Phối hợp xử lý tình trạng trẻ em bị xâm hại

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, thời gian qua tình hình trẻ em bị xâm hại, bạo hành tại TP Hồ Chí Minh có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Vấn đề đặt ra cho các cơ quan hữu quan của thành phố là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; đồng thời xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các tội danh xâm hại tình dục trẻ em để răn đe, ngăn chặn.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB-XH) thành phố, thống kê từ năm 2015 đến tháng 6-2019 cho thấy, trên địa bàn thành phố có 499 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Trong đó có 31 trẻ em trai (chiếm tỷ lệ 6,21%) và 468 trẻ em gái (chiếm tỷ lệ 93,79%). Qua phân tích, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, từ những người lao động phổ thông có trình độ dân trí thấp đến những người có nghề nghiệp ổn định, có trình độ dân trí cao, tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 18 trở lên...

Một số trường hợp xâm hại diễn ra trong một thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm nhưng nạn nhân im lặng hay có không ít trường hợp không cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng. Do đó, số trường hợp trẻ em bị xâm hại và bạo lực có nhiều khả năng chưa dừng lại như con số đã thống kê...

Ðối với trường hợp trẻ em bị bạo hành, nổi lên gần đây là vụ bạo hành xảy ra tại cơ sở mầm non Mầm Xanh (phường Hiệp Thành, quận 12) do bà Phạm Thị Mỹ Linh làm chủ. Bà Linh cùng hai bảo mẫu khác đã dùng tay, chân, dao, vung nồi, khăn tay... thường xuyên đánh vào nhiều vùng trên người các cháu để "ép" ăn, gây bức xúc đối với phụ huynh và dư luận, được phanh phui và xử lý kịp thời. Ngày 25-7-2018, Tòa án nhân dân quận 12 đã tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh 3 năm tù giam, hai bảo mẫu Phạm Thị Huỳnh 1 năm 6 tháng tù treo và Nguyễn Thị Ðào 2 năm tù treo cùng về tội "Hành hạ người khác".

Liên quan các vụ việc trẻ em bị xâm hại, xâm hại tình dục, Sở LÐ-TB-XH nhận định, số vụ trẻ em bị xâm hại, xâm hại tình dục chiếm đến 80% tổng số vụ trẻ em bị bạo lực và xâm hại. Ðiều đáng nói là thời gian qua tình trạng này đã gây nhức nhối trong dư luận xã hội nên rất cần thái độ nghiêm trị của các cơ quan điều tra, xét xử. Mới đây, ngày 26-8-2019, Tòa án nhân dân quận Bình Tân đã xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Ngô Ngọc An (63 tuổi, ngụ quận Bình Tân) về tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" và tuyên phạt bị cáo 2 năm tù giam.

Với quy mô dân số đông, trong đó trẻ em chiếm 16,2% dân số, thách thức đặt ra cho các cơ quan hữu quan của thành phố hiện nay là tập trung các giải pháp giải quyết tình trạng quá tải tại trường học, bệnh viện, di cư, phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm; nhất là tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em. Theo Công an thành phố, các bậc cha mẹ nên thường xuyên theo dõi để nắm bắt các mối quan hệ, biến động tâm sinh lý của trẻ nhỏ, gần gũi và lắng nghe để tạo niềm tin cho trẻ tâm sự, lựa chọn cách giải thích phù hợp cho trẻ hiểu được các khúc mắc; dạy cho trẻ cách tự vệ và tránh xa cái xấu. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi vấn bị xâm hại, cần tìm cách tiếp cận để trẻ nói ra sự thật, nhanh chóng báo cho cơ quan công an để kịp thời có biện pháp thu thập chứng cứ đúng trình tự, thủ tục theo luật định để phục vụ cho công tác xử lý đúng người, đúng tội. Công an thành phố cũng đã phối hợp với địa phương thực hiện 747 đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó lồng ghép trong các cuộc họp tổ dân phố để các hộ gia đình hiểu về Luật Trẻ em (quy định về quyền trẻ em, các dấu hiệu trẻ em bị xâm hại, trách nhiệm phát hiện và thông báo việc trẻ em bị xâm hại...).

Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cho biết, Hội đã phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố tổ chức 16 cuộc tuyên truyền tại 16 quận, huyện về "Kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em" cho hai nhóm đối tượng có nguy cơ là các ông bố, bà mẹ có con dưới 16 tuổi và trẻ em gái chưa thành niên, nhất là trẻ em gái thuộc các gia đình có cha, mẹ là người đơn thân, trẻ lao động sớm, trẻ trong khu nhà trọ. Trong năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã tiếp nhận thông tin 48 trường hợp, trong đó có 31 trường hợp trẻ em bị xâm hại, 17 trường hợp bị bạo lực, qua đó có giải pháp kiến nghị kịp thời đến các cơ quan chức năng nắm bắt, can thiệp và xử lý nghiêm các đối tượng sai phạm theo quy định của pháp luật.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, việc thực thi pháp luật, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền và người dân ở nhiều địa phương chưa nghiêm; hình thức xử lý vi phạm đối với người thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ và những người có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em chưa kịp thời và chưa có tác dụng giáo dục, răn đe, dẫn đến biểu hiện coi thường pháp luật trong công tác bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, hiện luật còn thiếu quy định cụ thể đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác và phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em. UBND thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các bộ, ngành xây dựng quy chế phối hợp liên ngành để xác minh, điều tra, xử lý từng trường hợp trẻ em bị xâm hại, trong đó quy định rõ các thủ tục, quy trình và trách nhiệm phòng ngừa, phát hiện, tố giác; đề nghị các cơ quan tố tụng áp dụng tăng nặng hình phạt đối với các tội danh xâm hại tình dục trẻ em (dưới 16 tuổi) tại các Ðiều 142, 144, 145, 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017...

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/41544402-phoi-hop-xu-ly-tinh-trang-tre-em-bi-xam-hai.html