Phòng bệnh dại trong mùa nắng nóng
Báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế cho thấy: Từ năm 2022 đến nay, bệnh dại có xu hướng gia tăng. Nhiều tỉnh, thành phố có bệnh dại lưu hành trong nhiều năm và có số ca tử vong do dại cao. Để phòng ngừa bệnh dại cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp.
Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Theo y văn, bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật (chủ yếu là chó: 80%, mèo: 18%, chuột, khỉ: 1%, dơi: 0,1%...) lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại.
Thông thường, thời gian ủ bệnh ở người kéo dài từ 1-3 tháng sau khi phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn (dưới 9 ngày) hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn (liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh), khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, nguồn truyền bệnh chủ yếu là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng, từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại ở người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, dù là động vật hay người đều dẫn đến tử vong.
Bệnh dại rất nguy hiểm, nhưng có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin cho người và động vật (chủ yếu là chó) chính là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.
Những con số đáng lo ngại
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, từ năm 2022 đến nay bệnh dại có xu hướng gia tăng. Nhiều tỉnh, thành phố có bệnh dại lưu hành trong nhiều năm và có số ca tử vong do dại cao. Từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc bệnh dại gia tăng đột biến với 22 ca tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (10 ca tử vong).
Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.
Tại Phú Yên, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay đã có 2 trường hợp tử vong do bị chó nghi dại cắn nhưng không tiêm vắc xin phòng bệnh.
Rào cản trong công tác phòng chống bệnh dại là nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của căn bệnh truyền nhiễm này cũng như các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế. Các trường hợp tử vong do bệnh dại là bởi người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng kịp thời.
Mặt khác, tại một số địa phương, công tác quản lý đàn chó, mèo vẫn còn lỏng lẻo; tỉ lệ chó, mèo nuôi được tiêm vắc xin phòng dại còn thấp, chỉ khoảng 50% tổng đàn, dẫn đến gia tăng số ca bệnh dại ở động vật.
Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại
Mới đây, Bộ Y tế đã có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại, trong đó có việc chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng và xử lý ổ dịch kịp thời; tăng cường công tác phối hợp liên ngành Y tế và Thú y để giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn.
Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao. Mỗi huyện cần bố trí ít nhất một điểm tiêm, ở những nơi địa bàn rộng và địa hình khó khăn thì bố trí thêm điểm tiêm phòng.
Ngành Y tế tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế ở các điểm tiêm vắc xin phòng dại về kỹ năng tư vấn, xử trí các trường hợp bị động vật cắn; kịp thời chia sẻ thông tin để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh và vận động người dân kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn, tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, nhất là tại các địa phương có trường hợp tử vong do bệnh dại và có tỉ lệ tiêm phòng trên chó, mèo thấp.
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bệnh dại, cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Hoạt động truyền thông cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng chống.
Người nuôi chó, mèo cần thực hiện nghiêm việc khai báo với chính quyền địa phương và tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định; nuôi, nhốt, xích hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, không thả rông, nhất là ở các khu đô thị, nơi đông dân cư. Khi cho chó ra đường phải có dây dẫn, đeo rọ mõm đề phòng chó cắn người và gây tai nạn giao thông.
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm khuyến cáo: Nếu bị chó, mèo cắn, bà con cần xử lý vết thương ban đầu, sau đó đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng kịp thời; tuyệt đối không sử dụng thuốc nam, thuốc bắc hoặc các thuốc khác không theo quy định của ngành Y tế!
YÊN LAN
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/95/315116/phong-benh-dai-trong-mua-nang-nong.html