Phối hợp giải quyết tranh chấp tín dụng
Giải quyết tranh chấp liên quan tín dụng ngân hàng tại Tòa án nhân dân (TAND), còn nhiều vướng mắc, bất cập cần sớm được tháo gỡ, góp phần xử lý nợ xấu, nợ tồn đọng... của các TCTD...
Đây là quan điểm của nhiều đại biểu tại Hội thảo Thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến tín dụng ngân hàng tại Tòa án nhân dân, do Hiệp hội Ngân hàng (HHNH), Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) vừa phối hợp tổ chức tại Quảng Nam.
Dự hội thảo có ông Đoàn Thái Sơn - Phó Thống đốc NHNN, bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, ông Dương Văn Thăng - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự trung ương, ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng thư ký HHNH...
Nhiều vướng mắc, bất cập
Phát biểu tại hội thảo, nhiều đại biểu ghi nhận TANDTC đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các tranh chấp về hợp đồng tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được hoàn thiện. Trong đó, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành lang pháp luật về xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, trên thực tế cùng với sự gia tăng về số lượng, tính chất phức tạp của các tranh chấp, thì việc xét xử những tranh chấp liên quan đến tín dụng ngân hàng, cũng đang phát sinh nhiều bất cập, hạn chế... ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký HHNH cho biết, quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có nguyên nhân liên quan đến việc khởi kiện và quá trình giải quyết của tòa án các cấp. Cụ thể, về thời hạn giải quyết vụ án, Bộ Luật tố tụng Dân sự đã quy định cụ thể về thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự, kinh doanh thương mại.
Tuy nhiên, thực tế quá trình giải quyết tại tòa án thường kéo dài hơn so với quy định. Thời gian xử lý kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của TCTD, tạo cơ hội để những đối tượng khách hàng chây ì có cơ sở để kéo dài sự bất hợp tác. Thậm chí, có trường hợp tạo những tranh chấp giả, cố tình gây khó khăn cho ngân hàng.
Hoặc có trường hợp Tòa án yêu cầu TCTD phải cung cấp tài liệu liên quan đến địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…; nếu không cung cấp được thì tòa sẽ trả lại đơn khởi kiện. Tuy nhiên, cái khó của TCTD là nhiều trường hợp không thể cung cấp được những tài liệu này do bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình trốn tránh, hoặc có nhiều nơi cư trú khác nhau.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thành Long - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bên thứ ba bảo đảm cho khách hàng vay vốn là giao dịch hợp pháp, tự nguyện; hợp đồng thế chấp được công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đối với vấn đề này, có vụ việc Tòa án cho rằng phải gọi là hợp đồng bảo lãnh và tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu, khiến khoản vay từ có tài sản bảo đảm chuyển thành khoản vay không có tài sản bảo đảm, ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi của TCTD...
Bên cạnh, những khó khăn trên, tại hội thảo, đại diện của các TCTD còn đưa ra nhiều vướng mắc, bất cập khác, xung quanh thẩm quyền giải quyết tranh chấp của tòa án, vai trò quyền lợi bên thứ ba, xác minh tài sản bảo đảm, giao nộp tài liệu chứng cứ, án phí, đến thi hành án...
Tăng cường công tác phối hợp
Liên quan đến giải quyết tranh chấp tín dụng ngân hàng, không chỉ có TCTD lao đao, mà ngay cả Tòa án cũng gặp khó. Ông Lê Tự - Chánh tòa Tòa Kinh tế, TAND cấp cao tại TP. Đà Nẵng cho rằng, thực tiễn xét xử các vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng trong thời gian qua cho thấy, việc tống đạt các văn bản tố tụng gặp khó do đương sự cố tình trốn tránh, từ chối nhận giấy triệu tập hoặc thay đổi nơi ở liên tục. Đặc biệt các vụ án có yếu tố nước ngoài lại càng phức tạp hơn.
Tương tự, doanh nghiệp dù đã ngừng hoạt động nhưng không tiến hành thủ tục giải thể, không biết địa chỉ của người quản lý, đại diện pháp luật, dẫn tới việc giải quyết vụ án gặp khó khăn; hoặc, tài sản bảo đảm là hàng hóa trong kho, khi tòa án giải quyết tranh chấp, tiến hành thẩm định thì đa phần bên quản lý tài sản đã bán hoặc đưa vào sản xuất nên không còn hàng hóa là bảo đảm cho khoản vay...
Bên cạnh những yếu tố khách quan, còn có sự chủ quan của các bên liên quan, khiến việc giải quyết tranh chấp liên quan đến tín dụng ngân hàng thêm phần khó. Trong một số trường hợp TCTD còn có những sai sót trong quá trình cho vay, như cán bộ tín dụng xem xét hiện trạng và xác định giá trị tài sản bảo đảm còn chưa đầy đủ, thiếu chính xác, nhầm lẫn; hoặc khi ký kết hợp đồng thế chấp tài sản để bảo đảm cho khoản vay là quyền sử dụng đất của hộ gia đình, chưa yêu cầu đầy đủ những người có quyền sử dụng đất chung với hộ gia đình ký hợp đồng thế chấp...
Trong khi quy định pháp luật vẫn còn những lỗ hổng, công tác xét xử, thi hành án còn bất cập. Những vướng mắc, bất cập này đang là vấn đề “nóng”, cần sớm được tháo gỡ. Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cho biết, thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật nói chung, pháp luật về tín dụng ngân hàng, pháp luật về dân sự, kinh doanh thương mại nói riêng...
Theo đó, trên cơ sở các vướng mắc được nêu tại hội thảo và những ý kiến trao đổi của các đại biểu, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao sẽ nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn cụ thể giải quyết một số vướng mắc trong giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng.
Bên cạnh đó, tổ chức tọa đàm, hội thảo, tập huấn cho các thẩm phán và thư ký pháp luật về tín dụng ngân hàng, pháp luật về giao dịch bất động sản, xử lý tài sản là nợ xấu; phát triển án lệ. Đặc biệt, sẽ tăng cường công tác phối hợp giữa Tòa án Nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp… cùng xem xét tháo gỡ những bất cập trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tín dụng ngân hàng.
Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn: Trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã có nhiều nỗ lực trong vấn đề giải quyết nợ xấu. Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ, đồng thời tăng cường kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh. Đến nay, việc xử lý nợ xấu đã có những kết quả hết sức khả quan. Xử lý được nợ xấu có ý nghĩa lớn, góp phần khơi thông nguồn lực xã hội, đưa nguồn lực bị đóng băng góp phần trở lại phát triển KT-XH... Tại hội thảo này, ngành Ngân hàng đã trình bày những vướng mắc, cùng đại biểu Tòa án các cấp trao đổi lại thực trạng xử lý hiện nay. Trên cơ sở đó rút ra được nguyên nhân thực sự, đồng thời đưa ra hướng xử lý vướng mắc; kiến nghị sửa đổi các quy định liên quan, hướng dẫn thực hiện rõ hơn để từ đó đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, khơi thông dòng vốn phục vụ cho sự phát triển KT-XH...
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/phoi-hop-giai-quyet-tranh-chap-tin-dung-93058.html