Phóng 2 tên lửa tầm ngắn, Triều Tiên đưa ra thông điệp gì?

Trung Quốc một lần nữa kêu gọi đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phóng 2 tên lửa tầm ngắn trong hôm 25/7. Giới quan sát cho rằng, vụ phóng này là một thông điệp mà Triều Tiên gửi đi để phản đối các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn sắp được tổ chức.

Người dân Hàn Quốc theo dõi diễn biến vụ phóng tên lửa trên truyền hình hôm 25/7 (Ảnh: SCMP)

Người dân Hàn Quốc theo dõi diễn biến vụ phóng tên lửa trên truyền hình hôm 25/7 (Ảnh: SCMP)

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Mỹ và Triều Tiên nên nối lại các vòng đàm phán sớm nhất có thể. "Các bên liên quan nên quý trọng cơ hội khó đạt được trong đàm phán và giảm thang căng thẳng. Họ nên thể hiện sự thành thực, và đóng góp trong việc giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và các biện pháp chính trị" - bà Hoa nói.

Một quan chức quốc phòng Hàn Quốc chiều 25/7 cho hay, vật thể bay đầu tiên được phóng từ thị trấn Wonsan, vùng bờ biển phía Đông của Triều Tiên. Nó bay được 430 km và đạt độ cao 50 km. Vật thể thứ hai "dường như bay xa hơn". Cả hai vật thể này "dường như đã rơi xuống khu vực biển phía Đông" - vị quan chức cho hay, nhắc tới vùng biển Nhật Bản.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc sau đó xác nhận rằng tên lửa thứ hai bay được khoảng 690 km, thêm rằng 1 trong 2 tên lửa này có thể là "một loại tên lửa mới".

Trước đó, theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA, lãnh đạo nước này - ông Kim Jong-un đã bất ngờ tới thăm một nhà máy sản xuất tàu ngầm. Tại đây, ông kiểm tra một tàu ngầm mới được cho là có khả năng phóng tên lửa đạn đạo.

Các nhà quan sát ngoại giao nhận định rằng, các vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên cho thấy họ đang gửi đi một thông điệp phản đối trước các cuộc tập chung mà Mỹ và Hàn Quốc lên kế hoạch tổ chức. Triều Tiên từng khẳng định rằng, các vòng đàm phán hạt nhân giữa họ với Washington sẽ bị ảnh hưởng nếu như Mỹ và Hàn Quốc tổ chức cuộc tập trận như kế hoạch trong tháng tới.

"Hàn Quốc mới đây đã xác nhận rằng các cuộc tập trận chung sẽ được tổ chức như kế hoạch vào tháng tới, nhưng Triều Tiên tuyên bố rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hứa sẽ ngừng các cuộc tập trận chung khi ông gặp gỡ với ông Kim" - Zhao Tong, chuyên gia phân tích thuộc Chương trình Chính sách Hạt nhân Carnegie, nhận định.

"Mụ tiêu thứ hai của Triều Tiên khi thực hiện vụ phóng này là thúc ép Mỹ phải giảm nhẹ quan điểm của mình trong vấn đề giải giáp hạt nhân. Ông Kim muốn có thể sự nhượng bộ từ Washington, đặc biệt là việc Mỹ gỡ bỏ bớt các đòn trừng phạt kinh tế" - ông Zhao nhận định thêm.

Harry Kazianis - Giám đốc Phóng nghiên cứu Triều Tiên thuộc Trung tâm Lợi ích quốc gia, trụ sở ở Washington - nhận định: "Triều Tiên rõ ràng là đang khó chịu trước việc Mỹ và Hàn Quốc sắp tổ chức tập trận chung. Cũng vì điều này mà Bình Nhưỡng đã từ chối đưa ra thời điểm cụ thể để tổ chức các cuộc đàm phán cấp làm việc với Washington. Họ cũng từ chối tiếp nhận viện trợ lương thực từ Hàn Quốc và giờ lại đang thử nghiệm các hệ thống vũ khí mà chắc chắn làm gia tăng căng thẳng".

"Chúng ta không nên bất ngờ bởi động thái này, trên thực tế, động thái này có thể đoán trước được" - ông Kazianis nói thêm.

Vụ thử nghiệm tên lửa xuất hiện sau khi Triều Tiên tăng cường các hoạt động ngoại giao rộng khắp. Tháng trước, Chủ tịch Kim Jong-un đã có cuộc gặp Tổng thống Trump tại làng hòa bình Bàn Môn Điếm dọc biên giới liên Triều, tuyên bố sẽ làm việc hướng tới giải giáp hạt nhân.

Sau cuộc gặp đó, ông Trump nói rằng đội ngũ đến từ Mỹ và Triều Tiên sẽ khởi động các vòng họp về vấn đề chương trình hạt nhân Triều Tiên, nhưng nói rằng ông không vội vã chấp nhận một thỏa thuận về vấn đề này. Ông cũng mô tả cuộc gặp với ông Kim là "huyền thoại".

Trước cuộc gặp Trump-Kim tại khu phi quân sự (DMZ), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Bình Nhưỡng, trong đó ông đưa ra cam kết hỗ trợ Bình Nhưỡng một cách hợp pháp. Trung Quốc trước đó đã kêu gọi Triều Tiên tránh đưa ra hành động khiêu khích và cũng ủng hộ các nghị quyết trừng phạt của LHQ đối với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, hoạt động hợp tác kinh tế giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng lại tăng lên, với tổng giá trị thương mại hai bên trong nửa đầu năm nay tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt giá trị 1,25 tỷ USD.

Hiện vẫn chưa có phản ứng chính thức của Bắc Kinh đối với các vụ phóng thử tên lửa mới nhất. Ông Zhao cho rằng Trung Quốc sẽ không đưa ra quan điểm cứng rắn với Bình Nhưỡng trong vụ việc lần này.

"Trung Quốc không hề phản ứng mạnh mẽ trước Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa hồi tháng 5 vừa qua" - ông Zhao nói - "Tôi cho rằng Bắc Kinh cũng sẽ không phản ứng quá mạnh trong lần này. Quan hệ giữa Trung Quốc với Triều Tiên đang được cải thiện dần, và vụ thử tên lửa tầm ngắn này sẽ không ảnh hưởng tới điều đó".

Theo SCMP

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/phong-2-ten-lua-tam-ngan-trieu-tien-dua-ra-thong-diep-gi-362112.html