xử lý chậm nên gây thiệt hại rất lớn".

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải ra quyết định chấm dứt dự án. Về phía địa phương, cần điều chỉnh quy hoạch và điều chỉnh mục đích sử dụng đất…

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng do các phương án của Bộ Công Thương đề xuất chưa rõ nên thời gian qua, việc xử lý "vẫn loay hoay, không dứt điểm được. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, trong các phương án đề xuất phải làm rõ các giải pháp về kỹ thuật, tài chính, phân định rõ giữa tài sản và đất, các vấn đề liên quan đến pháp lý… đồng thời, phải căn cứ vào thực tế để đề xuất phương án cuối cùng cho Ban Chỉ đạo.

Đối với tỉnh Long An, nếu dự án chấm dứt thì tỉnh sẽ thu hồi và quản lý, sử dụng đất đai theo quy định của Luật Đất đai và quy hoạch sử dụng đất của địa phương.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trước ngày 15.4.2023 phải trình Ban Chỉ đạo, để Ban Chỉ đạo trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 292/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Huỳnh Văn Sơn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An.

Ông Huỳnh Văn Sơn sinh năm 1974, quê xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An; trình độ chuyên môn thạc sĩ chuyên ngành quản lý công; trình độ lý luận chính trị cao cấp.

Trước khi được bầu làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, ông Huỳnh Văn Sơn đã từng giữ các chức vụ: Phó Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An.

H.Đ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/pho-thu-tuong-yeu-cau-trinh-phuong-an-xu-ly-dut-diem-du-an-nha-may-bot-giay-phuong-nam-194791.html