Phối hợp xây dựng môi trường kinh doanh an toàn
Với mục tiêu bảo đảm an toàn trong quá trình thi công xây dựng, vận hành và hoạt động của các dự án, nhà máy, doanh nghiệp (DN) trong Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), các cấp, ngành, địa phương tỉnh Thanh Hóa đã và đang tích cực phối hợp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phục vụ phát triển.
Là “đại công trường” của hàng trăm dự án, trong đó có nhiều dự án trong danh mục trọng điểm của tỉnh, tại KKTNS khó tránh khỏi những vấn đề phức tạp trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Với phương châm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong Nhân dân, Ban Thường vụ Thị ủy Nghi Sơn đã chỉ đạo UBND thị xã và các phường, xã đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền. Bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, lãnh đạo thị xã cũng trực tiếp xuống hiện trường khảo sát, kịp thời chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, trên cơ sở bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Thời gian qua, nhiều dự án lớn tại KKTNS đã được bàn giao mặt bằng kịp thời, đẩy nhanh tiến độ thi công. Điển hình như năm 2024, thị xã đã đáp ứng tiến độ GPMB Dự án Đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa; Dự án Đường nối cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1A đi Cảng Nghi Sơn... và nhiều dự án đầu tư trực tiếp.
Cùng với thu hồi đất, GPMB, hướng tới chủ trương an cư của người dân đã nhường đất cho dự án, công tác đầu tư các khu tái định cư (TĐC) cũng được thị xã Nghi Sơn và các đơn vị đặc biệt chú trọng. Hiện nay, UBND thị xã Nghi Sơn và Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng khu vực KKTNS và các Khu công nghiệp đã và đang triển khai đầu tư xây dựng 39 khu TĐC; trong đó, có 30 khu TĐC đã và đang đầu tư xây dựng với tổng số lô quy hoạch khoảng 5.400 lô đất; tổng số lô đã bàn giao cho các hộ dân là 2.774/4.970 lô đất đủ điều kiện.
Theo đại diện lãnh đạo Ban GPMB, hỗ trợ và TĐC thị xã Nghi Sơn, quan điểm của thị xã khi thực hiện các khu TĐC đó là phải được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, theo tiêu chí đô thị, phù hợp quy hoạch, cảnh quan. Đối với các khu TĐC có quy mô lớn như Khu TĐC phục vụ di dân xã Hải Hà sẽ đồng thời phải tính toán đến quỹ đất di chuyển các khu hành chính, các công trình hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa phục vụ đời sống Nhân dân theo đúng tinh thần của “di dân”, chứ không chỉ là cấp đất ở cho người dân có đất phải thu hồi.
Đặc biệt, nhằm ổn định cuộc sống lâu dài cho Nhân dân bị ảnh hưởng bởi dự án, Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp, UBND thị xã Nghi Sơn đã phối hợp với các DN chú trọng tới công tác chuyển đổi nghề, phục hồi sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án đầu tư. Nhiều năm nay, các dự án lớn như Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2... đều dành nguồn kinh phí khá lớn để thực hiện công tác an sinh xã hội, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo niềm tin và sự đồng thuận trong Nhân dân, đồng hành cùng quá trình phát triển của DN.
Điển hình như từ năm 2014 đến nay, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đã dành khoảng 300 tỷ đồng để thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng nhằm giúp phục hồi, phát triển sinh kế, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống theo hướng bền vững và đạt được nhiều kết quả. Đó là chương trình hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, kết nối việc làm cho khoảng 2.000 lượt người được đào tạo các nghề như xây dựng, hàn, giàn giáo, lắp đặt đường ống, làm vườn, nhà hàng, khách sạn...; chương trình hỗ trợ kỹ năng tìm việc và giới thiệu việc làm, kết nối việc làm tại nhiều nhà máy lân cận. Ngoài hàng chục tỷ đồng triển khai các chương trình hỗ trợ trang thiết bị, khám sức khỏe, hỗ trợ trang thiết bị, đồ chơi, học bổng cho các cấp học, vệ sinh môi trường làm sạch biển trên địa bàn xã Hải Hà, các phường Hải Thượng, Tĩnh Hải, Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 cũng đã phối hợp với giảng viên Trường Đại học Hồng Đức triển khai là dự án canh tác hữu cơ. Dự án đã hướng dẫn cho các hộ nông dân các phường Hải Thượng, Tĩnh Hải thực hành làm phân vi sinh, chế phẩm sinh học, thuốc trừ sâu sinh học từ nguyên liệu sẵn tại địa phương.
Đặc biệt, triển khai các Đề án “Bảo đảm an ninh trật tự KKTNS”, đơn vị chủ trì là Công an tỉnh đã phối hợp với các ngành giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ mâu thuẫn, khiếu kiện liên quan đến công tác bồi thường, GPMB, di dân TĐC; chủ động nắm tình hình, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn số đầu đơn, cầm đầu, quá khích kích động quần chúng Nhân dân khiếu kiện, tập trung đông người biểu tình gây phức tạp về an ninh trật tự.
Từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng công an đã tổ chức 23 buổi tuyên truyền, xây dựng hàng trăm phóng sự, hàng nghìn lượt bản tin tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, quản lý vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, luật an toàn giao thông. Các xã, phường trên địa bàn thị xã Nghi Sơn đã phát 21.456 lượt bản tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên đài phát thanh; tổ chức ký cam kết không vi phạm pháp luật đối với 2.309 lượt đối tượng hình sự, ma túy trên địa bàn...
Từ năm 2021 đến nay, các cơ quan chức năng đã phối hợp, vận động, tuyên truyền 681 hộ dân đồng ý nhận tiền hỗ trợ bồi thường, bàn giao mặt bằng để thi công 22 dự án; triển khai 16 kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự phục vụ cưỡng chế GPMB đối với các hộ dân có quyết định thu hồi đất và thi công công trình; 6 phương án bảo đảm an ninh trật tự lễ khởi công công trình, chống tái lấn chiếm; quản lý chặt chẽ 10.442 lượt người nước ngoài với 60 quốc tịch khác nhau như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan, Philippin... đăng ký tạm trú tại địa bàn.
Các cơ quan chức năng đã chủ động phòng ngừa, phát hiện và giải quyết các cuộc đình công bất hợp pháp, không để lây lan, kéo dài tạo “điểm nóng”. Từ năm 2021 đến nay, các lực lượng đã giải quyết kịp thời 3 vụ ngừng việc; ngăn chặn thành công 5 vụ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đình công lại các DN trên địa bàn KKTNS, nổi bật là đã ngăn chặn kịp thời vụ việc tiềm ẩn đình công tại Công ty TNHH Giày Annora Việt Nam với số lao động lên tới hơn 20.000 người. Các lực lượng chức năng đã chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực kinh tế và gian lận thương mại, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Công tác quản lý Nhà nước đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự được tăng cường, trọng tâm là kinh doanh dịch vụ bảo vệ, cầm đồ, lưu trú, massage, karaoke... Công tác quản lý trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng, kiềm chế tai nạn giao thông tại KKTNS được tăng cường, tạo môi trường an toàn, ổn định cho các DN hoạt động và người lao động yên tâm tham gia sản xuất.
Theo đại diện Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp, đơn vị đang tiếp tục rà soát, đánh giá những cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động phát triển, đầu tư của DN trên địa bàn để đánh giá những bất cập, khó khăn nhằm tham mưu, đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tạo cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù, rút gọn thủ tục hành chính... tạo môi trường thuận lợi cho các DN phát triển. Cùng với đó, ban sẽ chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành, UBND các huyện Nông Cống, Như Thanh và thị xã Nghi Sơn trong thực hiện công tác quản lý quy hoạch; chủ động tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng các phân khu chức năng trong KKTNS phù hợp với từng giai đoạn phát triển và thay đổi của khu kinh tế; đồng thời tham mưu cấp có thẩm quyền kiên quyết loại bỏ, điều chỉnh những dự án chậm tiến độ, chây ỳ không triển khai ảnh hưởng đến tiến độ phát triển của KKTNS và gây bức xúc trong Nhân dân. Đơn vị sẽ phối hợp với lực lượng công an và các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đấu tranh phòng chống tội phạm; thẩm định, đánh giá dự án đầu tư nước ngoài vào địa bàn, nhất là trên các tiêu chí bảo đảm quốc phòng - an ninh, môi trường sinh thái trước khi tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, lựa chọn “nhà đầu tư” và “địa điểm đầu tư”.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phoi-hop-xay-dung-moi-truong-kinh-doanh-an-toan-230336.htm