Phố Wall chao đảo sau thông điệp cứng rắn của chủ tịch Fed
Thị trường chứng khoán đã có một phen chao đảo sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết sẽ không sớm nới lỏng chính sách tiền tệ như kỳ vọng của giới đầu tư.
Fed cam kết đẩy mạnh các nỗ lực chống lạm phát
Hôm 26-8, trong bài phát biểu về chính sách tiền tệ tại hội nghị thường niên của Fed tại Jackson Hole, Wyoming, Chủ tịch Jerome Powell đã đưa ra cam kết cứng rắn về việc sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho tới khi tỷ lệ lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm qua tại Mỹ thực sự được kiểm soát.
Kể từ khi bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3 tới nay, Fed đã có 4 đợt nâng liên tiếp với tổng mức tăng 2,25 điểm phần trăm. Tuy nhiên, theo ông Powell, “giờ chưa phải là lúc dừng hay tạm dừng”.
Ông thừa nhận, chiến dịch tăng lãi suất của Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ ảnh hưởng đáng kể đến người dân, các doanh nghiệp và tăng trưởng của nền kinh tế. Dẫu vậy, ông cho rằng, việc không hành động sẽ khiến tỷ lệ lạm phát cao hiện nay trở nên dai dẳng và gây ra nhiều thiệt hại hơn.
Theo ông Powell, Fed cần lấy bài học từ quá khứ để định hình chính sách tiền tệ hiện nay. Ông lưu ý rằng việc giới hoạch định chính sách không hành động quyết liệt vào thập niên 1970 đã dẫn tới kỳ vọng lạm phát tăng chóng mặt và hệ quả là những đợt tăng lãi suất “kinh hoàng” vào đầu thập niên 1980.
“Thông điệp của ông Powell rất ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề. Không còn nghi ngờ gì nữa rằng Fed không có khả năng dừng nỗ lực giảm lạm phát của mình”, Win Thin, Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ toàn cầu tại Brown Brothers Harriman & Co, nhận định.
Phố Wall lo ngại những động thái từ Fed
Tuyên bố của ông Powell đã xóa tan những kỳ vọng cuối cùng của một số nhà đầu tư về việc Fed có thể tạm dừng tăng lãi suất hoặc thậm chí giảm lãi suất vào năm tới. Phố Wall ngay lập tức bị nhấn chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, xóa sạch đà tăng có được trong những ngày đầu tuần. Tính chung trong cả tuần, chỉ số S&P 500 ghi nhận mức giảm 4%, trong khi Dow Jones và Nasdaq lần lượt mất 4,2% và 4,4% giá trị, qua đó đánh dấu tuần suy giảm mạnh nhất trong vòng hai tháng qua.
Các chuyên gia đến từ Horizon Investments nhận định rằng, với tình hình này, các thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới. Còn theo Wolfe Research, những tuyên bố cứng rắn hơn so với dự báo của thị trường của ông Powell sẽ ảnh hưởng xấu tới thị trường cổ phiếu, khi các nhà đầu tư lo ngại về mức lãi suất cao hơn, tăng trưởng chậm hơn và thị trường lao động suy yếu.
“Đây là một phản hồi rất rõ ràng đối với kỳ vọng của thị trường về sự xoay trục từ Fed trong năm 2023. Điều này có nghĩa là lãi suất tham chiếu sẽ được nâng lên trên ngưỡng trung tính, thông qua các đợt tăng mạnh trong thời gian tới, và tiếp tục được giữ ở mức cao trong một khoảng thời gian nhất định, có thể là cả năm tới”, Brian Coulton, chuyên gia kinh tế trưởng tại Fitch Ratings, nhận định.
Và cú lao dốc này, nhiều khả năng sẽ chỉ là sự khởi đầu cho giai đoạn đầy biến động của Phố Wall vốn đang bước vào tháng 9 – quãng thời gian tệ nhất trong năm của thị trường chứng khoán Mỹ.
Những rủi ro có thể kéo dài, tùy thuộc vào những động thái chính sách từ Fed. Ông Tim Pagliara, Chủ tịch Công ty Tài chính Capwealth, dự báo: “Tôi nghĩ khả năng hiển thị đáy của thị trường chứng khoán Mỹ sẽ không xảy ra cho tới năm sau, trước khi chúng ta biết được chính xác mức độ tăng lãi suất mà Fed sẽ thực hiện để giải quyết mối lo ngại lạm phát”.
Mối quan tâm hàng đầu vào thời điểm hiện tại của thị trường sẽ là việc liệu Fed sẽ tăng lãi suất 0,5 hay 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách vào tháng 9 tới. Trong tuyên bố của mình, ông Powell cho biết quyết định lãi suất sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế sắp được công bố trong thời gian tới cũng như triển vọng tăng trưởng. Các báo cáo mới nhất về thị trường việc làm sẽ được công bố vào thứ Sáu (2-9), trong khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 được công bố vào ngày 13-9.
Với những quan điểm cứng rắn vừa được ông Powell thể hiện tại Jackson Hole, giới chuyên gia tin rằng nhiều khả năng Fed sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tháng 9.
Nhà đầu tư giảm bớt rủi ro từ cổ phiếu
Theo Reuters, các nhà đầu tư Mỹ đang chuẩn bị cho giai đoạn lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn bằng cách cơ cấu lại danh mục theo hướng thận trọng, giảm bớt rủi ro từ cổ phiếu.
Ông Brooks Ritchey, Giám đốc đầu tư tại K2 Advisors – công ty đang quản lý khối tài sản trị giá khoảng 12 tỉ đô la trong các quỹ đầu cơ, nhận định: “Có lẽ chúng tôi sẽ tiếp tục chiến lược phòng thủ đối với cổ phiếu và các quỹ đầu cơ liên quan tới cổ phiếu cho đến giữa tháng 11. Thị trường trái phiếu có vẻ điều chỉnh khá tốt theo lối suy nghĩ của ông Powell… Còn giá cổ phiếu dường như vẫn đang điều chỉnh theo chu kỳ chính sách mới của ngân hàng trung ương Mỹ”.
Ông David Kotok, Chủ tịch và Giám đốc đầu tư của Cumberland Advisors, chia sẻ: “Đối với tôi, nắm giữ tiền mặt lúc này là rất hợp lý”. Ông dự đoán rằng giá cổ phiếu sẽ còn điều chỉnh xuống theo đà tăng của lãi suất sắp tới.
Bà Sonal Desai, Giám đốc đầu tư tại Templeton Fixed Income, cũng cho biết sẽ tiếp tục cơ cấu danh mục theo hướng tránh rủi ro, ít nhạy cảm với biến động lãi suất và tập trung vào các kỳ hạn ngắn. “Những gì tôi nghe được từ ông Powell là một tuyên bố chắc nịch khẳng định lạm phát đang quá cao, như tất cả chúng ta đều biết. Nhưng điều quan trọng hơn là Fed sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao”.
Những lo ngại về triển vọng kinh tế
Những tuyên bố cứng rắn của ông Powell đã làm gia tăng lo ngại về triển vọng của nền kinh tế Mỹ, vốn vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tỷ lệ lạm phát dường như đã có dấu hiệu đạt đỉnh trong tháng 7, nhưng hiện vẫn chưa thể giảm mạnh. Theo các số liệu mới nhất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 7 ghi nhận mức tăng 8,5% – thấp hơn mức dự báo và mức tăng 9,1% trong tháng 6. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng (PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của Fed, ghi nhận mức tăng 6,3% trong tháng 7, thấp hơn mức 6,8% trong tháng 6. Tuy nhiên, sự suy giảm của cả hai chỉ số này được cho là đều xuất phát từ việc giá xăng giảm mạnh thay vì một sự giảm giá trên diện rộng trong nền kinh tế.
Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance, nhận định: “Các dữ liệu này cho thấy, cả lạm phát lẫn chi tiêu tiêu dùng của người dân vẫn đang gia tăng, dù tốc độ có chậm lại. Vì vậy, Fed vẫn cần phải đảo ngược xu hướng này, và bắt đầu quá trình đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%, hoặc ít nhất là dưới 3%”.
Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới lại đang phát đi nhiều tín hiệu giảm tốc. Thị trường nhà đất giảm đặc biệt mạnh và các chuyên gia kinh tế dự báo rằng đà tăng trưởng ấn tượng của thị trường lao động trong vòng một năm rưỡi qua có thể sắp chững lại.
Các nhà đầu tư cũng đã nhận được một loạt cảnh báo từ các doanh nghiệp về tác động từ sự giảm tốc của nền kinh tế. Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, cổ phiếu của Dell đã giảm 13,5% trong khi cổ phiếu của Chipmaker giảm 8,9% sau những thông báo đáng lo ngại về triển vọng doanh thu.
Dẫu vậy, ngay cả khi phải đối mặt với sự giảm tốc hơn nữa, giới chức Fed vẫn sẽ coi chống lạm phát là mối quan tâm hàng đầu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại tỏ ra e ngại đối với quan điểm của chủ tịch Fed. Bryce Doty, Phó chủ tịch cấp cao tại Sit Investment Associates, cho biết: “Thật khó hiểu đối với cách tiếp cận của Fed khi cho rằng chìa khóa để kiểm soát lạm phát là nâng lãi suất đến mức triệt tiêu việc làm. Thị trường lao động có thể đang diễn biến tích cực, nhưng chưa hẳn là hoàn toàn khỏe mạnh”.
Trong khi đó, một số ý kiến khác lại tỏ ra nghi ngờ về sự nhất quán trong những tuyên bố của giới chức Fed. Trước đó, tại hội nghị Jackson Hole hồi năm ngoái, ông Jerome Powell từng nhận định tình hình lạm phát cao tại Mỹ chỉ mang tính nhất thời – một quan điểm sau đó đã được chứng minh là sai lầm. Mới đây, hồi tháng 7, Fed cũng đã phát đi tín hiệu sẽ cẩn trọng hơn với việc tăng lãi suất, dẫn đến những kỳ vọng lạc quan của thị trường.
Nguồn: New York Times, Reuters, Market Watch, AP News, Bloomberg, CNBC
Song Thanh