Phối hợp xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa

Các cấp Công đoàn Thủ đô đã và đang phối hợp hiệu quả với chính quyền, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, góp phần đảm bảo quyền lợi cho người lao động và đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn Thành phố.

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội, thời gian qua, các cấp Công đoàn đã chủ động phối hợp với chính quyền đồng cấp chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng cao chất lượng hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động.

Hằng năm, có 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; có 74% doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động; có 82% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng được Quy chế dân chủ ở cơ sở; 97% đơn vị bầu Ban Thanh tra nhân dân.

Qua đó đã phát huy dân chủ và kịp thời nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ổn định và phát triển.

Từ sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và tổ chức Công đoàn đã góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp. Ảnh: Mai Quý

Từ sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và tổ chức Công đoàn đã góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp. Ảnh: Mai Quý

Hàng năm, LĐLĐ Thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND Thành phố với công nhân lao động. Trong 5 năm (2018 - 2023) đã có 584 ý kiến kiến nghị bằng văn bản và 76 ý kiến, kiến nghị trực tiếp của công nhân lao động tập trung vào việc đề nghị giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, nhu cầu nhà ở, nhu cầu học trường công lập của con công nhân lao động, lắp đặt wifi miễn phí, khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường trong các khu, cụm công nghiệp...

Chủ tịch UBND Thành phố đã tiếp thu các ý kiến và chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các quận, huyện, thị xã xem xét giải quyết. Ngoài ra, giai đoạn 2018 - 2023, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức 142 cuộc đối thoại với công nhân lao động; có 77,4% Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức đối thoại giữa công đoàn - người sử dụng lao động - người lao động để giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của đoàn viên và người lao động.

LĐLĐ thành phố Hà Nội đã phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và người sử dụng lao động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho đoàn viên, người lao động; phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật tại các doanh nghiệp. Giai đoạn 2018 - 2023, LĐLĐ Thành phố và các Công đoàn cấp trên cơ sở đã phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn tại 3.713 doanh nghiệp.

Qua kiểm tra, giám sát đã có hơn 12 nghìn kiến nghị với doanh nghiệp thực hiện đúng các chế độ chính sách đối với người lao động, đồng thời có 250 đề xuất, kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn tại cơ sở.

Ngoài việc phối hợp với chính quyền và các cơ quan liên quan trong việc xây dựng quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Công đoàn triển khai hiệu quả công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm, LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở tham gia xây dựng phương án trả lương, thưởng, các khoản phúc lợi trong dịp Tết Nguyên đán và sớm công khai cho công nhân lao động biết; đồng thời, chủ động phối hợp với người sử dụng lao động điều chỉnh, xây dựng phương án trả lương theo quy định của Chính phủ. Qua đó, giúp công nhân lao động yên tâm làm việc, tránh các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công bất hợp pháp xảy ra trên địa bàn.

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) trong việc đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của đoàn viên, người lao động và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Công đoàn đẩy mạnh đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Đến nay, toàn Thành phố đã có 3.699 bản TƯLĐTT (đạt tỷ lệ 75,5%), số TƯLĐTT loại đạt loại A chiếm 46%.

Trong đó, nhiều bản TƯLĐTT đã có những điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật như: Tiền lương tối thiểu cao hơn 5 - 7% so với mức lương tối thiểu của Chính phủ quy định; tiền lương thử việc ít nhất bằng 90% mức lương hiện hưởng; thời gian làm việc 7 giờ/ngày hoặc được nghỉ từ 1 - 2 ngày thứ 7 trong tháng; người lao động được hỗ trợ bữa ăn ca trị giá từ 20.000 đồng - 30.000 đồng; tiền thưởng lương tháng thứ 13…

Phải khẳng định rằng, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và tổ chức Công đoàn đã góp phần tích cực vào việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Minh chứng là tình hình tranh chấp lao động tập thể xảy ra tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có xu hướng giảm, trong giai đoạn 2018 - 2023, toàn Thành phố, xảy ra 18 cuộc (giảm 15 cuộc so với giai đoạn 2013 - 2018) tranh chấp lao động tập thể. Khi xảy ra tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc tập thể, các cấp Công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, lực lượng Công an chủ động tuyên truyền, vận động, nắm bắt tình hình, tổ chức đối thoại, kịp thời giải quyết vụ việc, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phoi-hop-xay-dung-moi-quan-he-lao-dong-hai-hoa-160804.html