Phó Viện trưởng CIEM: Không muốn nhà đầu tư vì quá khó mới phải chọn M&A
Các quy định pháp luật tới đây sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng để nhà đầu tư lựa chọn hình thức M&A một cách tự nhiên, tạo sự bứt phá cho thị trường, chứ không phải vì không có lựa chọn nào khác mới phải thực hiện M&A.
Một thông tin quan trọng được ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2019, đó là những thay đổi về chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động M&A trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
“Tôi cho rằng việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp lần này sẽ có tác động lớn tới thị trường M&A Việt Nam”, ông Phan Đức Hiến nói.
Theo ông Hiếu, tác động lớn nhất chính là đảm bảo sự an toàn cho nhà đầu tư nước ngoài khi họ mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam, dù là mua 10%, 20% hay 50% cổ phần.
“Việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp lần này sẽ tập trung vào các quy định liên quan đến đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư”, ông Hiếu nói.
Một sửa đổi quan trọng khác, nhất là với Luật Doanh nghiệp, là nhằm thúc đẩy quản trị doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ nắm giữ trên 50%, chứ không chỉ là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.
Nguyên tắc quan trọng, theo ông Hiếu, là áp dụng cơ chế quản trị hiện đại, đáp ứng yêu cầu của OECD. Và do vậy, sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này, sẽ bổ sung các quy định về công khai hóa, minh bạch hóa thông tin với những doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu từ 50% vốn trở lên.
“Quy định như vậy sẽ giúp nhà đầu tư có thêm thông tin về doanh nghiệp mà mình định đầu tư”, ông Hiếu nói.
Chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam, ông Hiếu thẳng thắn rằng, ông rất muốn nhà đầu tư lựa chọn phương thức đầu tư M&A “một cách tự nhiên”, chứ không phải là vì quá khó, không có lựa chọn nào khác mới phải thực hiện M&A.
Do vậy, các sửa đổi trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp lần này sẽ hướng đến việc giảm những gánh nặng không cần thiết, giảm chi phí giao dịch cho nhà đầu tư.
Thông tin từ ông Phan Đức Hiếu cho biết, Luật Đầu tư tới đây sẽ được sửa đổi theo hướng xây dựng danh mục loại trừ những ngành nghề kinh doanh mà hạn chế với nhà đầu tư nước ngoài.
Điều này, theo ông Hiếu, sẽ giúp giảm rất nhiều chi phí giao dịch cho nhà đầu tư, họ không cần phải tìm thuê nhà tư vấn nữa. “Nếu họ không rõ những ngành nghề này thì sẽ phải mất nhiều chi phí để thuê đơn vị tư vấn”, ông Hiếu nói.
Một sửa đổi khác, đó là quy định nhà đầu tư khi đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo thì được coi như đầu tư trong nước chứ không phải là nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, có thể tạo ra một công cụ mới cho nhà đầu tư, ví dụ như chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết. Công cụ này sẽ giúp giải quyết câu chuyện mua cổ phiếu của nhà đầu tư ngoại tại doanh nghiệp hết room.
“Những sửa đổi này sẽ tác động tích cực, giúp nhà đầu tư lựa chọn M&A một cách tự nhiên, để tạo sự bứt phá cho thị trường”, ông Hiếu nói.
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ tại Diễn đàn M&A, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ngoài chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết, trên thị trường vừa qua cũng đã xuất hiện chứng quyền bảo đảm.
“Vối chứng chỉ này, nhà đầu tư có thể mua cổ phần mà không hạn chế quyền sở hữu. Sản phẩm này được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đón nhận”, ông Sơn cho biết.
Cũng theo ông Sơn, hiện nay, Luật Chứng khoán cũng đang được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, một trong những nội dung quan trọng là gắn IPO với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán, tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp thời gian qua IPO 1-2 năm vẫn chưa niêm yết.
“Như vậy là không minh bạch. Vì thế, chúng tôi yêu cầu IPO phải gắn với niêm yết luôn”, ông Sơn nhấn mạnh và cho rằng, việc cả Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán được sửa đổi, bổ sung sẽ giúp thúc đẩy thị trường M&A Việt Nam phát triển, bứt phá.