Phối hợp bảo vệ rừng giáp ranh tỉnh
Một trong khu vực rừng khó quản lý và bảo vệ là vùng rừng giáp ranh giữa các tỉnh, vì 'cha chung không ai khóc' như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh. Với 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai, sau hơn 2 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai Đội Kiểm lâm cơ động (KLCĐ) và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), tháng 9/2019, hai Chi cục Kiểm lâm chính thức ký kết Quy chế phối hợp để chung tay quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR).
Lâm Đồng và Đồng Nai có vùng giáp ranh gồm 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên tỉnh Lâm Đồng với huyện Tân Phú tỉnh Đồng Nai. Khu vực này có hệ động vật quý hiếm, từng tồn tại cá thể cuối cùng của loài Tê giác Đông Nam Á và hiện còn những loài khác như Vượn đen má vàng, Gấu… có giá trị cao về bảo tồn. Vùng giáp ranh đặc biệt còn có loài cá Sấu nước ngọt sinh sống. Cùng đó, hệ thực vật rừng phong phú, đa dạng, nhiều loài quý, hiếm như Cẩm lai, Gõ, Giáng hương, Sao, Dầu… Đây là trạng thái rừng khộp và xen lẫn những dải rừng lá rộng thường xanh. Trong lúc, hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy ở vùng giáp ranh rất thuận lợi, lượng người di chuyển nhiều; nhu cầu sử dụng lâm sản và đất sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng. Vì thế, khu vực rừng giáp ranh luôn tiềm ẩn nguy cơ bị tác động. Phía Lâm Đồng, khu vực giáp ranh thuộc lâm phần quản lý của 2 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh, Đạ Huoai; diện tích rừng do Hạt Kiểm lâm Cát Tiên quản lý giáp ranh với vùng lõi Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên và xã Đăk Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Phía Đồng Nai, khu vực giáp ranh thuộc lâm phần quản lý của VQG Cát Tiên, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú. Dân cư khu vực giáp ranh đa số dân kinh tế mới từ những năm 1980 đan xen với đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Hầu hết sinh sống bằng nghề nông, cuộc sống nhiều khó khăn. Đây là lý do nhiều người còn dựa vào khai thác lâm sản, đặc biệt lâm sản ngoài gỗ như tre, lồ ô, le tép đang được khai thác để đan lát và làm hương.
Ngày 12/4/2017, hai Đội KLCĐ và PCCCR thuộc 2 Chi cục Kiểm lâm hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai ký kết Quy chế phối hợp số 43 nhằm nâng cao hiệu quả công tác QLBVR. Theo đó, 2 bên đã thực hiện được khá nhiều công việc thiết thực. Ví dụ, năm 2018 và 7 tháng đầu năm 2019, kiểm lâm địa bàn, Ban Lâm nghiệp xã Đạ Lây phối hợp cùng Trạm Kiểm lâm Đạ Lắc, VQG Cát Tiên tổ chức 5 buổi tuyên truyền với 210 lượt người tham dự, ký 73 bản cam kết. Hạt Kiểm lâm lồng ghép các buổi giao ban các Ban Lâm nghiệp xã, tổ chức phát tờ rơi, tuyên truyền cho các hộ nhận khoán BVR theo dịch vụ chi trả môi trường rừng… Hai bên phối hợp tổ chức tuần tra truy quét vùng rừng giáp ranh giữa Hạt Kiểm lâm Đạ Tẻh, Trạm Kiểm lâm Đạ Cộ, Trạm Kiểm lâm Đạ Lắc. Phối hợp với Trung tâm cứu hộ Linh trưởng VQG Cát Tiên thả 1 cá thể Khỉ đuôi dài, 1 cá thể Mèo rừng và 2 cá thể Cheo cheo về môi trường tự nhiên. Về xử lý vi phạm, riêng Lâm Đồng, năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị kiểm lâm đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 17 vụ vi phạm, thu tiền xử phạt nộp ngân sách nhà nước hơn 92 triệu đồng, tịch thu gần 19,7 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ, 1 ô tô và 3 xe máy. Phía Đồng Nai, năm 2018, phát hiện 69 vụ vi phạm (xử lý hình sự 3 vụ); thu nộp ngân sách gần 193 triệu đồng; tịch thu gần 20,0 m3 gỗ xẻ, gỗ tròn và 2 cá thể động vật rừng…
Để công tác QLBVR vùng giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng - Đồng Nai ngày càng hiệu quả hơn, ngành Kiểm lâm hai tỉnh cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và phối hợp chặt chẽ. Cụ thể, Hạt Kiểm lâm các huyện phối hợp lực lượng công an triển khai xây dựng kế hoạch kiểm tra xóa bỏ các tụ điểm mua, bán, cất giữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, các hành vi vi phạm về quản lý bảo vệ động vật hoang dã, xử lý các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp. Mặt khác, lực lượng kiểm lâm địa bàn phối hợp các đơn vị chủ rừng tăng cường tuần tra, truy quét, mai phục, nắm bắt thông tin để ngăn chặn, phát hiện các hành vi phá rừng, khai thác vận chuyển, mua bán, kinh doanh lâm sản trái phép để kịp thời xử lý nghiêm…
Từ tháng 9/2019, hai Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đồng Nai đã chính thức ký kết Quy chế phối hợp công tác QLBVR giáp ranh. Đây là hành lang pháp lý, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để bảo vệ và phát triển vùng rừng của mỗi bên.
Hoạt động phối hợp được hai bên thảo luận và thống nhất từng nội dung làm cơ sở pháp lý triển khai. Đó là tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm BVR, PCCCR trong cộng đồng. Tổ chức tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp ngay từ khi vụ việc mới phát sinh và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Mặt khác, hướng dẫn, giám sát các chủ rừng thực hiện các phương án, kế hoạch BVR, sử dụng rừng đúng quy định; tham gia chữa cháy rừng khi được huy động. Hai bên phối hợp lập hồ sơ, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực QLBVR và quản lý lâm sản; thường xuyên trao đổi thông tin về công tác QLBVR và phát triển rừng cho nhau để vừa chia sẻ kinh nghiệm, vừa đánh giá và lập phương án phối hợp nhịp nhàng. Đồng thời, hai ngành Kiểm lâm Lâm Đồng, Đồng Nai cùng hỗ trợ lực lượng, phương tiện trong công tác BVR và PCCCR… Chi cục Kiểm lâm hai tỉnh giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các huyện, xã vùng giáp ranh trong việc huy động lực lượng, tích cực tham gia, hỗ trợ lực lượng trong trường hợp cấp bách hoặc truy quét vùng giáp ranh khi có yêu cầu của đoàn kiểm tra, truy quét…
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/phapluat/201909/phoi-hop-bao-ve-rung-giap-ranh-tinh-2965538/