Phối hợp tuyên truyền, xây dựng 'thế trận lòng dân' bảo vệ vững chắc biển đảo
Phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Đây cũng là vấn đề đã và đang được Quân chủng Hải quân cùng 63 tỉnh, thành, 16 cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.
Trong đó, nâng cao chất lượng phối hợp tuyên truyền được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để góp phần xây dựng thế trận lòng dân”, bảo vệ vững chắc biển, đảo.
Thời gian qua công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo đã được triển khai ở nhiều cấp, nhiều ngành, thu hút đông đảo lực lượng tham gia cùng nội dung, hình thức, phương pháp ngày càng toàn diện, có chiều sâu, luôn có sự đổi mới, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, tạo đột phá, sức lan tỏa rộng rãi. Qua công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân về biển, đảo đã được nâng lên, góp phần quan trọng cùng lực lượng Hải quân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Quản lý vùng biển Tây Nam, nơi có lượng tàu khai thác xa bờ lớn nhất cả nước, vì thế trong các đợt tuyên truyền, báo cáo viên của Vùng 5 Hải quân luôn đến cảng, xuống từng tàu tuyên truyền, hướng dẫn bà con ngư dân những quy định khi khai thác ở các vùng biển giáp ranh với các nước hay vùng nước lịch sử giữa Việt Nam-Campuchia. Ngư dân Nguyễn Bình Ngoan, tàu cá KG 93324TS ở Hòn Đất, Kiên Giang chia sẻ: Được cán bộ Vùng 5 Hải quân xuống tận tàu tặng cờ tổ quốc, áo phao, phát tờ rơi trong đó ghi rõ sơ đồ vùng biển cùng nhiều thông tin hữu ích về quy định khai thác anh và bà con rất vui và biết ơn. Tôi xin hứa sẽ thực hiện làm đúng theo quy định, đúng theo hướng dẫn của các cán bộ Vùng 5 Hải quân để khai thác hải sản an toàn, bền vững, cùng CBCS Hải quân bảo vệ vùng biển phía Tây Nam của Tổ quốc.
Với hình thức vừa kể chuyện, vừa trao đổi, báo cáo viên của Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân đã truyền tải những kiến thức về chủ quyền biển, đảo, những câu chuyện về chiến công của thế hệ cha anh đã chiến đấu kiên cường bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mang lại nhiều cảm xúc cho cán bộ, giáo viên, chức sắc các tôn giáo, già làng, người uy tín tiêu biểu, học sinh… trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn vùng Nam Tây Nguyên.
Cô giáo Cao Huyền, giáo viên dạy lịch sử trường THCS Phước Lộc, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Nhiều thông tin bổ ích được nghe trong buổi tuyên truyền sẽ giúp tôi và các giáo viên khác thêm nhiều kiến thức để giảng dạy cho học sinh cũng như tuyên truyền cho phụ huynh học sinh qua các buổi họp phụ huynh”.
Những năm qua, 63 tỉnh, thành phố và 16 cơ quan Trung ương, cơ quan thông tấn, báo chí đã vào cuộc mạnh mẽ, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo; ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; nhiều địa phương thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Vận động phong trào "Vì Trường Sa thân yêu" “Quỹ vì biển đảo"...
Các buổi tuyên truyền được thực hiện với nhiều nội dung về vị trí, vai trò đặc biệt của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tình hình thực tiễn trên các vùng biển, đảo nước ta; cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển.
Ngoài các nội dung về biển, đảo, việc tuyên truyền Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định và các quy định khai thác trên biển luôn được các báo cáo viên của lực lượng Hải quân quan tâm, bởi 28/63 tỉnh, thành có biển với hơn 1 triệu ngư dân cùng hơn 170.000 tàu thuyền khai thác hải sản xa bờ. Việc tuyên truyền pháp luật biển, quy định khai thác mục tiêu nỗ lực cùng ngành thủy sản sớm gỡ thẻ vàng đối với thủy sản khai thác của nước ta.
Theo ông Bùi Huy Thành, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Đăk Nông, với nhiều chương trình hoạt động, công tác tuyên truyền biển đảo trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với sự phối hợp hiệu quả của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Đắk Nông và 5 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Thanh Hóa, Bình Dương, Hậu Giang với Quân cảng Sài Gòn, Quân chủng Hải quân đã kịp thời cung cấp thông tin, góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm và tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bà Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Cà Mau chia sẻ: "Những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Vùng 5 Hải quân và các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền nhằm củng cố, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong các tầng lớp nhân dân, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh, bảo vệ chủ quyền và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc; đồng thời vận động con em các địa phương thi vào các trường của Hải quân để cống hiến, xây dựng Quân chủng Hải quân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới".
VOV là cơ quan báo chí đa phương tiện với đầy đủ các loại hình báo chí như phát thanh, truyền hình, điện tử đã tuyên truyền đa dạng phong phú về những hoạt động của lực lượng quân đội trong đó có Hải quân Nhân dân Việt Nam. Các phóng viên của VOV đã không quản ngại khó khăn, đồng hành cùng các đơn vị trong lực lượng Hải quân, trực tiếp đi thực tế tại các đơn vị, các đảo gần bờ, Quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 để phản ánh về ý chí, quyết tâm của cán bộ chiến sĩ trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển. Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc VOV mong rằng thời gian tới, Quân chủng Hải quân phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan thông tấn báo chí, trong đó có VOV tăng cường những thông tin, hình ảnh chân thực, xúc động, thuyết phục hơn để hình ảnh những người lính biển gần gũi hơn với công chúng.
Không chỉ là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ vùng biển, đảo của Tổ quốc, nhiều năm qua, Quân chủng Hải quân còn thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân; hỗ trợ, giúp đỡ và bảo vệ ngư dân làm ăn sinh sống trên biển; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân-dân và củng cố vững chắc “thế trận lòng dân” trên biển.
Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Quân Hải quân khẳng định, những năm qua Quân chủng Hải quân đã có nhiều cố gắng lớn trong quan tâm, chăm lo xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả như đẩy mạnh thực hiện chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, từ năm 2019 Quân chủng Hải quân đã và đang triển khai rất hiệu quả Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” và năm 2022 Quân chủng tiếp tục triển khai hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”. Hàng năm Quân chủng Hải quân cử đội ngũ báo cáo viên đến các địa phương thông tin về tình hình biển đảo để người dân kịp thời nắm thông tin. Bên cạnh đó, mỗi năm Quân chủng cũng triển khai nhiều chuyến tàu, đưa các đoàn đại biểu trong nước và kiều bào ở nước ngoài đến thăm quân dân trên Quần đảo Trường Sa và cán bộ chiến sĩ trên nhà giàn DK1. Thông qua những việc làm cụ thể đó đã góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân-dân và củng cố “thế trận lòng dân” trên biển ngày càng vững chắc.
Qua 5 năm triển khai thực hiện chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo, các địa phương, các cơ quan, ban ngành và lực lượng Hải quân đã góp phần lan tỏa sâu rộng về vị trí, vai trò của biển, đảo Việt Nam đến với người dân trên cả nước, từ đó xây dựng ý thức, trách nhiệm, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, an toàn vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XIII về “Chiến lược bảo bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết 36 khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.