Phối hợp thực hiện tốt công tác phòng, chống thanh thiếu niên vi phạm pháp luật
Tập trung thực hiện công tác phòng, chống thanh thiếu niên (TTN) vi phạm pháp luật (VPPL), tại huyện Cao Lãnh, UBND huyện, các ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội huyện; UBND các xã, thị trấn tiếp tục triển khai thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi VPPL do TTN gây ra.
Ngay từ đầu năm 2024, thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự Công an huyện phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động 18 Hội đồng bảo vệ an ninh trật tự; 91 Đội dân phòng; 1.897 Tổ nhân dân tự quản... mang lại hiệu quả tích cực. Qua đó, Công an huyện tiếp nhận hơn 25 nguồn tin có giá trị do Nhân dân cung cấp, giúp cơ quan chức năng điều tra, khám phá, xử lý kịp thời các vụ việc theo đúng quy định pháp luật. Công an huyện phối hợp với các đơn vị liên quan và Công an các xã, thị trấn khảo sát, lập thủ tục đề nghị cho vay vốn 1 trường hợp TTN chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú, với số tiền 30 triệu đồng. Qua kiểm tra đánh giá, người được vay vốn chí thú làm ăn, sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, đúng mục đích. Công an huyện, xã, thị trấn triển khai thực hiện 6 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, TTN VPPL, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; thường xuyên rà soát, phân loại, kết hợp với răn đe, quản lý 88 lượt TTN VPPL góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Cùng với đó, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Huyện đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh và Hội Nông dân huyện tiếp tục thực hiện Kế hoạch liên tịch về phối hợp phòng, chống TTN VPPL trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025. Các đơn vị liên quan phối hợp rà soát, lập danh sách quản lý 114 trường hợp TTN VPPL hoặc có nguy cơ VPPL. Qua tiếp xúc, cảm hóa, giáo dục có 34 trường hợp chuyển biến tích cực, được xem xét đưa ra khỏi danh sách quản lý...
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, UBND xã, thị trấn và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền 140 cuộc, có 14.248 lượt cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân tham dự. Các nội dung tuyên truyền, phổ biến như: Luật Giao thông đường bộ; an toàn phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống ma túy; cảnh báo những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm trong độ tuổi TTN. Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, chủ động phòng ngừa, tố giác tội phạm và VPPL góp phần ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
Thông qua kế hoạch phối hợp, Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai văn bản hướng dẫn cán bộ quản lý các trường học trên địa bàn tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống tội phạm thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm, các hoạt động ngoại khóa; xây dựng Tủ sách pháp luật để giáo viên, học sinh tham khảo, tìm hiểu... Các đơn vị trường thường xuyên tổ chức hoạt động giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, thông qua nhiều hình thức như: xây dựng nội quy nhà trường; lồng ghép vào các giờ học chính khóa; tổ chức thực hiện các chuyên đề, tập huấn phòng, chống VPPL...
Phòng Tư pháp tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật. Ngoài ra, chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức đa dạng như: thông qua hội nghị triển khai các văn bản mới; sinh hoạt Câu lạc bộ hòa giải, Câu lạc bộ Cà phê với pháp luật. Huyện đoàn Cao Lãnh tiếp tục duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ Nhịp sống trẻ thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên tham dự; củng cố và nhân rộng mô hình “Cảm hóa giáo dục TTN chậm tiến”; tổ chức các hoạt động giao lưu thể dục, thể thao dành cho TTN; tổ chức 2 cuộc tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội, có 250 lượt TTN tham dự.
Trong thời gian tới, Công an huyện, các ngành phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội huyện, UBND các xã, thị trấn tích cực phối hợp thực hiện tốt các giải pháp nhằm giải quyết tình hình TTN VPPL. Bên cạnh đó, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, công tác lập hồ sơ đưa TTN VPPL vào quản lý, giáo dục tại xã, thị trấn; thực hiện tốt việc quản lý, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng bảo vệ an ninh, trật tự xã, thị trấn; nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình phòng, chống tội phạm, cảm hóa, giáo dục TTN VPPL hoặc có nguy cơ VPPL.