Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Nguyễn Thị Bích Ngọc: Cần quản lý đất đai tại Hà Nội thống nhất theo luật nhưng đảm bảo tính đặc thù
'Về cơ chế đặc thù giải quyết tồn tại trong quản lý đất đai, do tại Hà Nội giá trị đất rất lớn nên cơ chế, yêu cầu quản lý cũng khác những địa phương khác, nên cần đề xuất Trung ương để có thống nhất quản lý theo luật nhưng phải đảm bảo tính đặc thù. Hà Nội khi trình cơ chế đặc thù này còn có nhiều khó khăn, để tránh không trái các luật khác hoặc liên quan vấn đề pháp lý tại các luật khác; một số nội dung đã được xem xét đưa vào nghị quyết riêng của Hà Nội'- Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định.
Chiều nay (23/9), tổ ĐB Quốc hội TP Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì đã có buổi tiếp xúc với các cử tri quận Thanh Xuân và quận Cầu Giấy trước Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XIV.
Tại đây, cử tri hai quận phản ánh một số vấn đề liên quan công tác quản lý đất nông nghiệp xen kẹt; kiến nghị cấp phép triển khai các dự án cần tránh kéo dài hàng năm, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân và thiệt hại kinh tế. Một số cử tri cũng kiến nghị T.Ư có cơ chế giúp Hà Nội có chính sách đặc thù để gỡ khó khăn trong quản lý đất đai.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Duy Vang (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) cho biết, điều chỉnh địa giới hành chính một số tổ dân phố tại phường Nghĩa Tân, phường Mai Dịch diễn ra đã 26 năm vẫn chưa thực hiện xong, nên Sở Nội vụ cần sớm trả lời cử tri về nguyên nhân, giải pháp. Quốc hội sắp hoàn thành nhiệm kỳ này, nên Đoàn ĐB Quốc hội TP cần tổng kết việc thực hiện chương trình hành động theo lời hứa khi vận động tranh cử đến cử tri từ đầu nhiệm kỳ, để cử tri có căn cứ đề xuất các ĐB tiếp tục đảm nhiệm vai trò trong nhiệm kỳ mới. Bà Nguyễn Thị Thanh Vân (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cho rằng, dự án Vành đai III tại quận vẫn có một số hộ dân chưa được giải quyết thỏa đáng về bồi thường GPMB. Còn theo cử tri Lê Đình Can (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy), hiện thủ tục cấp GCN quyền sử dụng đất, chuyển đổi hộ khẩu còn một số bất cập. Cũng theo các cử tri, đã diễn ra nhiều thảo luận trước khi ban hành hay điều chỉnh một số luật, quy định, đến nay nên có đánh giá việc triển khai đã đạt kết quả, còn tồn tại gì. Chẳng hạn về cấp thẻ căn cước công dân, quản lý cấp phép lái xe… cần được tổng kết xem các bộ chủ quản đã hoàn thành mục tiêu đề ra chưa, còn hạn chế thì trách nhiệm thuộc bộ nào, nhằm đưa việc xây dựng Luật được lâu dài, ổn định.
Đại diện các sở trả lời ý kiến cử tri, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn trả lời ý kiến của cử tri phường Mai Dịch và phường Nghĩa Tân về việc điều chỉnh địa giới hành chính 8 tổ dân phố phía Bắc phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) và tổ dân phố 28 hiện nằm tại phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) cho biết: Những năm qua, tại địa bàn các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm có bất cập về địa giới hành chính. Căn cứ nhu cầu của người dân, TP đã thực hiện mọi thủ tục, hoàn thành hồ sơ và tháng 10/2019, HĐND TP đã hoàn thành hồ sơ và có nghị quyết đề nghị UBTV Quốc hội xem xét điều chỉnh địa giới hành chính, trong đó hồ sơ đã được chuyển lên Bộ Nội vụ. Cuối năm 2019, Chính phủ và Bộ tập trung công tác sắp xếp các đơn vị hành chính, nhưng do yêu cầu việc điều chỉnh địa giới hành chính các tổ dân phố đã có từ lâu, nên sau tiếp xúc cử tri ĐB Quốc hội tại quận Cầu Giấy lần trước, Sở đã tham mưu UBND TP có văn bản đôn đốc đề nghị Bộ khẩn trương. Giữa tháng 8/2020, đoàn công tác của Bộ cùng các cơ quan khác về khảo sát hiện trạng địa giới hành chính khu vực Bắc Nghĩa Tân và tổ 28 phường Mỹ Đình 2. Sau đó, Bộ tổ chức Hội đồng thẩm định liên ngành xem xét, đã chấp thuận bộ hồ sơ của Hà Nội và đề nghị bổ sung những số liệu dân cư, xã hội mới nhất từ tháng 12/2019. Hiện Sở đã hoàn thành, trình UBND TP và TP đã trình Bộ Nội vụ các số liệu cập nhất mới nhất. Bộ đang tích cực hoàn chỉnh hồ sơ, đề án và tờ trình để Chính phủ thông qua, sau đó trình UBTV Quốc hội.
“Tiếp thu ý kiến các cử tri, Sở sẽ tiếp tục bám sát các cơ quan chuyên môn Bộ Nội vụ đề nghị sớm trình các cơ quan có thẩm quyền về việc điều chỉnh địa giới hành chính này”- ông Nguyễn Chí Đoàn khẳng định.
Thay mặt lãnh đạo quận Thanh Xuân, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Xuân Lưu trả lời ý kiến của cử tri Nguyễn Thị Thanh Vân cho biết: Dự án Vành đai III đi qua 2 quận Cầu Giấy và Thanh Xuân do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, triển khai GPMB trên địa bàn Thanh Xuân trong 8 năm đã hoàn thành, chia nhiều giai đoạn với 1.007 hộ dân đã được di chuyển để có điều kiện xây dựng tuyến Vành đai III. Trong quá trình thực hiện, một số hộ dân trong đó có hộ bà Nguyễn Thị Thanh Vân phản ánh về mặt cắt đường, trước đây Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chỉ 68m nhưng thực tế vượt quá; về chính sách bồi thường về đất, nhiều hộ thuộc diện GPMB ở quận Cầu Giấy có chỗ được bồi thường nhưng tại Thanh Xuân thì không được; về chính sách bố trí nhà tái định cư (TĐC) Từ năm 2001-2009, nhiều bộ, ngành và chính quyền quận đã trả lời người dân, xem xét kiến nghị liên quan 3 nội dung này và kết luận: Liên quan nguồn gốc đất, các hộ tại quận Thanh Xuân không đủ điều kiện để được bồi thường về đất, nên UBND TP đã ban hành chính sách hỗ trợ về đất. Về nhà TĐC, quận Thanh Xuân không bố trí m2 đất nào mà chỉ bố trí TĐC bằng nhà tại khu Trung Hòa-Nhân Chính. 3 nội dung này đã được trả lời rất nhiều lần, trong đó ngày 12/11/2013, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh có văn bản trả lời lần cuối cùng với mọi kiến nghị của công dân quận Thanh Xuân, khẳng định “kể từ nay chấm dứt việc tiếp nhận, đối thoại, xem xét giải quyết đơn của các công dân (kể cả đơn của các cơ quan khác) liên quan chủ trương, chính sách thu hồi đất GPMB xây dựng Vành đai III tại quận”.
Thay mặt tổ ĐB, Phó Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá: Qua một nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội, các ý kiến của cử tri đã được các cấp, ngành nhất là các quận huyện trả lời nghiêm túc, giải quyết thường xuyên nên tại lần tiếp xúc này đã thấy bớt ý kiến từ cử tri. Mỗi lần tiếp xúc, Đoàn cảm nhận lại có thêm kết quả đáng phấn khởi, cách tổ chức tiếp xúc cử tri ngày càng đổi mới. Chuẩn bị Kỳ họp lần này, chỉ trong hơn 1 tháng rà soát cho thấy Quốc hội đã hoàn thành rất nhiều nội dung trong nhiệm kỳ, với cách tổ chức rất khoa học, chú trọng đổi mới tiếp xúc cử tri…
Tuy nhiên, với đề nghị của cử tri quận Cầu Giấy về việc cần có tổng kết sau đó mới thông qua, ban hành hay điều chỉnh các luật, đồng chí khẳng định đó là quy trình bắt buộc. Tiếp thu ý kiến này, đoàn sẽ phản ánh lại với Quốc hội, để nâng cao chất lượng hoạt động này thời gian tới. Liên quan ý kiến về cơ chế đặc thù cho Hà Nội, Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP khẳng định, UBTV Quốc hội đã có cơ chế đặc thù cho TP về tài chính ngân sách, sắp tới sẽ được triển khai thực hiện nhằm phát huy tính chủ động, nguồn lực trên địa bàn. Về cơ chế đặc thù giải quyết tồn tại đất đai, do tại Hà Nội giá trị đất rất lớn nên cơ chế, yêu cầu quản lý cũng khác những địa phương khác, nên cần đề xuất T.Ư để có sự thống nhất quản lý theo luật nhưng đảm bảo tính đặc thù. Hà Nội khi trình cơ chế đặc thù này còn có nhiều khó khăn, để tránh không trái các luật khác hoặc còn liên quan vấn đề pháp lý tại các luật khác; một số nội dung đã được xem xét đưa vào nghị quyết riêng của Hà Nội. Khi tới đây triển khai mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội đồng thời sẽ triển khai nghị quyết này. Về đề xuất cuối nhiệm kỳ ĐB Quốc hội có trách nhiệm gửi báo cáo tới từng tổ dân phố, đồng chí khẳng định, quyền của cử tri là được tham gia góp ý với ĐB, nhưng việc ĐB làm văn bản báo cáo từng tổ dân phố thì Luật chưa quy định, mà báo cáo được trình bày tại các cuộc tiếp xúc cử tri.