Phố Wall phản ứng tích cực trong ngày bầu cử Mỹ
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang duy trì được sự ổn định, tuy nhiên, giới đầu tư cũng đang cẩn trọng trước khả năng biến động trong tuần này khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang diễn ra cực kỳ gay cấn…
Chỉ số Dow Jones tăng 427,28 điểm (+1,02%) lên 42.221,88 điểm, S&P 500 thêm 70,07 điểm (+1,23%) thành 5.782,76 điểm và Nasdaq Composite leo 259,19 điểm (+1,43%) đạt 18.439,17 điểm.
Công nghiệp và tiêu dùng không thiết yếu, với các mức tăng lần lượt là 1,67% và 1,83%, là hai lĩnh vực có thành tích tốt nhất trong 11 nhóm ngành thuộc S&P.
Những cổ phiếu hưởng lợi nhờ chiến thắng của cựu Tổng thống Donald Trump đã có những biến động lớn, với Trump Media & Technology Group có lúc tăng 18,64%, rồi giảm 8,42%, và thậm chí còn có lúc bị ngừng giao dịch vì quá tải. Cuối phiên, cổ phiếu này đã đóng cửa giảm 1,16%.
Các cổ phiếu liên quan đến tiền điện tử cũng theo chân đà tăng trưởng của Bitcoin, khi đồng tiền số giá trị nhất thế giới này tăng khoảng 3%.
Thị trường đang dồn mọi sự chú ý đến bầu cử Mỹ, với kết quả có thể mất vài ngày để xác định, đặc biệt là khi các cuộc thăm dò gần đây cho thấy cuộc đua giữa ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris đang diễn ra hết sức gay cấn và khó đoán định.
Các nhà đầu tư cũng đang chú ý đến tình hình bầu cử Quốc hội Mỹ để xác định sự cân bằng quyền lực tại Washington. Nhiều phân tích dự đoán một chính phủ được phân chia đồng đều giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ sẽ hạn chế khả năng của Tổng thống trong việc thực thi những thay đổi chính sách quan trọng.
Biến động cũng được ghi nhận trên thị trường trái phiếu. Cụ thể, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm tăng hơn 0,1 điểm phần trăm lên mức cao nhất là 4,366% nhưng sau đó lại giảm 0,02 điểm phần trăm vào cuối ngày.
Các dữ liệu kinh tế khác vào thứ Ba cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ đã đạt mức cao nhất trong hơn hai năm vào tháng 9, do nhu cầu tiêu dùng trong nước thúc đẩy nhập khẩu, trong khi những lo ngại về thuế quan cao hơn dưới thời ông đã khiến các doanh nghiệp tăng tốc nhập khẩu trước.
Ngoài ra, báo cáo từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho thấy, chỉ số PMI phi sản xuất đã tăng lên 56,0 điểm trong tháng 10, mức cao nhất kể từ tháng 8/2022.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng sẽ có cuộc họp chính sách vào ngày 6-7/11. Gần như tất cả thị trường đều đặt cược vào khả năng Fed cắt giảm 0,25 điểm phần trăm, nhưng triển vọng về lộ trình tiếp theo vẫn chưa rõ ràng.
Chỉ số Biến động CBOE (VIX), hay còn được gọi là thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall, đóng cửa ở mức 20,49 điểm, vẫn cao hơn mốc trung bình dài hạn là 19,46 điểm, mặc dù đã giảm từ kỷ lục gần hai tháng trước đó là 23,42 điểm.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 12,64 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 11,77 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên giao dịch vừa qua.
GIÁ DẦU TĂNG GẦN 1%
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã tăng trong phiên giao dịch thứ Ba khi có lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung tại Mỹ do cơn bão nhiệt đới Rafael đang tiến về Vịnh Mexico.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 0,6% lên 75,53 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI tăng 0,7% lên 71,99 USD/thùng.
Bão nhiệt đới Rafael có thể trở thành bão cấp 2, có khả năng làm gián đoạn khoảng 4 triệu thùng dầu sản xuất tại Mỹ trong tuần này. Các công ty năng lượng lớn đã có các biện pháp chuẩn bị, đóng cửa sản xuất ngoài khơi và di tản công nhân.
Thị trường cũng đang chờ đợi thêm tín hiệu từ diễn biến bầu cử Tổng thống Mỹ. Các thăm dò gần đây cho thấy cuộc đua giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris đang rất sít sao, do đó kết quả rõ ràng vẫn chưa thể xác định.
Sau bầu cử, sự chú ý trong tuần này cũng sẽ chuyển sang cuộc họp chính sách tháng 11 của Fed.
Cả hai sự kiện quan trọng nêu trên dự kiến sẽ cung cấp thêm tín hiệu về nhu cầu năng lượng tại quốc gia tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới, đặc biệt khi nhu cầu dự kiến sẽ giảm khi mùa đông đến gần.