Một lão nông có tên là Lôi Quân sống tại huyện Gia Ngư, thuộc Hàm Ninh, Hồ Bắc tình cờ vớt được 1 khối gỗ đặc biệt vào 9 năm trước. Lôi Quân cùng nhóm người quyết định xuống nước dùng dây thừng kéo lên nhưng họ mất tới hơn 1 tiếng đồng hồ mà khối gỗ vẫn không hề nhúc nhích.
Họ phải huy động cần cẩu và dây cáp mới nhấc được khối gỗ lạ ra khỏi mặt nước. Cây gỗ hóa ra có màu đen sì, dài tới hơn 19 mét và nặng tới 5 tấn. Vì xe vận chuyển không thể chở nên họ đã xẻ cây gỗ thành 2 đoạn và chở về nhà của Lôi Quân.
Vì không biết nên làm gì với khúc gỗ nên lão nông đã vứt nó ở sân và quên luôn suốt 9 năm trời. Mãi đến khi ông tham gia một chương trình thẩm định cổ vật do trang Web Thực Vật tổ chức tại Vũ Hán. Ông đã kể lại câu chuyện mình lấy được khối gỗ dưới sông, điều này khiến cho nhóm chuyên gia của chương trình vô cùng quan tâm.
Sau đó, một số chuyên gia về thực vật và khảo cổ học đã cùng Lôi Quân tới nhà ông để kiểm định. Vừa nhìn thấy những khúc gỗ kia, một thành viên của Hiệp hội Di tích Văn hóa Trung Quốc đã reo lên đầy sung sướng.
Ông cho biết, đây là gỗ âm trầm có niên đại không dưới 400 năm tuổi. Theo quan sát, giá trị của những khúc này lên tới 20 triệu NDT (hơn 70 tỷ VND), thậm chí có khi còn hơn thế.
Sau khi phân tích, các chuyên gia đã xác nhận khúc gỗ này chính xác là gỗ Kim tơ Nam mộc âm trầm nghìn năm đã tuyệt chủng ở Trung Quốc. Theo các chuyên gia thì khối gỗ này thuộc số gỗ được dùng để xây Tử Cấm Thành vào thời nhà Minh.
Bởi thời đó, các dầm và cột của Tử Cấm Thành đều được làm bằng gỗ này. Trên đường chuyển từ Tứ Xuyên đến Bắc Kinh vô tình bị trôi dạt tới huyện Gia Ngư và nằm dưới sông từ đó tới giờ.
Gỗ Kim tơ Nam mộc âm trầm nghìn năm là loại gỗ phát sinh biến dị tự nhiên từ 2.000 cho tới hàng vạn năm trước do bị lũ lụt, động đất cuốn trôi.
Sau đó bị chôn vùi dưới bùn và dưới tác động của vi khuẩn vi sinh vật trong điều kiện thiếu oxy, áp suất cao mà các bon hóa lâu ngày thành “than hóa mộc”.
Loại gỗ này còn có mùi hương thanh nhã, nước không thấm, không bị mối mọt, càng không mục ruỗng. Những sợi tơ ánh vàng là lý do khiến Kim tơ nam mộc nổi tiếng nhưng nguyên nhân trực tiếp tạo ra mức giá "khủng" của loại gỗ này chính là ở chi phí vận chuyển.
Ở thời phong kiến, các phương tiện vận chuyển không phát triển như thời hiện đại, để chuyển được những cây gỗ lớn như vậy ra khỏi núi sâu, từ nam ra bắc thì riêng chi phí vận chuyển đã có thể lên tới hàng chục nghìn lượng bạc rồi.
Mời các bạn xem video: Phát hiện kho báu tiền vàng cổ ở Miền Trung Israel. Nguồn: THĐT
Thùy Dung (T.H)