Phó trưởng Công an xã khởi nghiệp thành công với trà đặc sản
Tiếc những trái mãng cầu bị thương lái chê xấu mã, anh Nguyễn Tấn Đậu đã tìm cách biến nó thành trà mãng cầu mang thương hiệu '2 Đậu' nổi tiếng khắp miền Tây. Từ con số 0, giờ đây, mỗi tháng anh Đậu có doanh thu về hàng chục triệu đồng, tạo việc làm cho người dân địa phương và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp sáng tạo đến cộng đồng.
Gian nan khởi nghiệp từ con số 0
Chia sẻ với PV Tiền Phong, anh Nguyễn Tấn Đậu (ở xã Giồng Riềng, tỉnh An Giang) cho biết, ban đầu gia đình chỉ trồng mãng cầu bán trái, không hề có ý tưởng gì về làm trà mãng cầu. Tuy nhiên, khi thu hoạch, thương lái chỉ lựa trái đẹp, còn trái cong, xấu mã bị bỏ lại. Sau khi bỏ trái xấu, số trái đẹp bán được không còn nhiều, làm giảm hiệu quả của vườn cây, nên cũng có lúc gia đình tính phá bỏ vườn mãng cầu.

Anh Nguyễn Tấn Đậu bên vườn mãng cầu xiêm - nguồn nguyên liệu để sản xuất trà đạt OCOP 4 sao.
Bố mẹ anh Đậu cũng chỉ làm nông, từ nhỏ lớn lên bên ruộng vườn, anh thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của người nông dân, rồi những khi giá nông sản bấp bênh, đầu ra bế tắc. Chính điều đó thôi thúc anh tìm hướng đi mới để tạo đầu ra ổn định và tăng giá trị nông sản. Qua tìm hiểu, anh Đậu biết trái mãng cầu có thể sấy khô làm trà. Anh lặn lội lên Cờ Đỏ (Cần Thơ) tham quan các cơ sở sản xuất, học quy trình làm trà. “Lúc đầu tôi chỉ làm thử rồi đem tặng. Ai uống cũng khen ngon nên tôi mới mạnh dạn sản xuất để bán”, anh Đậu kể.
Thời gian đầu, mọi thứ đều mới mẻ. Anh Đậu chưa từng kinh doanh, không biết quảng bá, tiếp thị, thiết kế bao bì hay đăng ký thương hiệu. Nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn huyện, tỉnh về kỹ thuật, pháp lý, nhãn mác và tự học hỏi trên mạng xã hội, anh dần hoàn thiện sản phẩm.
Năm 2020, với diện tích 3.000m² trồng 300 gốc mãng cầu xiêm, anh Đậu bắt đầu thử nghiệm làm trà mãng cầu. Sau nhiều lần điều chỉnh về màu sắc, chất lượng, mẫu mã, sản phẩm trà mãng cầu 2 Đậu ra đời, nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận. Để có được sản phẩm đạt yêu cầu, anh chú trọng khâu chọn nguyên liệu - trái quá già sẽ bị đen khi sấy, trái non làm trà bị chát, nên phải biết cách chọn trái vừa tới độ. Mỗi công đoạn như rửa sạch, gọt gai, xắt lát, thái sợi, đặc biệt sấy khô đều được thực hiện tỉ mỉ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện anh Đậu bán trà mãng cầu trên các nền tảng mạng xã hội kết hợp với phân phối vào siêu thị, cửa hàng lưu niệm. Mỗi tháng, cơ sở của anh cung cấp khoảng 100kg trà mãng cầu, mang về lợi nhuận 30 - 35 triệu đồng.

Anh Đậu nâng cao giá trị cho trái mãng cầu xiêm bằng cách chế biến làm trà.
Ít ai biết, anh Đậu từng tốt nghiệp Đại học Cảnh sát Nhân dân, hiện là Phó trưởng Công an xã Giồng Riềng (tỉnh An Giang). Trước đó, anh làm Bí thư Đoàn cơ sở Công an huyện Giồng Riềng, từng mang chính mô hình trà mãng cầu đi thi khởi nghiệp thanh niên. “Lần đầu thi khởi nghiệp, do ảnh hưởng dịch COVID-19, nên thi trực tuyến, tôi đạt giải khuyến khích, rồi Tỉnh Đoàn hỗ trợ một máy sấy công nghệ cao. Sau này, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đưa tôi dự thi và tôi đạt giải Nhất hội thi khởi nghiệp năm 2022”, anh Đậu chia sẻ. Với nỗ lực và thành công của mình, anh Đậu được chính quyền tỉnh, huyện tặng nhiều phần thưởng vì đóng góp phát triển kinh tế địa phương.
Lan tỏa mô hình, tạo việc làm cho cộng đồng
Cơ sở trà mãng cầu của anh Nguyễn Tấn Đậu hiện tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động, lúc cao điểm lên đến 10 người, với thu nhập 100.000 - 200.000 đồng/người/ngày. Để mở rộng sản xuất, anh đang cải tạo vườn để trồng 500 gốc mãng cầu xiêm trên diện tích 5.000m², đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch. Anh còn chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn trẻ khác các địa phương cùng làm.
“Có bạn trước ở Kiên Giang, sau về Trà Vinh làm giống như tôi, giờ sản phẩm trà mãng cầu Minh Châu của bạn ấy cũng đạt OCOP 3 sao”, anh Đậu tự hào.

Mỗi tháng, cơ sở của anh Đậu cung cấp ra thị trường khoảng 100 kg trà mãng cầu, mang về thu nhập 30-35 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Sản phẩm trà mãng cầu 2 Đậu được chế biến hoàn toàn từ trái tươi, không dùng phẩm màu hay chất bảo quản, có hương vị thanh mát, tác dụng thanh lọc cơ thể, tăng sức đề kháng, hỗ trợ giấc ngủ và được thiết kế bao bì thân thiện môi trường. Hiện sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao (năm 2024), có mặt trên nhiều kệ hàng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sảm phẩm tiếp tục được chính quyền địa phương, Hội Nông dân hỗ trợ mở rộng sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập gia đình và tạo việc làm cho người dân.
Trao đổi với Tiền Phong, chị Lê Thị Tố Quyên - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, kiêm Bí thư Xã Đoàn Giồng Riềng cho biết, mô hình sản xuất trà mãng cầu của anh Nguyễn Tấn Đậu được đánh giá rất hiệu quả. Vừa tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, vừa nâng cao giá trị nông sản của xã. Đây cũng là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, dám nghĩ dám làm.
"Tôi tin, câu chuyện của anh Đậu sẽ tiếp thêm động lực cho nhiều bạn trẻ mạnh dạn khởi nghiệp, phát huy tiềm năng thế mạnh của quê hương, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội tại địa phương”, chị Quyên nói.