Phối hợp tiến công căng kéo quân địch

Cùng thời gian diễn ra cuộc hành quân 'Lam Sơn 719' ở Đường 9-Nam Lào (tháng 2-1971), ở phía Nam, quân Mỹ-ngụy Sài Gòn mở cuộc hành quân 'Toàn thắng 1-71-NB' đánh vào tỉnh Tây Ninh, Lộc Ninh (Việt Nam) và hai tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Campuchia là Công Pông Chàm và Kra Chê, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng chủ lực ta đứng chân tại đây; phá hủy các căn cứ, cơ quan đầu não, kho tàng của ta; giải tỏa Đường 7, lập tuyến ngăn chặn ta ở Đông và Đông Bắc Campuchia, yểm trợ cho Quân khu 1 ngụy quân Lon Non 'bình định' khu vực phía đông Đường 1 và Đường 7 (Campuchia).

Ý đồ của địch là giành một thắng lợi quân sự bằng cuộc tiến công quan trọng phối hợp với hướng tiến công chủ yếu ở Đường 9-Nam Lào trong cuộc tiến công chiến lược mùa xuân năm 1971, đồng thời khích lệ tinh thần chính quyền Phnôm Pênh vừa được Mỹ dựng lên khoảng 1 năm. Hướng tiến công chủ yếu của địch theo hai trục Đường 22 và Đường 7; hai hướng phối hợp theo Đường 13 và Đường 1. Mục tiêu của địch là bất ngờ đánh chiếm khu vực Suông, Chúp (Công Pông Chàm), phối hợp với quân Lon Non đánh phá căn cứ kho tàng của ta ở bắc Đường 7 đến Đầm Be, Sa Lông (thuộc tỉnh Công Pông Chàm); sau đó, lật cánh đánh phá khu căn cứ cách mạng ở hai tỉnh Xvây Riêng và Prây Veng (Campuchia).

Nắm được ý đồ của địch, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo Bộ tư lệnh Miền kịp thời chuẩn bị, tận dụng thời cơ tổ chức chiến dịch phản công nhằm đánh bại cuộc hành quân của địch, bảo vệ căn cứ, kho tàng và tuyến hành lang vận chuyển của ta, tạo điều kiện thúc đẩy cách mạng miền Nam và cách mạng Campuchia phát triển lên một bước mới. Lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm: 3 sư đoàn bộ binh: 5, 7, 9; 2 trung đoàn pháo binh:75, 96; 1 trung đoàn đặc công; 1 trung đoàn công binh; 3 đại đội độc lập của 3 căn cứ: 10, 28, 30, do Bộ tư lệnh Miền trực tiếp chỉ huy.

Ngày 4-2-1971, địch bắt đầu tiến quân. Trên hướng Đường 7, Chiến đoàn 333 biệt động quân từ Crếch-Candan Chram (Campuchia) đánh chiếm Suông, Chúp. Lữ đoàn 3 kỵ binh chiếm Phkor tiến hành bao vây Chúp từ phía đông, sau đó chúng tiến lên đánh chiếm Đầm Be. Cùng lúc, địch dùng trực thăng đổ bộ Tiểu đoàn 52 biệt động quân xuống phía nam sân bay Chúp. Quân ngụy Lon Non từ Tông Lê Bếch đánh chiếm khu vực Miết Noong.

Ngay sau khi địch bắt đầu đổ quân cho đến ngày 11-2-1971, trên hướng chủ yếu, hai trung đoàn thuộc Sư đoàn 9 của ta tiến hành tập kích sân bay Chúp, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn biệt động quân và một chi đoàn thiết giáp, khiến Chiến đoàn 333 biệt động quân và Lữ đoàn 3 kỵ binh địch không hợp vây được tại Phum Chia. Trên các khu vực khác, bộ binh ta kết hợp đánh vừa, đánh nhỏ, tập kích, pháo kích các cụm quân, các bãi xe, trận địa pháo, phục kích các trục đường giao thông. Từ ngày 13 đến 26-2-1971, quân ta tiến công nhiều trận vào mũi chủ yếu của địch khi chúng chuyển sang vùng Đầm Be-Sa Lông. Tiếp đó, từ ngày 27-2 đến 3-4, ta tổ chức nhiều trận đánh địch khi chúng rút chạy khỏi Đầm Be. Ngày 15-3, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 đánh trận then chốt chiến dịch ở khu vực Mông Rêu-Công Pông Chàm. Bằng chiến thuật vận động tiến công, ta đã buộc địch trên Đường 22 phải co cụm về Mông Rêu, nơi ta đã tổ chức sẵn thế trận đón chúng; bộ binh ta đã tiêu diệt nhiều lực lượng địch, bắn cháy hàng chục xe tăng, xe thiết giáp. Cũng trong trận này, do thiếu kinh nghiệm chốt chặn địch và có đơn vị xuất kích chậm, nên ta không thực hiện được trận tiêu diệt lớn quân địch. Bị phản công liên tiếp và bị đòn đau, địch đã phải bỏ dở cuộc hành quân trong tháng 3-1971.

Cùng với thắng lợi của chiến dịch Đường 9-Nam Lào, thắng lợi của Chiến dịch Đông Bắc Campuchia đánh bại cuộc hành quân "Toàn thắng 1-71-NB" của Mỹ-ngụy đã góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh ở Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng. Chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ bị thất bại một bước quan trọng...

VŨ HOÀI NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/phoi-hop-tien-cong-cang-keo-quan-dich-654064