Phố Wall tiếp tục ảm đạm; Dầu giảm do lo ngại về nhu cầu
Chỉ số Nasdaq Composite giảm sâu vào thứ Năm (26/10) khi Meta trở thành công ty công nghệ mới nhất đưa ra dự báo không như mong đợi của các nhà đầu tư. Giá dầu giảm sau khi dự trữ dầu thô của Mỹ tăng báo hiệu nhu cầu suy yếu và lo ngại về triển vọng kinh tế.
Nasdaq giảm giảm sâu vào vùng điều chỉnh
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Nasdaq Composite mất 1,76%, đóng cửa dưới mức trung bình động 200 ngày, xuống mức 12.595,61. S&P 500 giảm 1,18% còn 4.137,23. Trong khi, chỉ số Dow Jones trượt 251,63 điểm, tương đương 0,76% xuống 32.784,30. Tại phiên giao dịch hôm thứ Năm, S&P 500 đã rơi vào vùng điều chỉnh ở mức thấp nhất trong ngày - và kết phiên giảm gần 10% so với mức đóng cửa cao nhất được ghi nhận vào tháng 7.
Sau khi giảm 2,4% vào thứ Tư, Nasdaq Composite hiện chính thức nằm trong vùng điều chỉnh, sụt hơn 10% so với mức đóng cửa cao nhất trong năm vào tháng 7.
Meta, công ty mẹ của Facebook, đã đánh bại doanh thu và lợi nhuận trong quý 3. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng lo lắng về việc kiểm soát chi phí với bộ phận Reality Labs của công ty, bộ phận đã lỗ 3,7 tỷ USD trong suốt quý. Cổ phiếu Meta giảm 3,7%.
Động thái này diễn ra sau phiên giao dịch tàn khốc vào thứ Tư, một phần được thúc đẩy bởi sự sụt giảm 9,5% của Alphabet, công ty mẹ của Google. Cổ phiếu hạng A của Alphabet đã trải qua ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020 sau khi công ty báo cáo doanh thu từ mảng Google Cloud thấp hơn ước tính của nhà phân tích.
Chỉ số Nasdaq đã ghi nhận ngày tồi tệ nhất kể từ ngày 21/2. Sự điều chỉnh kể từ mùa hè này được thúc đẩy bởi lợi suất trái phiếu tăng vọt với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm có thời điểm trong tháng này vượt qua 5%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm 10 điểm cơ bản xuống 4,84% vào thứ Năm, nhưng điều đó không ngăn được làn sóng bán tháo trên thị trường.
Thị trường không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào từ báo cáo tổng sản phẩm quốc nội quý 3, vốn mạnh hơn nhiều so với dự kiến. GDP của Hoa Kỳ tăng trưởng ở mức 4,9% hàng năm từ tháng 7 đến tháng 9, trong khi các nhà kinh tế được Dow Jones thăm dò dự báo là 4,7%.
Triển vọng kinh tế ảm đạm hơn kỳ vọng
Khép phiên, dầu thô Brent kỳ hạn giảm 1,92 USD, tương đương 2,1%, xuống 88,21 USD/thùng. Dầu thô WTI của Hoa Kỳ hạ 1,93 USD, tương đương khoảng 2,26%, còn 83,46 USD/thùng.
Hợp đồng dầu chuẩn đã cao hơn gần 2% vào thứ Tư. Nhưng đảo chiều rút lui sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin rằng Israel đã đồng ý trì hoãn cuộc xâm lược Gaza dự kiến cho đến khi các hệ thống phòng không của Mỹ có thể được triển khai trong khu vực.
Những lo ngại về sự lan tỏa trong cuộc xung đột, có thể lôi kéo Iran và các đồng minh trong khu vực, đã hỗ trợ giá dầu trong những tuần gần đây, nhưng sự lo lắng cũng khiến các nhà đầu tư tránh xa các tài sản rủi ro.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ quay trở lại mức 5% vào thứ Năm, kéo cổ phiếu trên toàn thế giới xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng.
Ngoài ra, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần 2 năm vào quý 3, làm tăng kỳ vọng rằng Fed sẽ giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn.
Cũng gây áp lực lên giá dầu là tồn kho dầu thô của Mỹ tăng trong tuần gần nhất, cho thấy nhu cầu suy yếu.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng, tồn kho tăng 1,4 triệu thùng lên 421,1 triệu thùng, vượt mức tăng 240.000 thùng mà các nhà phân tích dự đoán từ cuộc thăm dò của Reuters.
Dữ liệu EIA cho thấy công suất lọc dầu thô ở Mỹ giảm 207.000 thùng/ngày, trong khi tỷ lệ sử dụng nhà máy lọc dầu cũng giảm 0,5 điểm phần trăm xuống 85,6% tổng công suất.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết “có vẻ như với nhập khẩu ròng của Mỹ cao hơn và hoạt động lọc dầu vẫn thấp hơn, có thể có một đợt tăng khác vào tuần tới."
Những lo ngại về kinh tế vĩ mô đè nặng lên triển vọng nhu cầu dầu sau khi dữ liệu hoạt động kinh doanh khu vực đồng euro bất ngờ sụt giảm trong tháng này.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã giữ nguyên lãi suất như dự kiến vào thứ Năm, chấm dứt chuỗi 10 lần tăng lãi suất liên tiếp chưa từng có và duy trì hướng dẫn ngụ ý chính sách ổn định phía trước.