Phòng bệnh giao mùa từ bữa ăn hằng ngày

PTĐT - Thu chớm đông sang là thời điểm không khí và độ ẩm thay đổi thất thường, tạo ra môi trường thuận lợi cho mầm mống virus, vi khuẩn sinh sôi, phát triển, các căn bệnh giao mùa cũng từ đó mà tăng lên. Việc sử dụng và chế biến thực phẩm xanh cùng chế độ dinh dưỡng  hợp lý trong bữa ăn hằng ngày sẽ là 'lá chắn' hoàn hảo giúp bảo vệ sức khỏe của mỗi cá nhân và gia đình.

Sử dụng thức ăn tươi sống và thực phẩm theo mùa giàu vitamin là yếu tố quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe.

Sử dụng thức ăn tươi sống và thực phẩm theo mùa giàu vitamin là yếu tố quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe.

>>> Chủ động bảo vệ sức khỏe- Tài sản quý giá của mỗi người

Những cơn gió se lạnh hòa cùng tiết trời hanh khô, ngày nắng đêm sương là điểm đặc trưng của khí hậu những ngày chuyển mùa. Cũng như mọi năm, khoảng thời gian này Khoa nội Hô Hấp-Tiêu Hóa Bệnh viện Đa khoa tỉnh lại đông đúc hơn thường nhật. Từng dòng người hối hả, tấp nập pha lẫn tiếng nói chuyện rôm rả, tiếng dép loạt xoạt chạy dọc khắp khu hành lang ngóng chờ tới lượt vào khám. Được biết, những tháng cuối thu đầu đông là giai đoạn bùng phát các căn bệnh hô hấp. Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chỉ trong tháng 8, 9, 10 số người nhiễm bệnh liên quan đến đường hô hấp tăng nhanh chóng ở mức hơn 2.000 bệnh nhân. Trong đó, các dạng bệnh lý về hô hấp người bệnh gặp phải chủ yếu là cảm cúm, viêm mũi họng, hen xuyễn, viêm phế quản, viêm phổi,… Đối tượng dễ mắc bệnh đa phần là người già và trẻ nhỏ bởi đây là nhóm đối tượng có hệ miễn dịch kém. Đặc biệt, với những người có bệnh mãn tính nguy cơ nhiễm bệnh sẽ cao hơn rất nhiều.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng các căn bệnh về đường hô hấp là do sự thay đổi đột ngột của khí hậu. Bởi lẽ, khi biến động nhiệt độ diễn ra nhanh, không khí oi bức, ngột ngạt, độ ẩm chênh lệch cao sẽ khiến cho các loại vi sinh vật sinh sôi, nảy nở gây ra suy yếu hệ miễn dịch. Các virus gây bệnh có điều kiện phát triển nhanh chóng đặc biệt là trong môi trường lạnh và ẩm, dễ dàng xâm nhập vào đường hô hấp hình thành các triệu chứng ban đầu của bệnh như ho, ngứa họng, hắt hơi. Bên cạnh đó, sự thay đổi về thời tiết cũng khiến cho cơ thể không thích ứng kịp thời với môi trường và thói quen sinh hoạt bất hợp lý càng làm các căn bệnh tay, chân, miệng, dị ứng, tiêu chảy và các bệnh lý về tim mạch, xương khớp… xảy ra phổ biến. Trước sự phát triển của các tác nhân gây bệnh từ môi trường, ngoài việc chữa trị kịp thời, phòng ngừa bệnh là điều cần được chú trọng và ưu tiên hơn cả.Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: “Để phòng chống các căn bệnh giao mùa, việc chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt điều độ kết hợp cùng chế độ ăn uống cân bằng, dinh dưỡng là một phương pháp lành mạnh mang lại hiệu quả giúp tăng cường khả năng miễn dịch và bảo vệ sức khỏe tốt nhất. Trong bữa ăn hằng ngày cần chú trọng đảm bảo đủ 4 nhóm chất: Chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Sử dụng đa dạng các thực phẩm giàu đạm để kích thích sản sinh nhiệt độ cơ thể cao, tăng khả năng giữ ấm trong thời tiết lạnh. Ưu tiên lựa chọn các thực phẩm giúp tăng sức đề kháng như kẽm có trong sữa mẹ, ngũ cốc, đậu đỗ, trứng, thịt cá, gan, bơ cứng, hải sản, lạc… và thực phẩm giàu selen như cá biển, lòng đỏ trứng gà, nấm, dầu ôliu, các loại ngũ cốc, sò, hến, tôm, cua đồng… Sử dụng các loại thực phẩm có chứa hoạt chất kháng sinh tự nhiên an toàn với sức khỏe như: Tỏi, gừng, trà xanh, tía tô… Bổ sung thêm rau xanh, hoa quả chín trong khẩu phần ăn hàng ngày, cung cấp đủ lượng vitamin C, A, E cho cơ thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Uống đủ nước mỗi ngày để thanh lọc cơ thể. Riêng với trẻ nhỏ và người cao tuổi, nhóm đối tượng có hệ miễn dịch kém, trong bữa ăn hằng ngày cần bổ sung đủ vi chất qua chế độ ăn đa dạng và cân đối như sắt, kẽm, canxi… nhằm hỗ trợ bảo vệ và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể”.Sử dụng thức ăn tươi sống, thực phẩm theo mùa giàu vitamin là yếu tố quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe. Qua tìm hiểu tại các khu chợ và siêu thị lớn nhỏ trên địa bàn thành phố Việt Trì, các loại thực phẩm như rau, củ, hoa quả mùa lạnh được bày bán phong phú, đa dạng để người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Chị Nguyễn Thu Hiền, phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì chia sẻ: “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được mẹ chỉ một số bài thuốc dân gian giúp phòng bệnh khi thời tiết thay đổi như trị ho bằng mật ong, quả la hán, canh gừng, trị cảm cúm bằng cháo hành, lá kinh giới hấp đường phèn, xông hơi bằng tỏi… Ngoài ra, trong bữa ăn hằng ngày, tôi còn thường xuyên chế biến món ăn từ rau củ, ngũ cốc giàu vitamin, thảo dược, hoa quả… để tăng khả năng kháng khuẩn, giữ ấm cơ thể, bảo vệ cho các thành viên trong gia đình”. Bên cạnh việc bổ sung thêm các thực phẩm xanh trong khẩu phần ăn, sơ chế và sử dụng trực tiếp những thực phẩm tươi sống cũng cần được bảo quản và chế biến đúng cách. Bởi vi khuẩn trong thực phẩm tươi sống dễ xâm nhập vào cơ thể người, từ đó lây nhiễm bệnh. Trong sinh hoạt hằng ngày, để phòng chống bệnh giao mùa, mỗi người cần tạo cho mình thói quen luyện tập thể dục đều đặn, vệ sinh thân thể thường xuyên, ngủ đủ giấc, giảm thiểu áp lực công việc, giữ tinh thần lạc quan, thư thái để có một cơ thể khỏe mạnh. Sức khỏe là “báu vật” vô giá mà tạo hóa đã ban tặng cho mỗi chúng ta, việc nâng niu, chăm sóc bản thân, sinh hoạt điều độ kết hợp cùng chế độ ăn dinh dưỡng, an toàn sẽ là phương thuốc hiệu quả nhất giúp chúng ta chủ động phòng ngừa bệnh giao mùa, bảo vệ chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

Mai Bích

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/suc-khoe-doi-song/201910/phong-benh-giao-mua-tu-bua-an-hang-ngay-167418