Phóng 2 quả tên lửa, Triều Tiên 'thử' phản ứng của Mỹ

CHDCND Triều Tiên tiếp tục phóng 2 quả tên lửa vào rạng sáng ngày 25/3, động thái cho thấy vấn đề hạt nhân Triều Tiên và quan hệ Mỹ - Triều Tiên đang nóng lên.

Triều Tiên phóng tên lửa lần thứ 2 trong 1 tuần

Sáng ngày 25/3, hàng loạt mặt báo trên thế giới bị bao phủ bởi thông tin CHDCND Triều Tiên phóng 2 quả tên lửa đạn đạo từ vùng biển phía Đông của nước này. Theo thông tin từ phía Nhật Bản, tên lửa đã bay khoảng 450 km, đạt tầm cao 60km trước khi rơi xuống biển, nhưng ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Đây là vụ phóng tên lửa đạn đạo đầu tiên của Triều Tiên kể từ ngày 29/3/2020. Các quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho CNN biết, cơ quan tình báo và quân đội Mỹ vẫn đang phân tích dữ liệu từ vụ phóng tên lửa để xác định loại tên lửa của Triều Tiên, hiện Mỹ vẫn chưa rõ đây là tên lửa tầm ngắn, tầm trung hay tên lửa xuyên lục địa (ICBM).

Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo đầu tiên sau 1 năm

Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo đầu tiên sau 1 năm

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga xác nhận thông tin trên và ngay lập tức triệu tập cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia (NSA) để chuẩn bị các phương án ứng phó với những hành động tương tự có thể xảy ra. Về phần mình, Phát ngôn viên Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kang Min-seok cho biết, Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) Hàn Quốc đã họp khẩn vào sáng cùng ngày. Mỹ dự kiến sẽ tiến hành một cuộc họp an ninh với Hàn Quốc và Nhật Bản vào tuần tới để thảo luận cách thức giải quyết các vấn đề liên quan đến Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga lên án mạnh mẽ hành động của Triều Tiên và cho rằng: “Vụ phóng tên lửa đầu tiên trong vòng chưa đầy 1 năm thể hiện mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định của Nhật Bản cũng như khu vực và vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”. Ông Suga khẳng định, Triều Tiên đang làm gia tăng căng thẳng trước Thế vận hội Tokyo và gây áp lực lên chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Người phát ngôn Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của quân đội Mỹ Mike Kafka cho biết, các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên cho thấy mối đe dọa mà chương trình vũ khí bất hợp pháp của nước này gây ra cho các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế. Mỹ đang theo dõi tình hình và tham vấn chặt chẽ với các đồng minh.

Vụ thử tên lửa lần này rõ ràng là một thách thức đối với các nước liên quan, các quốc gia sẽ phải “đau đầu” xem xét tình hình bởi đây là vụ phóng tên lửa thứ 2 chỉ trong vòng 1 tuần trở lại đây. Trước đó, vào ngày 21/3, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa hành trình tầm ngắn từ cảng Onchon, mặc dù Mỹ cho biết đây chỉ là hoạt động thử nghiệm vũ khí thông thường và không phải hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên muốn gì sau vụ thử tên lửa?

Theo các nhà phân tích chính trị, bằng việc phóng tên lửa này, Triều Tiên vừa muốn “thử” phản ứng của Mỹ, vừa “rằn mặt” Mỹ trong bối cảnh Washington đang xem xét hoàn thiện chính sách đối với CHDCND Triều Tiên. Còn nhớ vào năm 2017, Triều Tiên đã tiến hành thử hạt nhân và tên lửa liên lục địa, đẩy khu vực đến “miệng hố chiến tranh”. Sau đó, vào năm 2018, Bình Nhưỡng chuyển sang chiến lược ngoại giao với chính quyền Mỹ của cựu Tổng thống Donald Trump. Các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Triều Tiên sau đó đã bị ngưng trệ khi Mỹ từ chối yêu cầu của Triều Tiên gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc Triều Tiên từ bỏ một phần khả năng hạt nhân của họ. Cho đến nay, Triều Tiên vẫn tiếp tục phớt lờ những nỗ lực của Chính quyền Mỹ về việc quay trở lại các bàn đàm phán do Mỹ vẫn duy trì chính sách “thù địch” đối với nước này.

Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin vụ bắn tên lửa trên truyền hình

Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin vụ bắn tên lửa trên truyền hình

Trong chuyến thăm Seoul mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã chỉ trích tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời thúc ép Trung Quốc sử dụng “ảnh hưởng to lớn” của mình thuyết phục Triều Tiên phi hạt nhân hóa và sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên. Những tuyên bố ngoại giao đó đã không thể “xoa dịu” được Bình Nhưỡng khi Mỹ và Hàn Quốc có cuộc tập trận chung mà Triều Tiên đã lên tiếng phản đối và cáo buộc đây là cuộc diễn tập chiến tranh. Thậm chí Bình Nhưỡng còn đe dọa sẽ “xé bỏ thỏa thuận quân sự với Hàn Quốc”, dừng các cam kết thù địch lẫn nhau và cắt đứt đối thoại với nước láng giềng để phản đối cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn.

Chuyên gia về các vấn đề hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ - ông Vipin Narang nhận định, vụ thử hạt nhân là lời hồi đáp tương xứng của Triều Tiên đối với cuộc tập trận Mỹ Hàn, đồng thời gửi tới Mỹ và các quốc gia liên quan một lời nhắn rằng, Triều Tiên sẽ không ngồi yên, họ sẽ tiếp tục tăng cường kho vũ khí cũng như chương trình hạt nhân của mình….

Hải Yến

(theo AP, Reuters, CNN, Fox19)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phong-2-qua-ten-lua-trieu-tien-thu-phan-ung-cua-my-n188773.html