Phối hợp hành động toàn cầu chặn đứng dịch Covid-19
Dịch Covid-19 là một thảm kịch của nhân loại khi nó lan rộng, mỗi ngày trên toàn cầu, tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của các quốc gia, với diễn biến phức tạp, khó lường.
Muốn chặn đứng và chiến thắng dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường, không chỉ đoàn kết trong mỗi nước, mà toàn thế giới phải trở thành khối đại đoàn kết.
Phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ngày 30-3, kêu gọi đoàn kết, cùng nỗ lực để chiến thắng đại dịch, đã chỉ rõ yếu tố đoàn kết quốc tế: "Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ, cảm thông sâu sắc và đang hết sức cố gắng, nỗ lực hợp tác thiết thực, phối hợp kịp thời với các nước, nhất là các nước bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tôi cho rằng, trong tình hình hiện nay, sự đoàn kết và phối hợp hành động toàn cầu là cơ sở bảo đảm chắc chắn cho chiến thắng cuối cùng của thế giới trước đại dịch này".
Tính trước các kịch bản xấu
Nhìn vào thực tế, cho dù có chiến thắng dịch bệnh trong vài tuần hay vài tháng tới đây thì vẫn hệ lụy trên mọi lĩnh vực là không thể tránh khỏi. Vì thế, từ lúc đang còn phải chống dịch, chúng ta vẫn cần phải nhìn xa, trông rộng, đánh giá hết sự tác động từ bên ngoài và bên trong, từ đó có biện pháp giảm tối đa tác động tiêu cực. Trong thế giới phẳng, mọi diễn biến tiêu cực hay tích cực đều tác động trực tiếp mang tính dây chuyền.
Cú sốc mang tên Covid-19 khi loang ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ làm thế giới đảo lộn, buộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu; các quốc gia trên thế giới phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia; đóng cửa biên giới, phong tỏa nhiều thành phố, các khu dân cư, hạn chế xuất nhập cảnh; tiến hành chính sách hạn chế giao lưu xã hội nghiêm ngặt chưa từng có tiền lệ, thực hiện “giãn cách xã hội”, cấm tụ tập nơi đông người tại những địa điểm công cộng; cấm, dừng tổ chức các sự kiện; đóng cửa trường học; không sử dụng phương tiện giao thông công cộng… nhằm giảm tốc độ lây lan của virus, cũng như không để hệ thống y tế quốc gia quá tải.
Dịch bệnh không chỉ khiến cuộc sống của người dân nhiều nước trên thế giới bị đảo lộn, mà còn khiến kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái khi hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại, nhiều doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ lao đao, cả những doanh nghiệp lớn cũng chung số phận. Nhiều ngành, như: Hàng không, dịch vụ du lịch, khách sạn, dầu mỏ và bán lẻ "ngấm đòn" khi các lệnh hạn chế đi lại, đóng cửa nhà máy, cửa hàng, địa chỉ vui chơi liên tục xuất hiện. Số lao động thất nghiệp gia tăng khi nhiều doanh nghiệp giảm sản xuất, cung cấp dịch vụ. Nhiều nền kinh tế lớn của thế giới đứng trước tình trạng tê liệt khi các chuỗi cung-cầu khắp thế giới ngừng sản xuất, bị đứt gãy hoặc do nguyên phụ liệu, hàng hóa không vận chuyển được vì bị cấm đi lại. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo dịch Covid-19 gây ra "nguy cơ nghiêm trọng" và làm giảm mạnh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu; những nền kinh tế lớn như Đức, Mỹ... thừa nhận rơi vào nguy cơ suy thoái; trong khi đó, sản lượng công nghiệp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (Trung Quốc) đã giảm 13,5% trong hai tháng đầu năm và là lần giảm đầu tiên trong gần 30 năm qua.
Vị thế toàn cầu hóa
Dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu thúc đẩy nhận thức và phản ứng của xã hội cũng như người dân trên thế giới. Một cuộc chạy đua đang diễn ra để vừa cứu người, ổn định xã hội và giữ vững thành quả kinh tế trên quy mô toàn cầu. Mỗi quốc gia đều có sự hoạch định riêng để xử lý khủng hoảng sao cho phù hợp nhất với mình. Chính phủ các nước và các ngân hàng trung ương đang theo đuổi nhiều biện pháp chưa từng có để giảm sự suy thoái toàn cầu vì tất cả lo sợ rằng, một cuộc suy thoái toàn cầu hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến đổ vỡ. Việt Nam thuộc nhóm các nước đang phát triển sẽ đặc biệt nhạy cảm, vì thế cần đưa ra chính sách đón đầu phù hợp là vô cùng cần thiết.
Nhiều chuyên gia nhận định, biết đâu đấy, sau cơn đại họa này, toàn cầu hóa với đầy đủ các thể chế kinh tế, chính trị, an ninh và quản trị y tế... có thể giành lại vị thế của mình. Trả lời được câu hỏi lớn về chủ nghĩa đơn phương, phi toàn cầu hóa... khiến một số nước tự tách mình ra khỏi khối đoàn kết toàn thế giới trong những vấn đề mang tính toàn cầu được minh chứng bằng sự từ chối Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương, chính sách nước Mỹ trước tiên... Thực tế đã chứng minh, khi càng có nhiều trường hợp nhiễm dịch Covid-19, thế giới càng trở nên mong manh hơn, đặc biệt lúc đã vượt tầm kiểm soát của một quốc gia. Đại dịch bùng phát khiến các quốc gia đóng cửa biên giới. Lúc đó, chuỗi cung ứng bị phá vỡ khiến các thiết bị y tế và thuốc men không thể vận chuyển được, trách nhiệm quốc tế của các quốc gia dù muốn cũng không thể thực hiện được, làm cho tình hình càng thêm tồi tệ. Phân tích như vậy để thấy, thế giới phi toàn cầu hóa không thể có đủ các thể chế quản trị trong tình huống đại dịch. Đoàn kết toàn cầu là cách tốt nhất để dập tắt dịch bệnh. Đoàn kết toàn cầu không chỉ giúp đưa ra các biện pháp đồng bộ, hữu hiệu, triệt để trong phòng, chống dịch bệnh, mà bài học Covid-19 là ví dụ điển hình nhất: Chỉ cần một ổ dịch ở một quốc gia, toàn thế giới cùng phải gánh chịu hậu quả.
Kinh nghiệm hay chặn dịch
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hơn 3 tháng qua, thế giới ghi nhận nhiều điểm sáng. Trung Quốc, Việt Nam, Singapore, Hàn Quốc, Nga... là những ví dụ điển hình về việc phòng, chống, xử lý dịch. Tại Trung Quốc, hiện toàn bộ bệnh viện dã chiến chống dịch ở Trung Quốc đều đã đóng cửa. Các nhà hàng đang rục rịch mở cửa trở lại, các tuyến đường giao thông liên tỉnh được khôi phục và hoạt động sản xuất tại các nhà máy dần trở lại bình thường. Những kỳ tích kể trên của Trung Quốc đã được WHO ghi nhận và đánh giá cao: "Trung Quốc đã triển khai những biện pháp ngăn chặn… có lẽ là nhanh chóng và tích cực nhất trong lịch sử".
Để đạt được thành công lớn trong kiểm soát dịch Covid-19 như hiện nay, nhà chức trách Trung Quốc đã thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp. Trước tiên là công tác giám sát, báo cáo và cập nhật tình hình dịch bệnh. Tiếp đó là biện pháp tăng cường kiểm soát đi lại và cách ly. Hệ thống báo động về sức khỏe cộng đồng được áp dụng tại các trạm kiểm soát giao thông trên khắp toàn quốc. Hệ thống thẻ khai báo sức khỏe được triển khai tại mọi cửa ngõ ra, vào các thành phố và nhiệt độ của tất cả người ra, vào các địa phương được theo dõi chặt chẽ. Mọi công dân đều phải đeo khẩu trang khi xuất hiện tại nơi công cộng. Đối với các bệnh nhân nặng hoặc nguy kịch, nhà chức trách y tế Trung Quốc áp dụng nguyên tắc "4 tập trung", gồm tập trung các bệnh nhân, tập trung các chuyên gia y tế, tập trung các nguồn lực và tập trung điều trị trong các cơ sở y tế đặc biệt. Biện pháp quan trọng tiếp theo là công tác điều tra dịch tễ và quản lý tiếp xúc gần. Biện pháp này được thực hiện khẩn trương đối với mọi trường hợp nghi ngờ và được xác nhận dương tính với virus, nhằm nhận diện những nguồn lây truyền mầm bệnh cũng như áp dụng các biện pháp kiểm soát thích hợp, kể cả truy tìm dấu vết của những người đã tiếp xúc gần với đối tượng nghi ngờ nhiễm bệnh. Giải pháp hạn chế tụ họp đông người, kiểm dịch nghiêm ngặt ở nơi công cộng cũng được áp dụng quyết liệt với quy mô quốc gia. Bên cạnh việc nhà nước đứng ra thanh toán chi phí điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân mắc Covid-19 thì chính quyền cũng huy động các nguồn lực y tế trên khắp cả nước để hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân. Trên bình diện quốc tế, việc chia sẻ thông tin, hợp tác quốc tế và liên khu vực cũng là một biện pháp quan trọng giúp kiểm soát dịch bệnh. Nhờ việc thực hiện đồng bộ những biện pháp nêu trên, ngành y tế Trung Quốc đang từng bước đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này.
Tại Hàn Quốc, ban đầu đã có hướng tiếp cận được cho là “sai lầm” khi chỉ coi trọng ngăn chặn dịch từ bên ngoài mà không chú ý phòng ngừa dịch lây lan nhanh ở trong nước. Điều này đã khiến dịch bệnh đã bùng phát mạnh với hai tâm dịch là thành phố Deagu, với 2,5 triệu dân và tỉnh Bắc Gyeongsang lân cận. Nhưng bằng cách thay đổi chiến lược chống dịch, Chính phủ Hàn Quốc đã ngay lập tức có những bước điều chỉnh tức thì, có hiệu quả, rất quyết liệt và chưa từng có tiền lệ. Khi ban hành cảnh báo “nghiêm trọng”, Chính phủ Hàn Quốc được chủ động trong kiểm soát và dốc mọi nguồn lực quốc gia để sớm dập tắt dịch bệnh. Thêm một yếu tố nữa, theo một số chuyên gia, yếu tố quan trọng nhất giúp Hàn Quốc giảm tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh đó là chương trình xét nghiệm rộng khắp. Tỷ lệ xét nghiệm trên dân số của Hàn Quốc được đánh giá là cao nhất thế giới. Còn kinh nghiệm ở Nga chính là các biện pháp ứng phó sớm, bao gồm việc đóng cửa tuyến biên giới; thiết lập các khu vực cách ly; xét nghiệm sớm... để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng.
Tài chính đủ mạnh
Điều không thể không nhắc tới chính là các nguồn lực tài chính đủ mạnh. Nếu như các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đang hành động nhanh chóng để giải ngân hàng trăm tỷ USD nhằm đối phó với dịch thì Mỹ cũng chi tới hơn 2.000 tỷ USD trong gói cứu trợ lớn nhằm giải cứu nền kinh tế và hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên... chừng đó, với nhiều quốc được đánh giá là chưa đủ để chiến thắng đại dịch.
Muốn thắng, cần một chiến lược đối phó toàn cầu. Theo các nhà phân tích, nguồn tài chính mà các nước dự kiến bỏ ra để hỗ trợ nền kinh tế giải quyết hậu quả của khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã vượt xa số tiền giải cứu khủng hoảng tài chính trong hai năm 2008-2009. Tuy nhiên, đây chắc chắn chỉ là khởi đầu. Ngoài nguồn tiền lớn, cần có các biện pháp đủ mạnh. Như EU, khối này thậm chí đã nhất trí tạm ngừng áp dụng các quy tắc để tiền biến thành sức mạnh công phá đại dịch Covid-19 cho kết quả nhanh nhất.
Tính chất khó dự báo của dịch bệnh khiến giới phân tích kinh tế "mơ hồ" trong đánh giá về tác động kinh tế để đưa ra hoạch định chiến lược hậu Covid-19. Chỉ có một điều chắc chắn: Suy thoái là không thể tránh khỏi. Vì thế, cần tỉnh táo khi thực hiện các biện pháp giảm nhẹ cú sốc cho doanh nghiệp cũng như thúc đẩy phục hồi kinh tế. Theo các chuyên gia, những chương trình hỗ trợ cần cân bằng cả cầu và cung khi kết thúc dịch bệnh.
Đâu đó trên thế giới đã có chiến thắng bước đầu trong kiểm soát dịch Covid-19 ở cấp quốc gia. Đó thực sự chỉ là kết quả tạm thời. Chỉ có chiến thắng toàn cầu mới là thắng lợi cuối cùng-chấm dứt đại dịch này. Vì thế, cần đoàn kết toàn cầu từ khâu xây dựng chiến lược cho tới thực hiện hành động.