Phổ Yên chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di tích

Những năm qua, công tác quản lý, tôn tạo các di tích được địa phương chú trọng, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị của các di tích, giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau...

Lễ hội đền Lục Giáp (ở phường Đắc Sơn, TP. Phổ Yên) đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Được dự Lễ hội đền Lục Giáp, ở phường Đắc Sơn (TP. Phổ Yên), tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng Ba âm lịch vừa qua, chúng tôi thêm hiểu về những giá trị lịch sử - văn hóa được lưu giữ tại ngôi đền. Lễ hội được địa phương tổ chức hằng năm, nhằm bảo tồn phong tục truyền thống của làng quê; tri ân các bậc tiền nhân có công dựng làng, đánh giặc bảo vệ quê hương. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa của nhân dân, mới đây, đền Lục Giáp đã được tu bổ, tôn tạo các hạng mục: nhà tiền tế, hậu cung, nhà tả vu - hữu vu, nhà điện mẫu... với kinh phí trên 23 tỷ đồng.

Tháng 4-2024, Lễ hội đền Lục Giáp được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trên cơ sở này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với TP. Phổ Yên xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Lễ hội. Trong đó tập trung vào các nội dung: khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin về Lễ hội; tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy phương pháp, kỹ năng bảo tồn lễ hội; sản xuất phim tài liệu phục vụ công tác bảo tồn… Đây là việc làm ý nghĩa, góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, trao truyền và phát huy giá trị của di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Theo ông Thái Văn Đạt, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Phổ Yên: Địa phương hiện có 8 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 41 di tích cấp tỉnh và hơn 20 di tích chưa được xếp hạng. Hàng năm, UBND thành phố đều chỉ đạo phòng chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, tư vấn pháp luật về công tác quản lý nhà nước, nhằm bảo tồn, phát huy di sản, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Đồng thời phối hợp tổ chức các hoạt động gắn liền với quảng bá di tích, như: tổ chức vinh danh, ca ngợi giá trị truyền thống lịch sử, cảnh đẹp của di tích tại các buổi lễ đón bằng xếp hạng di tích tại địa phương; đưa các chương trình thực tế ngoại khóa của học sinh tại di tích lịch sử trên địa bàn.

Cùng với đó, địa phương tăng cường phối hợp kiểm tra các trường hợp vi phạm về quản lý, bảo tồn di tích lịch sử, qua đó kịp thời chấn chỉnh các trường hợp vi phạm, đảm bảo các điều kiện hoạt động đúng mục đích và tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thành đoàn Phổ Yên, thông tin: Nhằm quảng bá hình ảnh, thông tin các di tích lịch sử trên địa bàn, từ năm 2023 đến nay, Thành đoàn đã xây dựng 12 điểm quét mã QR, tạo điều kiện cho người dân, khách du lịch tiếp cận thông tin nhanh, đầy đủ và sinh động hơn. Cùng với đó, công tác giáo dục truyền thống cho thanh, thiếu niên được các cơ sở đoàn đẩy mạnh, đặc biệt là vào các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước, gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội trại truyền thống...

Ngoài việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá các di tích, TP. Phổ Yên cũng tăng cường phối hợp rà soát, đánh giá thực trạng các di tích để có kế hoạch trùng tu, tôn tạo phù hợp, kịp thời. Cùng với sử dụng nguồn ngân sách địa phương, giai đoạn 2021-2023, thành phố đã vận động xã hội hóa hàng trăm tỷ đồng nhằm tăng “tuổi thọ” cho di tích.

Đình Thanh Thù (ở phường Đồng Tiến, TP. Phổ Yên) đang được trùng tu, tôn tạo với kinh phí trên 28 tỷ đồng.

Điển hình như Dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo đền thờ vua Lý Nam Đế; Điểm di tích lịch sử cách mạng nhà ông Ngô Hải Long, tổ dân phố Yên Trung 2 và Điểm di tích lịch sử cách mạng nhà bà Lưu Thị Phận, tổ dân phố Ao Cả, đều ở phường Tiên Phong… Các di tích được trùng tu, tôn tạo bảo đảm nguyên gốc của di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tấn Đức (TP. Phổ Yên), cho biết: Trước tình trạng xuống cấp của di tích lịch sử cấp tỉnh đình Thanh Thù, phường Đồng Tiến, mới đây, đơn vị đã đầu tư trên 28 tỷ đồng để tôn tạo, với các hạng mục: Nghi môn; tiền tế - ống muống - hậu cung; nhà tả - hữu mạc; tả - hữu môn; nhà bia; nhà hóa vàng; hệ thống hạ tầng kỹ thuật... Dự kiến công trình được hoàn thành vào cuối năm 2024 và bàn giao cho UBND TP. Phổ Yên quản lý theo quy định.

Nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của các di tích lịch sử - văn hóa, thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị các di tích. Đồng thời nâng cao vai trò quản lý nhà nước, xây dựng quy chế quản lý di tích lịch sử - văn hóa phù hợp thực tế, đảm bảo hiệu quả; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư tôn tạo, gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202405/pho-yen-chu-trong-bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-tich-4443324/