Phòng bệnh đau mắt đỏ trong mùa mưa

ĐBP - Mùa mưa là thời điểm bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc dễ bùng phát thành dịch. Người mắc bệnh đau mắt đỏ, ngoài gặp khó khăn trong sinh hoạt, lao động còn có thể bị tổn thương giác mạc. Vì vậy, việc chủ động phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ là hết sức cần thiết.

Bác sĩ Bệnh viện Ða khoa tỉnh khám cho bệnh nhân bị đau mắt đỏ.

Theo thống kê tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã khám và điều trị cho 243 trường hợp đau mắt đỏ gồm cả người lớn và trẻ em. Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Mắt (Bệnh viện Ða khoa tỉnh) cho biết: Viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ tuy là bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên, bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do virus Adeno hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa... Biểu hiện của bệnh đau mắt đỏ là mắt đỏ và có ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai, cảm thấy khó chịu ở mắt, cộm như có cát, mắt nhiều ghèn, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều ghèn dính chặt; mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ do cương tụ mạch máu, đau nhức, chảy nước mắt...

Sau 3 ngày mắt bị đỏ, ngứa, cộm, ông Nguyễn Văn Loan, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) đến khám bệnh tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh và được bác sĩ chẩn đoán bị đau mắt đỏ. Ông Loan cho biết: “Khi bị đau mắt tôi cảm thấy rất khó chịu vì mắt bị ngứa, cộm, đau nhức và hay chảy nước mắt. Lúc đầu tôi chỉ bị đau một bên mắt nhưng 2 ngày sau mắt còn lại cũng bị đau. Từ những triệu chứng đó, tôi nghĩ mình bị đau mắt đỏ nên đã chủ động cách ly để tránh lây sang cho những người thân trong nhà, mọi dụng cụ sinh hoạt tôi đều sử dụng riêng”.

Bệnh đau mắt đỏ có thể lây từ người này sang người khác do virus gây bệnh; có thể lây qua vật dụng sinh hoạt do dùng chung khăn, chậu rửa mặt; bệnh nhân dụi mắt và cầm nắm vào các đồ vật sẽ lây cho những người dùng chung đồ vật đó. Bệnh cũng có thể lây qua đường nước bọt bằng cách nước mắt tiết ra sẽ thoát qua lệ đạo xuống mũi, họng và khi bệnh nhân nói chuyện, ho hoặc hắt hơi thì virus theo nước bọt bắn ra ngoài và lây bệnh cho người khác.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ bùng phát thành dịch trong mùa mưa lũ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh như: Ðẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh cho người dân; kết hợp với phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị, thành phố phát động rửa tay bằng xà phòng; tăng cường tổ chức giám sát dịch bệnh tại các bệnh viện và trong cộng đồng để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát, lây lan. Cùng với đó, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh đã cấp phát Cloramin B cho các trung tâm y tế huyện; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị cách pha dung dịch Cloramin B đúng nồng độ theo quy định để xử lý nguồn nước sinh hoạt đảm bảo vô khuẩn.

Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, để tránh mắc bệnh và ngăn chặn bùng phát thành dịch, mỗi người cần nâng cao kiến thức về phòng chống bệnh đau mắt đỏ, chú ý giữ gìn vệ sinh đôi mắt trong điều kiện sinh hoạt, làm việc hàng ngày. “Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh có thể nhỏ mắt bằng nước mắt nhân tạo hay nước muối sinh lý. Tuy nhiên nếu trong khoảng 3 - 5 ngày bị bệnh mà triệu chứng không thuyên giảm thì cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị đúng cách, tránh để biến chứng nguy hiểm có thể làm giảm thị lực như viêm giác mạc chấm, viêm giác mạc sợi...” - Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn khuyến cáo.

Bài, ảnh: Minh Thảo

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/y-te/179862/phong-benh-dau-mat-do-trong-mua-mua