Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm tại VEAM
Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về kết luận thanh tra và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc kết luận.
Văn phòng Chính phủ mới đây đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng liên quan đến các vấn đề tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).
Theo đó, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về công tác cán bộ và kết luận thanh tra tại VEAM.
Cụ thể, xét báo cáo của Bộ Công Thương về công tác cán bộ tại Bộ Công Thương cũng như kết quả thanh tra tại VEAM; đơn phản ánh kiến nghị của ông Trần Ngọc Hà, nguyên Tổng giám đốc VEAM, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về kết luận thanh tra.
Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra. Trong đó, cần xử lý kiểm điểm nghiêm túc, có hình thức xử lý cụ thể đối với tập thể, cá nhân để xảy ra thiếu sót, vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng thường trực cũng giao Bộ Nội vụ kiểm tra, xử lý đơn của ông Trần Ngọc Hà và tổng hợp kết quả, báo cáo Thủ tướng.
Vào tháng 5-2019, Bộ Công Thương đã có Kết luận Thanh tra về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh; công tác tổ chức cán bộ tại VEAM.
Theo đó, Bộ Công Thương chỉ rõ tình hình kinh doanh của VEAM không hiệu quả, mua quá nhiều linh kiện ngoài kế hoạch, bổ nhiệm cán bộ sai quy định. Không chỉ dừng lại ở đó, theo tài liệu PLO có được, cơ quan thanh tra còn phát hiện có dấu hiệu bất thường trong hoạt động tài chính tại đơn vị này.
Trước đó, ngày 7-8-2018, HĐQT VEAM đã ban hành Nghị quyết, Quyết định tạm dừng chức danh Tổng giám đốc VEAM đối với ông Trần Ngọc Hà. Sau đó, ngày 29-3-2019, HĐQT đã ban hành Nghị quyết, Quyết định bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc VEAM đối với ông Trần Ngọc Hà.
Hiện tại, Bộ Công Thương đã kiến nghị chuyển nhiều vụ việc tại VEAM sang cơ quan công an. Đó là việc mua linh kiện phụ tùng ô tô (3.000 bộ linh kiện xe Huyndai Mighty với TCG; 1.500 bộ linh kiện của đơn hàng giữa VEAM và Chi nhánh Công ty TNHH Mekong Auto); Vụ chuyển tiền từ VEAM cho Nhà máy ô tô VEAM; Vụ việc sử dụng nguồn vốn 112 tỉ đồng không đúng mục đích từ nguồn vốn chuyển quyền sử dụng đất tại 191 và 193 Bà Triệu - Hà Nội, tại Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo,…
Theo Bộ Công Thương, trách nhiệm chính liên quan đến các sai phạm thuộc về các lãnh đạo của VEAM qua các thời kì như ông Nguyễn Thanh Giang, ông Lâm Chí Quang, ông Trần Ngọc Hà...
Mới đây, ông Trần Ngọc Hà cũng đã văn bản báo cáo Đảng ủy Bộ Công Thương và gửi đơn kiến nghị đến các Đại biểu Quốc hội về tình hình tại VEAM.
Theo nguồn tin của PLO, hiện tại các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương đang hoàn tất thủ tục xử lý vi phạm tại VEAM. Dự kiến, ngày 30-6-2019, VEAM sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên.
Theo kết luận thanh tra, giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6-2018, kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hằng năm đều có lãi, tuy nhiên chủ yếu là lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda...) mang lại. Trong khi đó hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/pho-thu-tuong-yeu-cau-xu-ly-nghiem-sai-pham-tai-veam-842166.html