Phó tổng giám đốc KienlongBank xin từ nhiệm để đảm nhận trọng trách mới?
Mới đây, trước động thái Ngân hàng TMCP Kiên Long thông báo về việc Phó Tổng Giám đốc Đỗ Anh Tuấn nộp đơn xin từ nhiệm kể từ ngày 6/3/2023, nhiều thông tin đồn đoán rằng, rất có thể đây sẽ là bước đệm nhắm thẳng đến một vị trí quan trọng trọng.
Trước bối cảnh chỉ còn ít ngày sẽ diễn ra ĐHĐCĐ thường niên vào tháng 4/2022, ông Đỗ Anh Tuấn (Phó TGĐ KienlongBank) đã gửi đơn từ xin từ nhiệm chức vụ này kể từ ngày 6/3/2023. Đồng thời, phía KienlongBank cũng hé lộ về kế hoạch thay đổi nhân sự cấp cao sắp tới. Cụ thể, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, trong nhiều thay đổi về bộ máy lãnh đạo quản trị, điều hành, nội dung đáng chú ý nhất có lẽ sẽ là nội dung thông qua việc bầu bổ sung nhân sự vào HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2027.
Trong một diễn biến liên quan, 2 nhân sự chủ chốt nhất của KienlongBank hiện tại - Chủ tịch HĐQT Trần Thị Thu Hằng và Tổng Giám đốc Trần Ngọc Minh - lại chính là “lính cũ” của ông Đỗ Anh Tuấn tại SSG - Tập đoàn BĐS nơi ông Tuấn đang là Chủ tịch. Chưa kể, Phó Tổng Giám đốc Công nghệ Nguyễn Văn Minh, nhân vật chủ chốt trong tiến trình chuyển đổi số tại KienlongBank trong suốt 2 năm qua cũng đồng thời là “cánh tay phải” đắc lực của ông Tuấn tại một Tập đoàn làm về công nghệ, có liên quan chặt chẽ với KienlongBank qua các sản phẩm chuyển đổi số đình đám trong giới tài chính ngân hàng như máy giao dịch ngân hàng tự động STM…
Các trùng hợp hi hữu này hiện đang làm dấy lên đồn đoán, phải chăng một vị trí trong HĐQT KienlongBank nhiệm kỳ 2023 - 2027, thậm chí không loại trừ vị trí cao nhất, sẽ là chặng dừng tiếp theo của ông Đỗ Anh Tuấn, sau hành trình KienlongBank thay đổi rõ rệt về cả nhận diện lẫn kết quả kinh doanh khởi sắc kể từ thời điểm Ngân hàng thực hiện chuyển đổi số, cùng các yếu tố mới về nhân sự lãnh đạo, điều hành đều có ít nhiều liên quan đến ông Đỗ Anh Tuấn.
Việc chủ động xin từ nhiệm để sau đó ứng cử, được đề cử với một vai trò mới là điều không hề hiếm xảy ra tại các tổ chức, nhất là khi nhìn vào cơ cấu nhân sự cấp cao hiện hữu của KienlongBank, người ta không khỏi có cảm giác đây là một cuộc họp của Công ty ông Tuấn quản lý, bởi đều là những cái tên rất quen thuộc của SSG. Tất nhiên, mọi đồn đoán đều phải đợi kết quả công bố chính thức sau ĐHĐCĐ KienlongBank vào tháng 4 tới đây.
Về tình hình hoạt động kinh doanh, trong những năm gần đây, tổng thu nhập và lợi nhuận của KienlongBank đã có dấu hiệu cải thiện khi xử lý dứt điểm các khoản cho vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB trong năm 2021, ghi nhận hơn 1.010 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Kết thúc năm 2022, lợi nhuận trước thuế KienlongBank đạt gần 682 tỷ đồng với tổng thu nhập hoạt động tăng 12,70% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.