Phố Wall lo sợ bóng ma cuộc bầu cử George Bush - Al Gore quay trở lại
Một cuộc bầu cử gây tranh cãi có thể dẫn đến bạo động, khiến thị trường chứng khoán lao dốc thảm hại. Nhiều chuyên gia cảnh báo tình hình hiện tại còn phức tạp hơn hồi năm 2000.
"Sự không chắc chắn là kẻ thù của thị trường. Và không có gì thiếu chắc chắn hơn một cuộc chiến hỗn loạn để xác định ai là người đứng đầu nước Mỹ", nhà báo Matt Egan viết trên CNN.
Theo ông Egan, cơn ác mộng đối với Phố Wall là một ứng viên tổng thống không chấp nhận kết quả bầu cử ngày 3/11. Theo cuộc khảo sát của RBC Capital Markets, khoảng 83% nhà quản lý danh mục đầu tư tin rằng một cuộc bầu cử gây tranh cãi sẽ khiến giá cổ phiếu giảm hoặc giảm rất mạnh. Chỉ 2% tin rằng viễn cảnh đó lạc quan đối với cổ phiếu.
"Theo quan điểm của chúng tôi, một cuộc bầu cử gây tranh cãi kéo theo các vụ kiện hoặc kiểm phiếu lại sẽ gây tổn hại đến thị trường", CNN dẫn nhận xét của ông Tobias Levkovich, chiến lược gia trưởng tại Citigroup.
Tình trạng hỗn loạn
Đó là một rủi ro lớn, bởi trong nhiều tháng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng cuộc bầu cử là "gian lận" và nhiều lần từ chối cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình nếu thua ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.
Theo ông Levkovich, việc giá chứng khoán lao dốc trong tuần qua - chỉ số S&P 500 trải qua đợt sụt giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 3 - cho thấy tác động của các cuộc thăm dò ở một số bang chiến trường. Kết quả khảo sát tại các bang này cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Trump vẫn là rất đáng kể.
Trong cuộc đối đầu giữa ông George W. Bush và đối thủ Al Gore hồi năm 2000, chỉ số S%P 500 giảm gần 12% giữa cuộc bầu cử và chạm mức thấp nhất ngày 20/12. Theo CNN, tình hình hiện tại có sự khác biệt lớn với cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2000. Thứ nhất, nước Mỹ ngày nay bị chia rẽ nhiều hơn so với hai thập kỷ trước.
Điều này làm tăng nguy cơ bạo động. Rất có thể những người bức xúc với kết quả bầu cử sẽ tràn ra đường phố. "Rủi ro lớn nhất đối với thị trường là phản ứng dữ dội với bất cứ kết quả nào trong ngày 3/11 và 4/11. Thị trường không thích bạo lực", ông David Kotok, Giám đốc đầu tư tại Cumberland Advisors, nhận xét.
Với lo ngại về tình trạng bất ổn sau bầu cử có thể xảy ra, một số hãng bán lẻ ở thành phố New York và Washington đã rào chắn cửa hàng. "Vào năm 2000, không có tình trạng bất ổn lan rộng cả nước. Lần này, các cuộc biểu tình có thể vượt tầm kiểm soát", ông Greg Valliere, chiến lược gia trưởng tại AGF Investments, nhận định.
Một nhóm chuyên gia theo dõi bạo lực trên khắp thế giới đã đưa ra cảnh báo rằng một nước Mỹ phân cực gay gắt phải đối mặt với "mối nguy hiểm chưa từng có" trước thềm cuộc bầu cử.
"Người Mỹ có thể quên viễn cảnh thực tế rằng tổng thống đương nhiệm có khả năng phủ nhận kết quả bầu cử hoặc bạo lực vũ trang bùng lên", nhóm chuyên gia cảnh báo.
"Yếu tố Trump"
Một cảnh báo đáng lo ngại khác là ông Trump không phải ông Gore. Cuộc kiểm phiếu lại năm 2000 diễn ra để xác định phần thắng thuộc về ông Bush hay ông Gore. Đây là hai chính trị gia chính thống và giàu kinh nghiệm. Không ai nghi ngờ về việc cuối cùn, sẽ có một người chấp nhận thua cuộc.
Ngược lại, Tổng thống Trump đã nhiều lần phá vỡ các quy tắc lịch sử và gây nghi ngại về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử. "Ông Trump nói rõ rằng ông ta sẽ phản đối bất kỳ kết quả nào mà ông không đồng ý", ông Valliere giải thích. "Trong khi đó, ông Gore chấp nhận vì đó là điều đúng đắn phải làm", ông nói thêm.
Thật khó để các nhà đầu tư đánh giá về phản ứng của ông Trump nếu ông thua cuộc. "Ông Trump chưa bao giờ nhượng bộ bất cứ điều gì. 'Yếu tố Trump' là duy nhất trong quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống", ông Kotok bình luận.
Theo CNN, hồi đầu tháng này, ông Jamie Dimon, CEO JPMorgan Chase, cảm thấy cần phải thúc giục tất cả người Mỹ trong cuộc bầu cử này tôn trọng tiến trình dân chủ, đặc biệt là chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.
Tuy nhiên, cũng có một điểm khác biệt lớn nữa so với năm 2000. Không giống thời điểm đó, các nhà đầu tư năm 2020 đã chuẩn bị cho sự hỗn loạn sau bầu cử trong vòng nhiều tháng. "Thị trường có xu hướng không tốt khi bị bất ngờ. Nhưng lần này, mọi người đã dự đoán trước điều đó", ông Randy Frederick, Phó chủ tịch Giao dịch và Phái sinh tại Charles Schwab, nhận xét.
Các nhà đầu tư có thể ăn mừng vì tránh được cơn ác mộng nếu có một chiến thắng rõ ràng vào ngày 3/11. "Thị trường có khả năng tăng vọt khi kết quả bầu cử được công bố. Đà tăng được duy trì và có ý nghĩa quan trọng. Và nó sẽ diễn ra trên toàn thế giới bởi sự không chắc chắn đã được giải tỏa", ông Kotok nhận xét.
Ông Nicholas Colas, nhà đồng sáng lập DataTrek Research, bày tỏ sự lạc quan rằng cuộc bầu cử sẽ được sắp xếp ổn thỏa, giống tất cả cuộc bầu cử trước đó. "Đất nước đã có hơn 200 năm lịch sử chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ kết thúc vào ngày 4/11/2020", ông nhấn mạnh.