Phôi khủng long nguyên vẹn trong hóa thạch trứng 70 triệu năm

Các nhà khoa học đã phát hiện một hóa thạch trứng chưa phôi khủng long hoàn chỉnh nhất được bảo quản tinh vi với niên đại từ 66 - 72 triệu năm về trước, đang trong quá trình chuẩn bị nở.

Hóa thạch được phát hiện ở Ganzhou, miền Nam Trung Quốc và thuộc về một loài khủng long có lông vũ, hay còn gọi là Oviraptorosaur. Ảnh The Guardian.

Hóa thạch được phát hiện ở Ganzhou, miền Nam Trung Quốc và thuộc về một loài khủng long có lông vũ, hay còn gọi là Oviraptorosaur. Ảnh The Guardian.

Trong báo cáo trên tạp chí iScience hôm 21/12, các nhà cổ sinh vật học nhấn mạnh đây là một trong những phôi khủng long được bảo quản tốt nhất trên thế giới. Nhóm nghiên cứu từ Đại học Birmingham của Anh và Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc ở Bắc Kinh đã tạo ra bản quét 3D để phân tích chi tiết hóa thạch và nhận thấy phôi thai có tư thế “cuộn” rất giống ở các loài chim trước khi nở khỏi trứng.

Tư thế cuộn tròn này là điều mà các nhà nghiên cứu quan tâm. Phôi chim sống được biết đến là thường di chuyển đến vị trí tốt nhất để sẵn sàng nở. Nhưng cho đến tận bây giờ, hành vi này chưa bao giờ được ghi nhận ở loài khủng long.

Được đặt tên Baby Yingliang, con khủng long thuộc chi ăn thịt Oviraptorosauria - nhánh các loài khủng long có lông vũ giống chim nhưng không biết bay có thể trở thành xích mắt còn thiếu trong liên kết giữa khủng long và chim. Đây là "thằn lằn trộm trứng", sống ở khu vực ngày nay là châu Á và Bắc Mỹ trong thời kỳ cuối Kỷ Phấn trắng.

Xương khủng long non vô cùng mảnh và dễ gãy, nên chẳng mấy khi chúng tồn tại được đủ lâu để có thể trở thành hóa thạch. Do đó, phát hiện càng trở nên độc nhất và diệu kỳ.

Quả trứng khủng long dài khoảng 17 cm và các nhà khoa học ước tính con khủng long nở ra sẽ dài khoảng 27 cm (tính cả đuôi). Họ tin rằng nếu nó sống được tới giai đoạn trưởng thành, Baby Yingliang sẽ dài từ 2 tới 3 m.

Nhóm các nhà khoa học từ Trung Quốc, Anh Quốc và Canada đã nghiên cứu kỹ dáng nằm của Baby Yingliang, so sánh chúng với những phôi khủng long đã phát hiện trước đây và đi đến kết luận: trước thời điểm nở, khủng long cũng chuyển mình tạo dáng mới, y như cách chim vặn mình rồi đục vỏ rời trứng.

Hình minh họa cho thấy phôi khủng long Oviraptoros sắp nở dựa trên mẫu vật mới được tìm thấy ở miền Nam Trung Quốc. Ảnh The Guardian.

Hình minh họa cho thấy phôi khủng long Oviraptoros sắp nở dựa trên mẫu vật mới được tìm thấy ở miền Nam Trung Quốc. Ảnh The Guardian.

Waisum Ma, tác giả của nghiên cứu nhận định: "Đa số phôi khủng long không biết bay đều không hoàn thiện, bởi lẽ đa số xương đều bị rời khỏi khớp. Chúng tôi bất ngờ khi thấy phôi thai này được bảo quản tuyệt hảo bên trong quả trứng, nó nằm với dáng rất giống chim. Dáng nằm này chưa từng hiện hữu trên bất cứ phôi khủng long không biết bay nào”.

Chim hiện đại đều là hậu duệ trực tiếp của một nhóm khủng long hai chân có có tên theropod, bao gồm những sinh vật nổi tiếng văn hóa đại chúng như loài Tyrannosaurus rex hay khủng long săn theo bầy Velociraptor.

Cũng theo lời nhà nghiên cứu Zelenitsky, chim hiện đại cũng thừa kế hành vi ngồi lên trứng để ấp giống như tổ tiên của chúng đã làm từ hàng triệu năm trước. Nghiên cứu này củng cố sự hiểu biết của chúng ta về mối quan hệ tiến hóa chặt chẽ giữa khủng long và chim.

Hóa thạch lịch sử được tìm thấy tại tỉnh Giang Tây, và được mua lại năm 2000 bởi Liang Liu, giám đốc một công ty sản xuất đá có tên Yingliang Group. Sau 10 năm “ngủ yên” trong kho bảo quản, vào thời điểm Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của Đá Yingliang được xây dựng, nhân viên bảo tàng đã tổng hợp đồ trong kho và phát hiện ra quả trứng quý giá.

Minh Tuấn (THEO THEGUARDIAN)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phoi-khung-long-nguyen-ven-trong-hoa-thach-trung-70-trieu-nam-5676286.html