Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris: Đã đến lúc kết thúc cuộc xung đột Israel - Hamas

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, người được dự đoán sẽ là ứng viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, ngày 25/7 (giờ Mỹ) có cuộc thảo luận mà bà gọi là 'thẳng thắn và mang tính xây dựng' với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. 'Đã đến lúc cuộc xung đột này phải kết thúc', bà nói sau cuộc gặp trực tiếp tại Nhà Trắng.

Với giọng điệu cứng rắn hơn so với Tổng thống Mỹ Joe Biden, bà Kamala Harris cho biết bà đã làm rõ “những mối quan ngại sâu sắc” về số lượng thương vong ở Dải Gaza, nói với ông Benjamin Netanyahu rằng cách Israel tự vệ là vấn đề quan trọng, BBC đưa tin. Bà Harris cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một lộ trình hướng tới giải pháp hai nhà nước, đồng thời kêu gọi người dân Mỹ nhận thức về sự tinh vi, nhạy cảm trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas.

Bà Harris kêu gọi ngừng bắn và thả con tin

Trong bài phát biểu sau cuộc họp với Thủ tướng Israel, Phó Tổng thống Mỹ đã gây áp lực lên ông Netanyahu để “hoàn tất thỏa thuận” và bảo vệ dân thường ở Dải Gaza, The Washington Post đưa tin.

Bà Harris đề nghị ông Netanyahu chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn để tạm dừng cuộc chiến ở Dải Gaza và thả con tin, trong khi các nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố họ đang tiến gần hơn bao giờ hết tới một thỏa thuận như vậy.

“Chúng ta hãy hoàn tất thỏa thuận để có thể ngừng bắn và kết thúc xung đột. Hãy đưa các con tin về nhà và cung cấp sự cứu trợ tối cần thiết cho người dân Palestine”, Phó Tổng thống Mỹ nói với các phóng viên trong bài phát biểu ngắn sau cuộc họp song phương với Thủ tướng Israel tại Nhà Trắng.

Tuyên bố của bà Harris hoàn toàn ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn và giải thích sơ lược về thỏa thuận này dường như được thiết kế để gây áp lực lên Israel và Hamas, nhằm lấp đầy những khoảng trống còn lại trong việc đạt được thỏa thuận để ít nhất tạm thời chấm dứt hơn chín tháng xung đột.

Việc Phó Tổng thống Harris, chứ không phải Tổng thống Biden, phát biểu công khai sau khi họ đều có cuộc họp song phương với nhà lãnh đạo Israel phản ánh sự thay đổi lớn ở Washington trong những ngày gần đây.

Ông Biden thông báo hôm 21/7 rằng ông sẽ rời khỏi cuộc đua tổng thống. Hôm 23/7, bà Harris trở thành ứng cử viên tổng thống sáng giá của đảng Dân chủ.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower. Ảnh: Reuters.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower. Ảnh: Reuters.

Quan ngại thương vong dân sự

Trong bài phát biểu của mình, Phó Tổng thống Harris nhắc lại rằng bà vẫn là người nhiệt thành ủng hộ Israel, hồi tưởng về việc quyên tiền để trồng cây ở Israel khi còn nhỏ, đồng thời bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về một số hành động của Israel trong chiến dịch quân sự không ngừng nghỉ ở Dải Gaza.

Khi tiến bước trong cuộc đua tổng thống, bà Harris sẽ cần phải xác định rõ hơn các quan điểm của mình về những vấn đề quan trọng, đặc biệt là cuộc xung đột Israel-Hamas, và xem liệu có sự khác biệt nào giữa bà và ông Biden hay không.

Phó Tổng thống Harris không công khai bất đồng với cách tiếp cận của Tổng thống Biden đối với cuộc xung đột, nhưng bà đã thúc đẩy chính quyền cân nhắc kỹ lưỡng hơn về sự đau khổ của người Palestine khi chính quyền có động thái phản ứng liên quan. Thường là quan chức cao cấp nhất lên tiếng mạnh mẽ về thương vong dân sự.

“Israel có quyền tự vệ, và cách họ thực hiện điều đó rất quan trọng”, Phó Tổng thống Harris khẳng định và nói thêm rằng bà “rất quan ngại về mức độ đau khổ của con người ở Dải Gaza, bao gồm cái chết của quá nhiều dân thường vô tội” và “hình ảnh những đứa trẻ chết và những người tuyệt vọng, đói khát đang chạy trốn để tìm sự an toàn”. “Chúng ta không thể để mình trở nên tê liệt trước sự đau khổ, và tôi sẽ không im lặng”, bà nói.

Ông John Kirby, phát ngôn viên của Nhà Trắng, nói rằng bà Harris “là một đối tác toàn diện trong các chính sách của chúng ta ở Trung Đông, đặc biệt là với các chính sách của chúng ta đối với Israel và cuộc xung đột ở Dải Gaza”. Ông John Kirby nói thêm rằng bà Harris đã tham gia vào gần như mọi cuộc trò chuyện giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Netanyahu từ khi cuộc xung đột ở Dải Gaza bắt đầu.

Sáng 25/7, như một phần của sự cân bằng liên tục đó, bà Harris, chứ không phải ông Biden, ra tuyên bố mạnh mẽ về các cuộc biểu tình gần Điện Capitol của Mỹ, trong khi ông Netanyahu đang phát biểu trước Quốc hội Mỹ, lên án “các hành động đáng ghê tởm của những người biểu tình không yêu nước và những lời lẽ kích động nguy hiểm”.

“Tôi lên án bất kỳ cá nhân nào liên kết với Hamas, tổ chức đã thề tiêu diệt Nhà nước Israel và giết người Do Thái”, bà Harris nói.

Người dân Palestine đứng bên các thi thể của một gia đình thiệt mạng trong vụ không kích của Israel vào Dải Gaza.

Người dân Palestine đứng bên các thi thể của một gia đình thiệt mạng trong vụ không kích của Israel vào Dải Gaza.

Tổng thống Biden: “Tôi sẽ tiếp tục làm việc để kết thúc cuộc xung đột ở Dải Gaza”

Trước khi gặp Phó Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Israel đã gặp Tổng thống Biden, người mà ông đã quen biết trong nhiều thập kỷ. Tại Phòng Bầu dục, hai nhà lãnh đạo tỏ ra thân thiện khi bắt đầu hội đàm, mặc dù có những căng thẳng liên quan cuộc xung đột đang diễn ra và con đường phía trước.

“Chào mừng Ngài trở lại. Chúng ta có nhiều điều cần nói. Tôi nghĩ chúng ta nên bắt đầu”, ông Biden nói trước cuộc gặp. Ông Biden đã nhiều lần nói rằng một thỏa thuận ngừng bắn sắp đạt được, dù Mỹ và các đối tác đàm phán khác đã thất vọng trong nhiều tháng qua.

Các cuộc gặp, một phần trong chuyến thăm kéo dài nhiều giờ của ông Netanyahu tới Nhà Trắng, diễn ra một ngày sau khi nhà lãnh đạo Israel có bài phát biểu thách thức trước cuộc họp chung của Quốc hội.

Ông Netanyahu đã bác bỏ những chỉ trích từ các tổ chức quốc tế về hành vi của Israel, tuyên bố mà không có bằng chứng rằng Iran đang tài trợ cho những người biểu tình ủng hộ Palestine quanh Điện Capitol, và thề rằng Israel sẽ không chấp nhận gì ít hơn “chiến thắng hoàn toàn”.

Từ khi tuyên bố quyết định không tái tranh cử, Tổng thống Biden nói rằng kết thúc xung đột vẫn là ưu tiên hàng đầu trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ. “Tôi sẽ tiếp tục làm việc để kết thúc cuộc xung đột ở Dải Gaza, đưa tất cả các con tin về nhà, mang lại hòa bình và an ninh cho Trung Đông và chấm dứt cuộc xung đột này”, ông Biden nói hôm 24/7 trong bài phát biểu tại Phòng Bầu dục.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng, ngày 25/7. Ảnh: The Washington Post.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng, ngày 25/7. Ảnh: The Washington Post.

Israel sẽ rút hết quân khỏi Dải Gaza?

Ông Kirby nói với các phóng viên hôm 25/7 rằng, các bên đàm phán đang tiến gần “hơn bao giờ hết” đến một thỏa thuận, mặc dù ông nhấn mạnh vẫn còn những khoảng trống quan trọng cần phải lấp đầy.

Giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận sẽ bao gồm một đợt tạm dừng giao tranh trong sáu tuần và việc thả một số con tin. Giai đoạn thứ hai sẽ tiếp tục đình chiến trong khi Hamas và Israel đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn, xác định việc Israel rút quân hoàn toàn khỏi Dải Gaza.

Cuộc hội đàm của Tổng thống Biden ngày 25/7 là lần gặp trực tiếp đầu tiên của ông với Thủ tướng Netanyahu kể từ khi tổng thống Mỹ đến thăm Israel trong những ngày sau các cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10/2023. Trong khi đó, ngày 25/7 đánh dấu lần thứ hai bà Harris gặp ông Netanyahu, một quan chức Nhà Trắng cho biết. Họ gặp nhau lần đầu vào năm 2017 khi bà còn là thượng nghị sĩ; kể từ cuộc tấn công ngày 7/10/2023, bà đã tham gia hơn 20 cuộc diện đàm giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Netanyahu.

Tổng thống Mỹ đã ủng hộ Israel ngay sau các cuộc tấn công của Hamas trên đất Israel, nhưng khi Thủ tướng Netanyahu chỉ đạo quân đội tiếp tục tấn công toàn diện vào Dải Gaza, ông Bien bắt đầu chỉ trích, rồi kêu gọi các nhà lãnh đạo Israel cho phép tăng viện trợ vào Dải Gaza, nơi gần 2 triệu dân thường đang chịu đựng nạn đói lan rộng và hệ thống y tế sụp đổ.

Trong bài phát biểu công khai ngắn gọn của mình, Thủ tướng Netanyahu đã nói về Tổng thống Biden với giọng điệu ấm áp, mặc dù sau khi rời Nhà Trắng, nhà lãnh đạo Israel đến khu Mar-a-Lago để gặp cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa.

“Tôi muốn cảm ơn Ngài vì 50 năm phục vụ công và 50 năm ủng hộ nhà nước Israel”, Thủ tướng Netanyahu nói với Tổng thống Biden.

Một đứa trẻ Palestine đi giữa hoang tàn đổ nát sau trận không kích của Israel vào Dải Gaza. Ảnh: Anadolu.

Một đứa trẻ Palestine đi giữa hoang tàn đổ nát sau trận không kích của Israel vào Dải Gaza. Ảnh: Anadolu.

Đưa gia đình con tin Mỹ tới gặp Thủ tướng Israel

Mặc dù có những căng thẳng đang diễn ra, ông Kirby nói rằng Tổng thống Biden và Thủ tướng Netanyahu có một “mối quan hệ lành mạnh”. “Và bởi lành mạnh, tôi có ý rằng họ sẽ không đồng ý về mọi thứ”, ông Kirby nói. “Trong suốt cuộc đời chính trị dài mà cả hai đã tận hưởng, họ chưa từng luôn đồng ý về mọi thứ. Họ đến từ hai truyền thống chính trị khác nhau, nhưng họ biết nhau”, ông lưu ý.

Sau cuộc họp song phương tại Phòng Bầu dục, hai nhà lãnh đạo đã gặp gỡ các gia đình người Mỹ bị Hamas bắt làm con tin. Đưa các gia đình nạn nhân tới đây, Nhà Trắng hy vọng sẽ nâng cao thông điệp của họ rằng Thủ tướng Netanyahu cần ngừng đưa ra những yêu cầu mới và đồng ý với thỏa thuận ngừng bắn con tin đang được xúc tiến, các quan chức hiểu vấn đề cho biết.

Chính phủ của Thủ tướng Netanyahu đang đàm phán về việc thả hơn 100 con tin người Israel, mặc dù trong số đó, nhiều người được cho là đã chết.

Sau cuộc gặp với Tổng thống Biden và Thủ tướng Netanyahu, các gia đình con tin cho biết họ “lạc quan hơn” so với bất kỳ thời điểm nào khác kể từ tháng 11/2023, khi Hamas thả hơn 100 người trong cuộc trao đổi con tin duy nhất được đàm phán, ông Jonathan Dekel-Chen, cha của con tin người Mỹ Sagui Dekel-Chen, nói.

Phát biểu trước các máy quay bên ngoài Cánh Tây, ông Jonathan Dekel-Chen cho biết các gia đình đã nhận được “cam kết tuyệt đối từ chính quyền Biden và từ ông Netanyahu rằng họ hiểu sự cấp bách của thời điểm này và không lãng phí thời gian để hoàn tất thỏa thuận như hiện tại, giảm thiểu mọi thay đổi”.

Các gia đình cũng nhấn mạnh sự đồng thuận giữa ông Biden, bà Harris và ông Trump trong việc ủng hộ một thỏa thuận ngay lập tức.

“Chúng ta có một khoảnh khắc hiếm hoi bây giờ khi đương kim tổng thống Mỹ, và bất kỳ ai có thể trở thành tổng thống Mỹ, cả Phó tổng thống Harris và ông Donald Trump, đều đồng ý rằng thỏa thuận này phải được hoàn thành ngay bây giờ”, ông Jon Polin, cha của con tin người Mỹ Hersh Goldberg-Polin, nói.

Từ khi cuộc xung đột ở Dải Gaza bắt đầu, Thủ tướng Netanyahu đã bị chỉ trích vì đặt các mục tiêu quân sự liên quan đến việc tiêu diệt hoàn toàn Hamas lên trên sự cấp bách của việc đảm bảo giải cứu con tin.

Đầu mùa hè này, Mỹ đổ lỗi cho Hamas vì đưa ra các yêu cầu mới vào thỏa thuận, nhưng quan điểm đó đã thay đổi vào đầu tháng này khi Thủ tướng Netanyahu chỉ đạo Giám đốc cơ quan tình báo Israel Mossad David Barnea đàm phán thêm các điều kiện mới làm thay đổi mục tiêu, các nhà ngoại giao cho biết.

Theo các điều kiện mới, Israel sẽ không đồng ý rút lực lượng của mình khỏi Hành lang Philadelphi dọc biên giới Ai Cập, các nhà ngoại giao cho biết. Israel cũng sẽ không cho phép tự do đi lại cho người Gaza muốn trở về nhà ở phía bắc, nhấn mạnh rằng lực lượng của mình được phép thiết lập các trạm kiểm soát để giám sát sự di chuyển của người di tản.

Ông Jonathan Dekel-Chen, đứng giữa, cha của con tin người Mỹ Sagui Dekel-Chen, cùng với các gia đình có con tin khác ở Dải Gaza, nói chuyện với các phóng viên sau cuộc gặp của họ với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: The Washington Post.

Ông Jonathan Dekel-Chen, đứng giữa, cha của con tin người Mỹ Sagui Dekel-Chen, cùng với các gia đình có con tin khác ở Dải Gaza, nói chuyện với các phóng viên sau cuộc gặp của họ với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: The Washington Post.

Thái An (Washington Post, BBC)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/pho-tong-thong-my-kamala-harris-da-den-luc-ket-thuc-cuoc-xung-dot-israel-hamas-post1658208.tpo