Phối hợp đào tạo nhân lực ngành bán dẫn

Nhà nước - doanh nghiệp - nhà trường đang phối hợp hiệu quả trong việc đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn và đóng vai trò then chốt trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực này trong tương lai

Phát biểu tại tọa đàm "Phát huy vai trò của doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn" do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC) tổ chức ngày 9-8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam xác định cần phải ưu tiên đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết để bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu mà còn là bước đi chiến lược nhằm xây dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn.

Cần xây dựng các cơ chế đặc thù

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ KH-ĐT đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ "Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050", xác định mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn đến năm 2030. Bộ trưởng cũng nhắc đến việc ngày 5-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó, Bộ KH-ĐT được giao nhiệm vụ làm cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. "Đây là những bước đi rất chủ động của bộ nhằm phát triển hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn" - Bộ trưởng nêu.

Để tạo những bước đi vững chắc trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian qua, NIC phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế để xây dựng các chương trình đào tạo thiết kế vi mạch là bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước làm chủ công nghệ của người Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là một giải pháp quan trọng để phát huy khâu đột phá về giá trị con người Việt Nam trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Tại tọa đàm, các bên liên quan đều kiến nghị Chính phủ sớm thông qua "Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050".

Dưới góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nhấn mạnh địa phương quyết tâm kiến tạo môi trường thuận lợi để DN tham gia phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở TP Đà Nẵng không phải là phong trào, mà đã được địa phương này xác định trong suốt 20 năm qua, coi lĩnh vực công nghệ cao là động lực phát triển cho thành phố. Ngày 26-1-2024, Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo tại TP Đà Nẵng đã chính thức đi vào hoạt động. Trung tâm này được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là đơn vị đầu tiên tổ chức các hoạt động hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu, đào tạo và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực vi mạch và trí tuệ nhân tạo của cả nước. "Ngay sau khi thành lập, trung tâm đã ký kết 2 hợp tác chiến lược với Tập đoàn Synopsys và Tập đoàn Intel để triển khai hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo cho thành phố" - ông Quảng nói.

Để kiến tạo môi trường thuận lợi cho DN tham gia, ông Nguyễn Văn Quảng cho biết TP Đà Nẵng đã và đang xây dựng các chính sách vượt trội để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, trong đó có cơ chế ưu đãi về thuế, cho thuê tài sản kết cấu hạ tầng không thông qua đấu giá. "Thành phố đã nghiên cứu, thảo luận hợp tác với các tập đoàn Viettel, Synopsys, Intel, Sovico để kêu gọi DN cùng đầu tư, khai thác, vận hành các cơ sở hạ tầng quan trọng này. Đây là nền tảng cơ bản cho công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn liền với thực hành mô phỏng và trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu của DN" - ông Quảng dẫn chứng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và ông Jensen Huang, Chủ tịch Tập đoàn sản xuất chip NVIDIA (Mỹ), tại một buổi làm việc về ngành bán dẫn vào cuối năm 2023Ảnh: Minh Phong

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và ông Jensen Huang, Chủ tịch Tập đoàn sản xuất chip NVIDIA (Mỹ), tại một buổi làm việc về ngành bán dẫn vào cuối năm 2023Ảnh: Minh Phong

Gắn kết nhà trường - doanh nghiệp

Tại tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh mô hình liên kết: Nhà nước - nhà DN - nhà trường rất quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn. Quá trình xây dựng chương trình, tuyển chọn học viên, tổ chức đào tạo và thực hành cần được thực hiện trên cơ sở liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa trường học và DN, kết hợp giữa lý thuyết với thực hành. "Sự hợp tác giữa Chính phủ - viện, trường - DN mà chúng ta đang chứng kiến ngày hôm nay chính là đòn bẩy cho sự phát triển và đổi mới chưa từng có trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Về phía nhà trường như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập, ông Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết đã xác định mục tiêu phát triển ĐHQG TP HCM thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Á trong lĩnh vực đào tạo công nghệ bán dẫn, góp phần bảo đảm nguồn nhân lực cho nền kinh tế và xã hội số ở Việt Nam. Thời gian qua, ĐHQG TP HCM đã mở mới 7 chương trình đào tạo, tăng 62% chỉ tiêu tuyển sinh liên quan đến ngành bán dẫn. DN sẽ giúp các trường đổi mới chương trình đào tạo và quan trọng hơn là tiếp nhận sinh viên thực tập, hợp tác nghiên cứu, hợp tác đào tạo theo đơn đặt hàng, chuyển giao công nghệ. Song việc này trên thực tế chưa được thúc đẩy, nên cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để tăng cường mối gắn kết này.

Ông Vũ Hải Quân cũng thừa nhận đội ngũ nhân lực để tham gia giảng dạy, đào tạo sinh viên ngành bán dẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn gặp khó trong giải quyết các "đề bài" mà phía DN đưa ra. Giám đốc ĐHQG TP HCM cho rằng đối với một lĩnh vực lớn và quan trọng như bán dẫn, thay vì để các trường đại học tự đầu tư kinh phí với nguồn lực hạn hẹp, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và rót kinh phí mạnh mẽ hơn. Phần lớn các trường đại học đang thực hiện cơ chế tự chủ, do đó để đột phá trong đào tạo nhân lực là rất khó.

Về phía DN, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, nhấn mạnh chưa bao giờ sự vào cuộc của Nhà nước - nhà DN - nhà trường trong đào tạo nhân lực ngành bán dẫn lại mạnh mẽ như thời gian qua. "3 nhà" đã nỗ lực, miệt mài với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghệ quan trọng này. Với FPT, DN đã và đang phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học để triển khai các khóa đào tạo, chương trình đào tạo nhân lực ngành bán dẫn. Ông Bình cho biết nhu cầu về nhân lực cho ngành bán dẫn là rất lớn ở các nước trên thế giới và thế hệ trẻ của Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để làm việc trong lĩnh vực này.

Kiến nghị thành lập quỹ hỗ trợ

Để hoàn thiện công tác đào tạo, phát triển nhân lực, ông Nguyễn Văn Quảng kiến nghị Bộ KH-ĐT sớm trình Chính phủ ban hành Chiến lược về phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn, phân bổ các nguồn lực thích hợp, tập trung tạo điều kiện cho các địa phương có thế mạnh, trong đó có TP Đà Nẵng. Bên cạnh đó, sớm có phương án đầu tư trung tâm phục vụ công nghiệp bán dẫn quốc gia tại TP Hà Nội, TP HCM và TP Đà Nẵng để hỗ trợ kịp thời cho các DN bán dẫn đầu tư tại Việt Nam. Ông cũng kiến nghị có cơ chế thành lập các quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn cấp quốc gia để hỗ trợ các địa phương, trong đó có TP Đà Nẵng. Có cơ chế thu hút các tập đoàn quốc tế hỗ trợ hệ sinh thái bán dẫn của Việt Nam.

Đào tạo nhiều sinh viên cho doanh nghiệp trong nước

Trong khuôn khổ sự kiện, đã diễn ra lễ bế giảng chương trình "Thiết kế vật lý vi mạch VLSI Cơ bản" - khóa đào tạo thiết kế vi mạch chuyên sâu do NIC phối hợp với Tập đoàn FPT, Tổ chức Tresemi (Mỹ), Tập đoàn Cadence (Mỹ), cùng sự hỗ trợ của các trường đại học tổ chức. Chương trình đào tạo tuyển chọn được hơn 70 học viên xuất sắc từ các trường đại học lớn trên cả nước để cấp học bổng và tham gia chương trình đào tạo. Theo đánh giá của các chuyên gia, các học viên tốt nghiệp chương trình đều có thể tham gia hoạt động tại DN. Hiện đã có gần 20 học viên được nhận vào làm việc tại các tập đoàn lớn về thiết kế vi mạch như Marvell, Synopsys, FPT, Faraday, Samsung...

MINH CHIẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phoi-hop-dao-tao-nhan-luc-nganh-ban-dan-196240809195149546.htm