Phối hợp tổ chức phiên tòa giả định giáo dục pháp luật cho học sinh
Mới đây, VKSND các huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp tổ chức các phiên tòa giả định nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh.
Theo đó, hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam, vừa qua, VKSND huyện Như Xuân đã phối hợp với Huyện đoàn, Công an huyện, Tòa án nhân dân huyện tổ chức phiên tòa giả định nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông cho đoàn viên, thanh niên trường THPT Như Xuân.
Dựa vào những tình tiết của vụ án có thật, phiên tòa giả định được thực hiện thông qua hình thức sân khấu hóa với nội dung vụ án về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 260, Điều 264 Bộ luật Hình sự.
Quy trình, diễn biến phiên tòa giả định được diễn ra với đầy đủ trình tự, thủ tục, thành phần theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Nội dung phiên tòa được xây dựng sinh động giúp các em học sinh và các bậc phụ huynh nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.
Kết thúc phiên tòa giả định, Ban ổ chức đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các em bằng các câu hỏi tương tác trực tiếp, tặng quà, không khí diễn ra hết sức sôi nổi, hào hứng. Cũng trong dịp này, Ban Tổ chức đã tặng 10 suất quà, mỗi suất quà trị giá 300.000 đồng để động viên các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Còn tại Trường THPT Cẩm Thủy I, VKSND huyện Cẩm Thủy đã phối hợp với TAND huyện tổ chức phiên tòa giả định với chủ đề “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy” cho học sinh của Trường.
Kịch bản “Phiên tòa giả định” do VKSND huyện Cẩm Thủy xây dựng dựa trên tình tiết một vụ án có thật, đã xét xử và có hiệu lực pháp luật. Phiên tòa giả định diễn ra với đầy đủ trình tự, thủ tục, thành phần theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Phần xét hỏi, tranh tụng và tuyên án tại phiên tòa đã giúp các đoàn viên, thanh niên hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về hành vi phạm tội, mức án áp dụng cũng như hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và tính nghiêm minh của pháp luật. Ngay sau phiên tòa là phần giao lưu và trực tiếp trả lời các câu hỏi thắc mắc của đoàn viên, thanh niên liên quan đến phiên tòa giả định.
Phiên tòa giả định được xem là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả giúp học sinh, sinh viên nhận rõ hành vi vi phạm ảnh hưởng đến xã hội. Từ đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong giới trẻ, góp phần xây dựng xã hội an toàn, lành mạnh, thượng tôn pháp luật.